Cảnh báo tình trạng học sinh 'yêu đương hồn nhiên, phá thai dại dột'

Ngày 30/06/2016 00:09 AM (GMT+7)

Đó là lời cảnh báo của GS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức – Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình khi nói về tình trạng náo phá thai ở tuổi vị thành niên.

Báo động tình trạng phá thai chui

Chia sẻ với phóng viên bên lề Hội thảo chia sẻ dự án “Thúc đẩy tính toàn diện của hoạt động phá thai an toàn ở thanh thiếu niên” vừa diễn ra tại Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thị Hoài Đức – Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho biết, hiện nay tình trạng phá thai ở trẻ vị thanh niên đang rất báo động. GS Đức cho biết, có đến 70% số ca phá thai chui ở độ tuổi vị thành niên, thậm chí có em còn phá thai 2-3 lần.

“Qua thực tế khảo sát và làm nghiên cứu tôi thấy, có những trẻ vừa mới lớn dậy đã phải đi phá thai, thậm chí không ít trẻ trong độ tuổi 13-18 tuổi phá thai đến 3-4 lần. Việc làm này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là những tai biến có thể xảy ra bất kể lúc nào. Tệ hại hơn của vấn đề này là làm gia tăng tỷ lệ vô sinh khi lập gia đình ...”, GS Đức cảnh báo.

Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình dẫn Điều tra Quốc gia về “Vị thành niên và thanh niên Việt Nam” cho thấy, có tới 36% thanh thiếu niên ở nhóm tuổi từ 14-17 đã quan hệ tình dục. Cá biệt, có những em từ 10-12 tuổi có quan hệ tình dục và hoàn toàn tự nguyện. Cũng theo nghiên cứu này, có 8,4%  phụ nữ ở độ tuổi từ 15-24 cho biết đã ít nhất một lần nạo phá thai.

Cảnh báo tình trạng học sinh #039;yêu đương hồn nhiên, phá thai dại dột#039; - 1

GS Nguyễn Thị Hoài Đức chia sẻ tại Hội thảo

Một vấn đề mà theo GS Đức là chỉ có trong thời hiện đại, đó chính là việc nạo phá thai “bằng mọi cách” và không an toàn. Theo đó, có nhiều em học sinh mới ở độ tuổi 13-15 tuổi khi trót mang thai ngoài ý muốn, phần là sợ gia đình biết bạn bè biết, phần là thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản nên đã không ngần ngại thực hiện những biện pháp tránh thai không an toàn.

“Có những cháu khi mang thai, đã không ngần ngại mua thuốc tránh thai, thuốc chuyển dạ trôi nổi ngoài thị trường sau đó lên mạng tra hướng dẫn cách phá rồi thực hiện theo.

Tuy nhiên, khi thấy máu chảy ra từ vùng kín, do không có hiểu biết về vấn đề này nên nghĩ như vậy là đã phá thai thành công, nhưng thực tế là đang bị băng huyết ồ ạt”, GS Đức cảnh báo.

Phụ huynh đang cầm “chìa khóa” vấn đề

Trước thực tế trên, GS Hoài Đức cho biết, Viện Sức khỏe sinh sản và Gia đình đã làm một dự án tại Hòa Bình và phường Cát Linh. Qua quá trình thực hiện, chị Nguyễn Kim Tuyết - một cán bộ dự án - chia sẻ: “Trước khi làm dự án các bậc phụ huynh rất ít khi, thậm chí là không quan tâm đến các vấn đề sức khỏe sinh sản cũng như tình dục an toàn của trẻ vị thành niên.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện dự án, với những mục tiêu và hoạt động cụ thể như: họp nhóm cho thanh thiếu niên về “Sức khỏe sinh sản” và “Các biện pháp tránh thai”, sinh hoạt câu lạc bộ “gia đình thân thiện” hay như chiến dịch truyền thông cuộc sống lành mạnh. Ngoài ra, dự án cũng cung cấp cho các em học sinh THCS và THPT biết được những dấu hiệu của tuổi dậy thì và hiểu biết , về tình dục và tình dục an toàn”.

Cảnh báo tình trạng học sinh #039;yêu đương hồn nhiên, phá thai dại dột#039; - 2

Phá thai khi tuần tuổi thai lớn sẽ có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe (Ảnh minh họa)

Từ những hoạt động thiết thực, GS Đức cho rằng, bản chất của vấn đề đó chính là gia đình và nhà trường. “Nếu các bậc phụ huynh nghĩ việc giáo dục kiến thức về sức khỏe sinh sản và tình dục an toàn là “vẽ đường cho hươu chạy” thì đó là sai lầm rất lớn.

Nhu cầu tình dục đối với con người là nhu cầu tất yếu, nó là bản năng sinh tồn. Nhưng điều quan trọng là quan hệ tình dục thế nào, quan hệ tình dục ra sao để không để lại hậu quả để không lây truyền bệnh tật, đó chính là những điều mà người lớn phải truyền tải đến các em học sinh đang ở trong độ tuổi dậy thì.

Ngoài gia đình, các thầy cô cũng phải là những người bạn thực sự của các em học sinh, để lắng nghe, chia sẻ những thay đổi của cơ thể trẻ, để chia sẻ những tâm tư và định hướng tâm lý cho trẻ, từ đó trẻ mới hành động đúng định hướng được”, GS Đức phân tích.

“Nếu gia đình vẫn giáo dục theo kiểu ngăn cấm, nhà trường dạy dỗ cầm chừng, chỉ dừng ở “cấu tạo bộ phận”, trong khi hình ảnh, thông tin nhạy cảm về tình dục nở rộ trên các kênh thông tin, đặc biệt là Internet, kích thích sự tò mò và ham muốn của bạn trẻ.

Do sợ bị lộ, bị dèm pha, các em dấm dúi yêu đương, không chủ động trong chuyện phòng tránh thai. Cả nam và nữ đều không dùng các biện pháp tránh thai…Vì thế, các em cứ lặp lại sai lầm “yêu đương hồn nhiên, phá thai dại dột”, GS Đức cảnh báo.

Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Nạo phá thai