Thu nhập thực tế của TP Thượng Hải - Trung Quốc giảm hơn một nửa do lệnh phong toả COVID-19 kéo dài.
6 diễn biến
Thiệt hại khủng khiếp ở Thượng Hải do COVID-19
Báo South China Morning Post (SCMP) ngày 17-4 dẫn ước tính của GS Kinh tế Michael Song tại Trường ĐH Trung văn Hồng Kông cho biết lệnh phong toả COVID-19 kéo dài ở Thượng Hải có thể làm giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng tháng của Trung Quốc từ 2,5%-3%.
Ước tính trên dựa vào mô hình được GS Song cùng với 4 nhà kinh tế từ Trường ĐH Thanh Hoa, ĐH Chiết Giang, ĐH Princeton, ĐH Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế viết trong bài báo xuất bản hồi tháng này.
Mô hình sử dụng dữ liệu lưu lượng xe tải ở 315 thành phố từ tháng 1-2019 đến tháng 1-2022 để dự báo tác động của lệnh phong toả COVID-19kéo dài ở Thượng Hải. Theo đó, các luồng xe tải kết nối với thành phố cũng như thu nhập thực tế của Thượng Hải đều giảm 54%.
Một khu vực bị phong toả ở Thượng Hải ngày 15-4. Ảnh: Reuters
Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc cho hay lưu lượng xe tải là dấu hiệu về sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc. Vận tải hàng hóa đường bộ chiếm 73,8% tổng lượng hàng hóa quốc gia của Trung Quốc vào năm 2020.
GS Song cảnh báo nếu có thêm nhiều thành phố Trung Quốc áp đặt các hạn chế đi lại tương tự, nền kinh tế quốc gia có thể bị ảnh hưởng nặng nề hơn.
Khi Thượng Hải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất kể từ năm 2020, các thành phố lân cận, bao gồm Tô Châu, Từ Châu và Diêm Thành ở tỉnh Giang Tô cũng thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn hoặc kiềm chế biến thể Omicron lây lan.
Công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết chỉ có 13/100 thành phố hàng đầu của Trung Quốc không đề ra các hạn chế liên quan đến sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như phong toả và cách ly, trong khi 73 thành phố chiếm 53% GDP cả nước làm như vậy.
Theo GS Song và nhóm của ông, nếu 4 thành phố lớn nhất của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và Quảng Châu đều ngừng hoạt động trong 1 tháng thì GDP hằng tháng của cả nước có thể giảm tới 8,6%.
Ngày 17-4, Thượng Hải báo cáo 24.820 ca mắc mới COVID-19, bao gồm 3.238 ca có triệu chứng. Tổng số ca mắc COVID-19 của thành phố này hiện đã lên tới 350.000 ca kể từ ngày 1-3. Uỷ ban Y tế Thượng Hải thông báo họ sẽ tiến hành một đợt xét nghiệm Covid-19 khác trong những ngày tới đối với 25 triệu cư dân.
Trên toàn quốc, Trung Quốc có thêm 26.016 ca mắc mới COVID-19 ngày 17-4, hầu hết là ở Thượng Hải. Tỉnh Quảng Đông có thêm 40 ca và tỉnh Cát Lâm có thêm 692 ca. Tính đến hiện tại, Trung Quốc ghi nhận 182.293 ca mắc COVID-19 và 4.638 ca tử vong.
Nguồn: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/thiet-hai-khung-khiep-o-thuong-hai-do-covid-19-20220...
Vì sao 98% PHHS ở Bình Dương đồng ý cho con dưới 12 tuổi tiêm vắc xin COVID-19?
Ngày 18-4, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao động, ông Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết tỉnh đã bắt đầu triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi.
"Có đến 98% phụ huynh học sinh tại Bình Dương đồng ý cho các em dưới 12 tuổi tiêm vắc xin ngừa COVID-19" - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương thông tin.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương (ngoài cùng bên trái) kiểm tra công tác tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi
Chiến dịch này chia thành 3 đợt. Đợt 1 tiêm cho các em học sinh lớp 6; đợt 2 cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 và đợt 3 là các bé 5 tuổi đang học mầm non.
Theo ông Huỳnh Minh Chín, đã có 9 huyện, thị, thành phố đồng loạt triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho 19.171 học sinh khối lớp 6. Trước khi tiêm, các em được thầy cô tư vấn về lợi ích của việc tiêm chủng, được cha mẹ đồng thuận và đã chuẩn bị tốt về tinh thần.
Các em học sinh khối lớp 6 sẽ tiêm trước.
Để chuẩn bị tốt cho việc tiêm, ngành y tế địa phương đã tổ chức tập huấn kỹ cho nhân viên y tế ở các tuyến, bố trí đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, thuốc, xây dựng phương án tổ chức cấp cứu tại điểm tiêm... nhằm bảo đảm an toàn.
Hiện ngành y tế tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương vận động tuyên truyền, nâng cao hơn nữa tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, qua 2 ngày triển khai tiêm vắc xin cho khối học sinh lớp 6, chưa có trường hợp nào bị phản ứng phụ, các em về nhà đều khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường.
Trong ngày đầu tỉnh Bình Dương triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em dưới 12 tuổi, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương đã trực tiếp đến theo dõi, chỉ đạo cũng như động viên các em. Ông Lợi nhấn mạnh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 là điều kiện cần để học sinh an tâm đến trường, bảo đảm chất lượng giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, phải trên tinh thần "tiêm mũi nào, chắc mũi đó".
Ngoài việc tư vấn khám sàng lọc kỹ cho từng em, theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cần chăm lo cho các em về tâm lý, chuẩn bị sức khỏe trước khi đến tiêm, quan tâm theo dõi sau tiêm...
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/vi-sao-98-phhs-o-binh-duong-dong-y-cho-con-duoi-12-tuoi-tie...
F0 giảm mạnh, Bà Rịa-Vũng Tàu thêm 62 ca mắc COVID-19 trong ngày
Trong số những ca mới trên có 20 ca được phát hiện ngoài cộng đồng.
Theo đó, Tp.Vũng Tàu ghi nhận 5 ca, gồm 4 ca đang cách ly tại nhà và 1 ca ngoài cộng đồng ở phường 3.
Tp.Bà Rịa ghi nhận 4 ca, trong đó 2 ca đang cách ly tại nhà và 2 ca ngoài cộng đồng ở phường Long Hương, xã Tân Hưng.
Thị xã Phú Mỹ ghi nhận 36 ca, trong đó 30 ca đang cách ly tại nhà và 6 ca ngoài cộng đồng ở các phường, xã: Phú Mỹ, Hắc Dịch, Châu Pha, Tóc Tiên.
Huyện Đất Đỏ ghi nhận 7 ca, trong đó 6 ca đang cách ly tại nhà và 1 ca ngoài cộng đồng ở thị trấn Phước Hải.
Huyện Long Điền ghi nhận 2 ca ngoài cộng đồng ở thị trấn Long Điền và xã Phước Hưng.
Huyện Xuyên Mộc ghi nhận 8 ca ngoài cộng đồng, trong đó phát hiện chủ yếu ở xã Bàu Lâm và xã Hòa Bình.
Trong ngày, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận thêm 4 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh (tỷ lệ F0 khỏi bệnh là 98%).
Ban chỉ đạo COVID-19 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Hạn chế tiếp xúc không an toàn, luôn ý thức chấp hành quy định 5K trong đó chú ý việc đeo khẩu trang đúng cách và khử khuẩn thường xuyên, nhắc nhở người thân và những người xung quanh nghiêm túc chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
Khi người nhà của các bệnh nhân mắc COVID-19 hoặc bệnh nhân mắc COVID-19 (F0) cần hỗ trợ, hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị cho các F0 tại nhà, hãy gọi tổng đài chăm sóc F0 điều trị tại nhà với đầu số 0254.7300730 hoặc liên hệ đường dây nóng 088.8800.247 để được tư vấn kịp thời.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/f0-giam-manh-ba-ria-vung-tau-them-62-ca-mac-covid-19-trong-n...
Gần 8.500 trẻ 11 tuổi ở Hà Nội đã tiêm vaccine COVID-19, chưa ghi nhận trường hợp phản ứng bất thường
Theo lãnh đạo Sở Y tế thành phố Hà Nội, cập nhật số liệu cuối giờ chiều nay, tổng cộng đã có 6.551 trẻ được tiêm trong 24 giờ qua. Tính tổng chung trong 2 ngày 16-17/4, có gần 8.500 trẻ là học sinh lớp 6 (11 tuổi) ở Hà Nội đã được tiêm mũi 1 vaccine Moderna. 28 ngày sau, những trẻ này sẽ được tiêm mũi 2.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết các trẻ và phụ huynh, người giám hộ được tư vấn kỹ về dinh dưỡng, chăm sóc, theo dõi sau tiêm vaccine COVID-19. Đến nay, thành phố chưa ghi nhận trường hợp nào có phản ứng sau tiêm.
Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em lớp 6 tại Hà Nội.
Để phục vụ công tác tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, Hà Nội đã nhận được 72.700 liều vaccine Moderna từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ. TP đã thực hiện phân bổ ngay cho các quận, huyện, thị xã và chuyển về xã, phường, thị trấn, các bệnh viện để tiêm chủng.
Cùng với Quảng Ninh, TP HCM, Hà Nam, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi. 3 quận, huyện đầu tiên triển khai tiêm là quận Hà Đông, huyện Phú Xuyên và huyện Sóc Sơn.
Theo kế hoạch tiêm chủng, Hà Nội có hơn 1 triệu trẻ thuộc diện tiêm chủng trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi. Như nhiều địa phương khác, Thủ đô tiêm với nguyên tắc hạ dần độ tuổi, trước hết là học sinh lớp 6 (11 tuổi). Bà Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, dự kiến đợt tiêm chủng lần này sẽ diễn ra trong khoảng 10 ngày.
Ngành Y tế Thủ đô đã huy động tất cả các bệnh viện hạng I, hạng II, tuyến Thành phố để tham gia ứng trực tại các điểm tiêm chủng. Đồng thời Hà Nội cũng tổ chức một Hội đồng cấp cứu mời tất cả các chuyên gia trong lĩnh vực Nhi khoa, hồi sức cấp cứu để chuẩn bị cho kế hoạch tiêm chủng lần này.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/gan-8500-tre-11-tuoi-o-ha-noi-da-tiem-vaccine-covid-19-chua-g...
Thượng Hải có ca tử vong đầu tiên do Covid-19 trong đợt dịch hiện tại
Theo chính quyền Thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), 3 bệnh nhân tử vong trong ngày 17/4, ở độ tuổi từ 89 đến 91, đều chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và mắc các bệnh lý nền.
"Tình trạng của 3 người trở nên trầm trọng sau khi nhập viện và tử vong sau đó. Mọi nỗ lực cứu sống họ đều không thành", chính quyền Thành phố Thượng Hải hôm nay (18/4) thông báo.
Trước đó, hồi giữa tháng 3, hai người được báo cáo không qua khỏi ở tỉnh Cát Lâm. Đây là những trường hợp tử vong do Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở Trung Quốc trong hơn 1 năm, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, nghi vấn ngày càng tăng về những cái chết bí ẩn có thể liên quan đến Covid-19 nhưng không được báo cáo, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Theo Wall Street Journal, Caixin và các phương tiện truyền thông địa phương khác, có thể đã có một số người tử vong ở hai cơ sở chăm sóc người già tại Thượng Hải trong đợt bùng phát do biến chủng Omicron gây ra.
Cho đến nay, dù không có trường hợp tử vong nào ở đó được báo cáo chính thức, nhưng một số người thân bệnh nhân và nhân viên đã lên tiếng.
Theo dữ liệu công bố sáng 18/4, Thượng Hải ghi nhận 22.248 ca mắc Covid-19, giảm 10% so với ngày trước đó, trong khi số ca có triệu chứng giảm 25%, xuống mức 2.417 ca.
Thành phố đông dân nhất Trung Quốc đã tiến hành hơn 200 triệu xét nghiệm kể từ ngày 10/3 trong nỗ lực hạn chế đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất Trung Quốc kể từ khi virus corona lần đầu tiên được phát hiện ở Vũ Hán vào cuối năm 2019.
Thượng Hải đang là tâm chấn của đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất ở Trung Quốc kể từ đầu dịch. Tuy nhiên, hầu hết ca bệnh đều có ít hoặc không có triệu chứng, và số bệnh nhân bị bệnh nặng được báo cáo không đáng kể, theo thông tin từ chính phủ.
Theo Ủy ban Y tế Thành phố Thượng Hải, biến chủng Omicron chiếm phần lớn số ca nhiễm mới. Tỉ lệ lây nhiễm ở Thượng Hải vẫn ở mức cao, bất chấp việc phong tỏa kéo dài và xét nghiệm thường xuyên đối với 25 triệu cư dân.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, những khó khăn hiện tại của Thượng Hải cho thấy thành phố đã thiếu sự chuẩn bị trước Omicron và có những sai lầm trong chính sách, sơ hở trong quản lý cộng đồng và sự “thiếu cảnh giác” của các quan chức địa phương.
Theo một số chuyên gia, cách tiếp cận phòng dịch “có mục tiêu” trước đây của Thượng Hải dường như bị tụt lại trong cuộc đua với biến thể Omicron, mặc dù nó đã giúp thành phố này vượt qua các đợt bùng phát trước đó mà không ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.
Các vấn đề của Thượng Hải cũng là vấn đề cần giải quyết của các khu vực khác ở Trung Quốc khi quốc gia này vẫn tuân theo chiến lược “không Covid-19 năng động”, nhưng cần cụ thể và khoa học hơn.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thuong-hai-co-ca-tu-vong-dau-tien-do-covid-19-trong-dot-dich...
Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh trở lại
Sau một thời gian số ca COVID-19 giảm, Ấn Độ một lần nữa chứng kiến sự gia tăng các trường hợp nhiễm Covid-19.
Ấn Độ là nơi bị ảnh hưởng nặng về vì dịch COVID-19 vào năm 2021 nhưng tình hình đã được cải thiện rõ rệt trong năm nay và hầu hết các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 bao gồm cả việc đeo khẩu trang gần đây đã được bãi bỏ tại quốc gia này.
Nhiều biện pháp phòng ngừa COVID-19 tại Ấn Độ đã được dỡ bỏ, bao gồm cả việc đeo khẩu trang. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, số ca mắc bệnh đang gia tăng trở lại ở đất nước hơn tỷ dân, với 2.183 ca nhiễm mới được báo cáo vào ngày 18/4, nâng tổng số ca lên hơn 43 triệu ca, theo số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ (Dữ liệu được cập nhập lúc 8 giờ sáng).
Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận 214 trường hợp tử vong do COVID-19, trong đó có 213 trường hợp từ bang Kerala, miền nam nước này, nơi được coi là đưa ra dữ liệu chính xác hơn nhiều bang khác tại Ấn Độ.
Ngoài bang Kerala, thủ đô Delhi và các bang Maharashtra và Haryana đã báo cáo số ca nhiễm COVID-19 tăng lên ba con số trong 24 giờ qua. Dữ liệu trên tờ The Times of India ngày 18/4 cho thấy, trong tuần từ 11-17/4, Ấn Độ ghi nhận 6.610 ca mắc mới COVID-19, tăng 35% so với mức 4.900 ca trong 7 ngày trước đó.
Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới COVID-19 trong một tuần ở Ấn Độ tăng kể từ tháng 1/2022.
Tuy nhiên, tổng số ca mắc COVID-19 trong 7 ngày qua ở nước này nhìn chung vẫn ở mức thấp so với cách đây 2 năm và đợt lây nhiễm ở các bang New Delhi, Haryana và Uttar Pradesh dường như đã được kiểm soát.
Số ca nhập viện tại Ấn Độ vẫn ở mức thấp mặc dù số ca nhiễm COVID-19 đang có chiều hướng tăng lên trong những ngày gần đây kể từ khi tất cả các hạn chế được bãi bỏ.
Song, giới chuyên gia nhấn mạnh đại dịch COVID-19 chưa kết thúc và số ca mắc mới ở các bang điểm nóng dù không tăng cao nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại.
Nguồn: https://www.doisongphapluat.com/an-do-ghi-nhan-so-ca-nhiem-covid-19-tang-manh-tro-lai-a...