“Vợ chồng tôi nuôi 15 đứa con quá đuối sức. Bữa có người hỏi rằng “Làm sao mi đẻ con nhiều vậy”, tôi chưa kịp trả lời thì có người đáp dùm: “Nó đẻ nhiều, nó nuôi. Mi nuôi đâu mà lo”. Thực sự họ nói đúng quá trời, chúng tôi đẻ nhiều phải gánh mọi thứ trên vai, từ tiền ăn, tiền học của các con", anh Long tâm sự.
Cặp vợ chồng sinh 15 đứa con ở Chư Pưh (Gia Lai) đã thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là các mẹ bỉm sữa. Mọi người "choáng ngợp" trước việc sinh nhiều con dù cuộc sống không mấy dư giả. Thậm chí có người cho rằng cặp đôi không thực hiện chính sách của nhà nước về dân số, chính sách kế hoạch hóa gia đình. Song có người lại bày tỏ sự cảm thông, đồng thời hi vọng “đại gia đình” này sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó, đám trẻ được đến trường học con chữ.
Anh Siu Long (SN 1976) – cha của 15 đứa trẻ thành thật: “Giờ cả nước biết chuyện vợ chồng tôi sinh nhiều con. Thậm chí họ còn cho rằng chúng tôi chính là cặp vợ chồng sinh nhiều con nhất nhì Việt Nam.
Tôi thấy cũng đúng vì làm gì có cặp đôi nào dám sinh nhiều con giữa xã hội hiện đại này. Hôm bữa tôi có đọc báo thấy ở Sài Gòn có vợ chồng sinh 13 đứa con, tính ra vẫn thua chúng tôi 2 đứa con lận.
Cách đây vài năm, ở Nghệ Ai cũng có vợ chồng 13 con vẫn sinh thêm 2 bé gái song sinh. Nhưng tôi nghe nói họ có điều kiện nên chuyện sinh thêm con cũng dễ hiểu. Chỉ có vợ chồng tôi là nghèo, nghèo suốt mấy chục năm qua chỉ vì nhiều con”.
Đàn con thơ của vợ chồng anh Long.
Anh Long cho biết đứa con lớn nhất năm nay đã 22 tuổi, còn con út mới chập chững biết đi. Anh và vợ chẳng thể chăm sóc chu đáo cho các con, chỉ mong làm đủ ăn và có tiền cho con đến trường học cái chữ như con nhà người ta. Vì thế cuộc sống cứ quẩn quanh với nương rẫy và công việc làm mướn.
“Vợ chồng tôi nuôi 15 đứa con quá đuối sức. Bữa có người hỏi rằng “Làm sao mi đẻ con nhiều vậy”, tôi chưa kịp trả lời thì có người đáp dùm: “Nó đẻ nhiều, nó nuôi. Mi nuôi đâu mà lo”. Thực sự họ nói đúng quá trời, chúng tôi đẻ nhiều phải gánh mọi thứ trên vai, từ tiền ăn, tiền học của các con.
Đợt này con tôi lập gia đình, sinh con cũng về đây sống. May mắn tôi không phải lo gì cho cháu cả. Tiền bỉm sữa đều do 2 đứa tự mua cho con. Tôi cũng dặn các con rằng chỉ nên đẻ 2 con, giãn xa xa nhau để cuộc sống đỡ khốn khổ.
Sau đó tôi lấy ngay dẫn chứng vợ chồng tôi để chúng làm gương. Chúng cũng hứa sẽ tập trung làm kinh tế, vài năm nữa mới tính chuyện sinh thêm đứa thứ 2”, anh Long chia sẻ.
Các con của anh Long thường đi học tiểu học, mầm non vào trong tuần. Ngày nghỉ chúng sẽ cùng cha mẹ lên nương lên rẫy làm cỏ hoặc đi mần thuê cho người ta. Đứa nhỏ làm việc nhẹ như nhổ cỏ, đứa lớn làm việc to hơn một xíu như bốc đất. Chúng cứ cố gắng phụ giúp cha mẹ với hi vọng hôm đó có thêm tiền công, được ăn cơm với thịt cá.
Anh Long chỉ mong trời thương ban cho sức khỏe để làm lụng nuôi các con.
“Mỗi bữa chúng ăn hết một nồi cơm to. Còn cái ăn thì có gì ăn nấy thôi, bữa thì với nước tương, bữa lại rau luộc chấm mắm. Có hôm nhà hết gạo, tôi đành đi rừng hái rau dại về nấu, ăn đến khi nào no bụng thì thôi.
Mấy đứa nhỏ không chịu nuốt, vợ tôi phải nịnh ăn đi rồi mẹ mua bánh kẹo. Chúng nghe vậy mới chịu ăn rồi có thực hiện được lời hứa đâu vì làm gì có tiền”, anh Long trải lòng.
Nhắc đến chuyện có sinh con nữa hay không, người đàn ông dân tộc khẳng định hai vợ chồng đã quyết định “dừng sinh”, thực hiện biện pháp kế hoạch theo sự hướng dẫn của cán bộ xã. Anh đã thấm thía cái khổ cái cực khi sinh nhiều con, nhất là khi chứng kiến các con không có cuộc sống tốt như bạn bè cùng trang lứa.
“Tôi trăn trở lắm, cứ nghĩ làm sao để chúng có một cuộc sống đủ đầy. Nhưng làm mãi cũng chỉ đủ ăn, đến cái nhà cũng không xây nổi thì làm sao ước mơ to tát được chứ. Giờ tôi chỉ mong hai vợ chồng khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật gì để có thể tập trung làm lụng kiếm tiền nuôi con.
Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn các mạnh thường quân đã giúp đỡ, động viên vợ chồng tôi suốt thời gian qua. Qua đây tôi cũng muốn nhắn gửi đến các cặp vợ chồng không nên sinh nhiều con, chỉ đẻ 2 đứa như nhà nước khuyến khích. Khi ấy các con được sống và phát triển trong một môi trường tốt nhất”, anh Long nói.