Đến rạng sáng 2/1, lãnh đạo địa phương đã phải vận động anh Thái Văn Tài - cha nạn nhân, về nhà nghỉ ngơi.
Sau hai ngày thực hiện nhiều giải pháp để cứu bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) lọt trụ bê tông sâu 35m nằm ở công trình xây dựng cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp), hiện công tác cứu hộ vẫn chưa có kết quả.
Theo ghi nhận, mặc dù lực lượng chức năng đã rất nỗ lực tiếp cận nạn nhân nhưng việc giải cứu gặp nhiều khó khăn. Nỗ lực rút trụ bê tông tiếp cận bé trai 10 tuổi chưa có tiến triển. Việc cứu nạn đang phải tạm ngừng lại do trong quá trình khoan cọc nhồi khiến trụ bê tông bị lệch nhẹ. Nguyên nhân tình trạng này được cho là áp lực lớn từ hệ thống khoan cọc nhồi, khiến trụ bê tông xây cầu bị dịch chuyển.
Hiện trường vụ giải cứu bé trai. Ảnh: Tuổi trẻ
Anh Thái Văn Tấn Tài (cha bé Hạo Nam) quan sát đội cứu nạn làm việc với gương mặt thất thần, mệt mỏi. Nhưng người cha chưa bao giờ tắt hy vọng con trai mình vẫn còn sống.
Khi hay tin con trai gặp nạn, anh Tài và chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (mẹ bé Nam) hoảng hốt chạy đến hiện trường.
Anh Tài kể, lúc anh đến hiện trường thì vẫn nghe tiếng kêu cứu của con nhưng khoảng 10 phút sau thì không còn nghe tiếng của cháu bé. Từ lúc con gặp nạn đến hiện tại, anh Tài vẫn túc trực tại hiện trường. Còn chị Mỹ Linh đã ngất xỉu nhiều lần từ lúc con trai rơi xuống cột bê tông. Được biết, bé Nam là con thứ hai trong gia đình có hai anh em.
Cha nạn nhân và người nhà bé Thái Lý Hạo Nam túc trực gần hiện trường. Ảnh: Zingnews
Theo người thân của anh Tài, kể từ lúc con trai gặp nạn, anh hầu như không thể ngủ. Ngoài ra, người đàn ông này thường xúc động mạnh khi nói về tình trạng của con trai.
Do công tác cứu hộ hiện vẫn chưa có thêm tiến triển nên rạng sáng nay, lúc 1h45 ngày 2/1, lãnh đạo địa phương đã vận động anh Tài về nhà nghỉ ngơi. Anh Tài đồng ý nhưng yêu cầu lực lượng chức năng phải thông báo cho mình ngay khi tìm được cháu Nam
Rạng sáng 2/1, lãnh đạo địa phương vận động anh Thái Văn Tài - cha nạn nhân, về nhà nghỉ ngơi. Ảnh: Dân Trí
Trước đó, theo báo Tuổi trẻ, Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp đã có báo cáo nhanh về vụ tai nạn nghiêm trọng làm bé trai lọt vô trụ bê tông rỗng sâu hơn 35m tại công trình cầu Rọc Sen.
Theo đó, gói thầu số 14 gồm thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước, do liên danh Công ty cổ phần Công trình cầu phà TP.HCM - Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải xây dựng giao thông T&T tổ chức thi công.
Đến nay, mố MA cầu kênh Rọc Sen đã được nhà thầu thi công hoàn thành đóng trụ bê tông D500 từ ngày 23 đến 28/12 tổng số 18/18 cọc D500.
Khoảng 11h30 ngày 31/12/2022, có một nhóm trẻ em từ 10 tuổi đến 12 tuổi đi vào công trường và được bảo vệ phát hiện đuổi ra. Tuy nhiên, đến 11h50 cùng ngày, công trường đang nghỉ trưa thì nhóm trẻ trên lại tiếp tục vào công trường phía mố MA.
Lúc này, một cháu bé khoảng 10 tuổi rơi lọt vào trong lòng trụ bê tông (cọc ống D500) tại mố MA (cọc C1-MA) có đường kính ngoài cọc 500mm và đường kính trong cọc 250mm.
Tại thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngừng làm việc và nhân công đang nghỉ trưa. Trước thời điểm đó, công trình vẫn làm việc bình thường.
Ngay sau khi nhận thông tin, Sở Giao thông vận tải, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông, địa phương và các đơn vị cứu hộ đến hiện trường dùng các biện pháp, bơm oxy tạo dưỡng khí cho bé...
"Hiện các đơn vị đang nỗ lực, phối hợp cùng nhà thầu, cơ quan chức năng, lực lượng cứu hộ tiến hành các giải pháp làm giảm ma sát cọc (khoan tạo lỗ, xói thành cọc...) sau đó rút cọc để giải cứu cháu bé. Kết quả thực hiện sẽ báo cáo cụ thể UBND tỉnh", văn bản nêu.
Lực lượng chức năng bom oxy, thả nước vào trụ bê tông. Ảnh: Công an Đồng Tháp
Có mặt tại hiện trường chiều qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho hay đây là sự cố rất hy hữu. "Chúng tôi đã huy động thêm các phương tiện từ nơi khác đến hiện trường cứu hộ với phương châm "còn nước còn tát", để cứu hộ cháu bé một cách tốt nhất", ông Tuấn cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, khó khăn nhất đối với lực lượng cứu hộ là thời gian. "Chúng tôi đang chạy đua với thời gian để giải cứu cháu bé. Thời gian là "nút thắt" trong việc giải cứu nên chúng tôi phải cố gắng vượt thời gian", ông Tuấn cho biết thêm.