Để có được thành công hôm nay, ông Cua và các đồng sự phải trải qua 1/4 thế kỷ mày mò, nghiên cứu và không ít lần thất bại.
Video: Kỹ sư Hồ Quang Cua chia sẻ về loại gạo ngon nhất thế giới và những lo lắng sau khi nhận giải thưởng
Thi gạo cũng như thi hoa hậu, gạo không chỉ đẹp, ngon mà phải có cái hồn
Một ngày cuối năm 2019, 2h chiều, dù vừa vượt hàng nghìn km để có mặt tại Hà Nội, kỹ sư Hồ Quang Cua (quê Sóc Trăng) vẫn dành cho phóng viên cuộc phỏng vấn trong không gian vô cùng đặc biệt tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Không bàn làm việc, chẳng có sự chuẩn bị, vị kỹ sư già ngồi trên chiếc ghế cũ mèm ngay trước lùm cây trước sân của viện. Suốt buổi trò chuyện, ông say sưa nói về đồng ruộng, về những giống lúa và cả những bát cơm nóng hổi mà ông và các đồng nghiệp phải mất 25 năm mới có được.
Kỹ sư Hồ Quang Cua và các cộng sự tham dự Hội nghị Quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo vừa được tổ chức ở Manila (Philippines).
Kỹ sư Hồ Quang Cua là “cha đẻ” của loại gạo có tên ST25 - vừa được Hội nghị Quốc tế lần thứ 11 về Thương mại gạo tổ chức ở Manila (Philippines) bình chọn là gạo ngon nhất thế giới. Đó không chỉ là niềm tự hào của cá nhân ông và nhóm nghiên cứu, mà còn là sự tự hào của đất nước Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Thời điểm biết tin “đứa con tinh thần” của mình giành được giải cao nhất trên toàn thế giới về gạo, ông Cua đã tắt máy bỏ lỡ hơn 50 cuộc điện thoại, trong đó có không ít cuộc gọi của lãnh đạo để chúc mừng. Ông cho biết lý do tắt máy một phần là để “né” anh em báo chí, nhưng một lý do khác là muốn giữ cho mình chút yên tĩnh để nhớ lại hành trình mà mình đã trải qua, cũng như những khó khăn còn rất nhiều phía trước.
Dành cả cuộc đời cho nông nghiệp và nhiều năm mang gạo đi thi ở khắp các nước để khẳng định vị thế gạo Việt Nam, đây là lần ông Cua thành công nhất. Ông cho biết khi nấu cơm không chỉ có làm theo hướng dẫn ghi trên bao bì, mà cần phải có kinh nghiệm và để cả tâm hồn vào đó. Còn trong cuộc thi, ngoài yếu tố kỹ thuật, hình thức, sự may mắn cũng là điều làm nên chiến thắng.
Kỹ sư Hồ Quang Cua trò chuyện với phóng viên về lần đầu tiên Việt Nam được công nhận có giống gạo ngon nhất thế giới.
“Mang gạo đi thi nấu cơm cũng căng thẳng như thi hoa hậu vậy. Gạo nước nào cũng đẹp, cũng trắng, cũng tròn…giống như hoa hậu, ai cũng đẹp cả nhưng để giành được chiến thắng thì ngoài những vấn đề về độ mềm dẻo, đều, đẹp thì thật sự phải có một chút may mắn nữa”, ông Cua nói.
Người đàn ông mấy chục năm nấu cơm đi thi: “Thất bại lắm, thị phi nhiều, thành công đừng vui quá”
Bắt đầu nghiên cứu những giống gạo mới từ năm 1991, trong nhiều năm, ông Cua cũng là người Việt Nam duy nhất đi thi nấu cơm ở khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên ông giành được chiến thắng thuyết phục.
Dù nếm trải không ít thất bại nhưng người đàn ông chân chất này chưa từng một lần nản chí. Ông cho rằng sự mọi sự thất bại đều có lý do, vậy là sau mỗi lần đó ông lại cải tiến, lai tạo để cho ra những giống lúa chất lượng hơn, ngon hơn… và cuối cùng ông đã là người mang về vinh quang cho Tổ quốc.
Ông Cua từng đối diện với những thị phi cho rằng "chỉ với bằng cấp kỹ sư thì làm được gì"
Không chỉ đối mặt với những thất bại, trong suốt cuộc đời vừa làm quản lý, vừa làm nghiên cứu của mình, ông Cua còn chịu không ít thị phi. Ông Cua kể rằng, khi nghiên cứu thất bại ông đã nhận được những lời nói cho rằng đừng nên nghiên cứu nữa hay bằng cấp kỹ sư thì làm được gì (?!).
“Tôi không có bằng cấp cao, chỉ có bằng kỹ sư thôi. Nhiều người nói rằng, kỹ sư chỉ là cái khởi đầu, cái bằng thoát dốt trong khoa học, còn bằng tiến sĩ mới là sự khởi đầu của nghiên cứu.
Tôi nghe những câu nói đó thì chẳng biết nói gì vì đúng mà. Khi đó tôi chỉ biết tự cố gắng vừa học, vừa làm, vừa tự mày mò để nâng cao trình độ. Tôi nghĩ rằng đâu nhất thiết phải học để lấy bằng, mà mình đi sâu vào nghiên cứu thực hành trong lĩnh vực chuyên sâu.
Mình có thể không học lên để lấy bằng cấp, nhưng mình tạo điều kiện cho đồng nghiệp mình cùng học thì cũng có sao đâu. Trong nhóm nghiên cứu của tôi có tiến sĩ, thạc sĩ đủ cả”, ông Cua chia sẻ.
Hình ảnh ông Cua luôn gắn liên với đồng ruộng đã quá quen thuộc với người dân.
Theo vị kỹ sư này, học là tốt nhưng phải đi đôi với thực hành, phải có cái nhìn bao quát, đôi khi trả giá bằng thất bại thì mới có được kinh nghiệm và chiến thắng. Giờ đây, khi đã giành được vinh quang nhưng kỹ sư Cua luôn giữ cho mình sự khiêm tốn vì ông cho rằng: “Chiến thắng ai cũng vui, nhưng đừng vui quá mà phải cố gắng để giữ được vị thế này”.
Chặng đường phía trước còn dài, ngủ quên trên chiến thắng là tự chuốc lấy thất bại ở ngày mai
Trong năm 2019, khi mang gạo đi dự Hội nghị quốc tế lần thứ 11 về thương mại gạo tổ chức ở Manila ông Cua cùng đồng sự mang hai mẫu gạo là ST24 và ST25 để dự thi. Cả hai loại đều lọt vào tốp đầu thế giới, nhưng ban tổ chức chọn ST25 để vinh danh.
“ST24 và ST25 như anh em sinh đôi vậy, cùng thơm, trắng, tròn, đẹp nhưng ST25 hạt cơm dẻo hơn. Hiện loại gạo này vừa mới các nhà khoa học vừa khảo nghiệm xong, đang trong giai đoạn thăm dò nên chưa xuất hiện ngoài thị trường”, ông Cua cho hay.
Loại gạo ST25 vừa được công nhận ngon nhất thế giới và quyết tâm của ông Cua đưa gạo Việt Nam vươn tầm thế giới.
Điều ông Cua lo ngại nhất lúc này là tình trạng giả mạo thương hiệu. Khi ban tổ chức vừa công bố chiến thắng được 3 ngày, trên thị trường, thậm chí tận Mỹ cũng đã có bao bì ghi thông tin về ST25 - loại gạo ngon nhất thế giới. Ông Cua khẳng định đó là giả mạo bởi nhóm nghiên cứu chưa hề bán một kg lúa giống nào.
Chính sự giả mạo đó khiến cho thương hiệu gạo Việt Nam ngon nhất thế giới dễ bị hiểu nhầm và nếu không có biện pháp can thiện sẽ làm giảm giá trị gạo của Việt Nam. Kỹ sư Cua cũng cho rằng chặng đường phía trước còn dài, thắng lợi này mới chỉ lần đầu và có bền vững hay không thì phải dựa vào chính các doanh nghiệp và các nhà khoa học. Nếu ngủ quên trên chiến thắng thì các quốc gia khác sẽ vượt qua nên chúng ta phải không ngừng nghiên cứu để hoàn thiện mình hơn nữa.
Mới đây, gạo ST25 của Việt Nam vừa vượt qua rất nhiều loại gạo nổi tiếng của nhiều quốc gia khác như Philippines, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Srilanka…để trở thành loại gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi World's Best Rice, do The Rice Trader tổ chức tại Manila, Philippines. Được biết, loại gạo ST25 là loại gạo thuộc nhóm có chất lượng tốt nhất hiện nay. Gạo hạt dài, trong, không bạc bụng, cơm khi nấu dẻo, thơm, hương vị ngọt dẻo đặc biệt rất thu hút. Gạo thuộc loại dẻo thơm nên nấu ít nước, cơm vẫn dẻo dù không xới khi nấu. "Cha đẻ” của giống gạo này là kỹ sư Hồ Quang Cua - người đã cùng các cộng sự nghiên cứu suốt hơn 20 năm. Đây cũng là lần đầu tiền Việt Nam có loại gạo được bình chọn là ngon nhất thế giới. Trong khi thống trị về số lần được bình chọn hiện nay đang là Thái Lan, Campuchia khi nhiều năm đạt được danh hiệu này. |