Bạn xứng đáng có một cuộc sống tràn ngập niềm vui và sự viên mãn. Từ bỏ những thói quen này là bước đầu tiên để biến điều đó thành hiện thực.
Bạn đã bao giờ dừng lại để tự hỏi mình thực sự cần những gì để có một cuộc sống hạnh phúc lâu dài chưa? Từ bỏ những hành vi dưới đây thực sự có thể thay đổi cuộc đời bạn.
1. Bỏ qua tầm quan trọng của các mối quan hệ thân thiết
Chúng ta thật dễ bị cuốn vào cuộc sống hối hả này và không biết từ bao giờ đã đẩy các mối quan hệ xuống hàng thứ yếu. Nhưng nếu bạn muốn có một cuộc sống lâu dài và vui vẻ thì việc nuôi dưỡng các mối quan hệ thân thiết nên là ưu tiên hàng đầu.
Điều này đã được nghiên cứu chứng minh rõ ràng. Nghiên cứu của đại học Harvard về sự phát triển của người trưởng thành là một trong những nghiên cứu lâu đời nhất về hạnh phúc và sức khỏe.
Nghiên cứu đã tiết lộ một phát hiện quan trọng: Các mối quan hệ tốt là yếu tố quan trọng nhất cho một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và viên mãn. Không phải sự giàu có, không phải danh tiếng mà là các mối quan hệ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng những người có nhiều kết nối xã hội chất lượng không chỉ hạnh phúc hơn mà còn sống lâu hơn.
Tuy nhiên, trong thế giới bận rộn ngày nay, chúng ta thường dễ bỏ qua điều này. Chúng ta nhắn tin thay vì nói chuyện, làm việc muộn thay vì dành thời gian cho những người thân yêu và đôi khi để tồn tại những xung đột không được giải quyết trong nhiều năm.
Nỗ lực ưu tiên các mối quan hệ có ý nghĩa với gia đình, bạn bè hay người yêu có thể cải thiện đáng kể sức khỏe tinh thần và thể chất của bạn. Hãy lên lịch gặp gỡ mọi người thường xuyên, có những cuộc trò chuyện sâu sắc và thể hiện sự quan tâm, thực sự trân trọng của bạn.
Niềm vui sâu sắc nhất của cuộc sống thường đến từ những mối quan hệ mà chúng ta xây dựng. Vì vậy, đừng đánh giá thấp sức mạnh của những mối quan hệ thân thiết.
2. Bỏ bê sức khỏe thể chất
Trong hành trình tìm kiếm “năng suất”, nhiều người không hay biết rằng mình đã để sức khỏe thể chất tụt lại phía sau. Họ nghĩ rằng miễn là tỉnh táo và mạnh mẽ về mặt tinh thần, có không tập luyện hay thường xuyên ăn đồ ăn vặt cũng không sao nhưng đó chính là sai lầm.
Sức khỏe thể chất ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Khi bạn bỏ bê cơ thể, bạn cũng đang bỏ bê tâm trí của mình.
Chỉ sau một hoặc hai tuần không quan tâm đến sức khỏe, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy uể oải, thiếu năng lượng và khó tập trung. Và ngay khi bạn bắt đầu chăm sóc sức khỏe thể chất của mình thông qua tập thể dục thường xuyên và ăn uống cân bằng, mọi thứ sẽ thay đổi. Tâm trạng của bạn sẽ được cải thiện, mức năng lượng cũng tăng lên và bạn có thể suy nghĩ rõ ràng hơn. Nếu bạn đang phấn đấu cho một cuộc sống lâu dài và hạnh phúc, đừng bỏ qua sức khỏe thể chất của mình.
3. Để cái tôi điều khiển mọi việc
Cái tôi là một thứ khó lường. Đó là giọng nói bên trong chúng ta khăng khăng đòi chúng ta phải đúng, phải tốt hơn, phải là trung tâm của sự chú ý. Và nó có thể thực sự cản trở một cuộc sống lâu dài, vui vẻ.
Bản ngã của chúng ta thường thúc đẩy chúng ta đưa ra những quyết định có thể không vì lợi ích tốt nhất của mình. Nó có thể khiến chúng phải hối hận sau này, luôn tìm kiếm sự xác nhận và tạo ra xung đột không cần thiết.
Hãy học cách nhận ra khi nào cái tôi của bạn đang chiếm ưu thế và chủ động lựa chọn hành động từ lòng trắc ẩn và sự hiểu biết. Bạn sẽ tạo ra không gian cho các mối quan hệ lành mạnh hơn và một cuộc sống viên mãn hơn.
4. Đầu hàng trước những lời nói tiêu cực
Tự nói chuyện tiêu cực không chỉ là thói quen xấu mà còn là một cái bẫy tâm lý có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc của bạn. Theo tiến sĩ Tâm lý học Elizabeth Scott, nó có thể dẫn đến tăng căng thẳng và thậm chí là cảm giác chán nản.
Hãy bắt đầu bằng cách nhận thức được cuộc đối thoại bên trong mình. Hãy nhận ra khi nào bạn đang chỉ trích hoặc tiêu cực quá mức về bản thân. Sau đó, hãy thách thức những suy nghĩ này. Chúng có thực sự đúng không hay chỉ là những lời buộc tội vô căn cứ mà tâm trí bạn đang tạo ra? Thay vì tự trách mình về những lỗi lầm hoặc thiếu sót , hãy đối xử với bản thân bằng lòng tốt và sự thấu hiểu.
5. Theo đuổi sự hoàn hảo
Chủ nghĩa hoàn hảo có vẻ là một mục tiêu cao quý nhưng thực tế, nó có thể là một cái bẫy. Theo các nhà nghiên cứu , tính cầu toàn có thể làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng tâm lý như trầm cảm và lo âu.
Những người cầu toàn thường đặt ra những tiêu chuẩn cao không tưởng cho bản thân. Và khi không thể tránh khỏi việc không như ý, điều này sẽ gây ra một vòng xoáy tự chỉ trích và những cảm xúc tiêu cực.
Nhớ rằng, sự hoàn hảo chỉ là ảo tưởng. Thay vì theo đuổi sự hoàn hảo, hãy thử đón nhận sự tiến bộ, ăn mừng những chiến thắng nhỏ và tập trung vào hành trình thay vì ám ảnh về kết quả. Bạn sẽ thấy rằng việc từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo không chỉ làm giảm gánh nặng tinh thần mà còn khiến cuộc sống thú vị hơn nhiều.
Từ bỏ những hành vi trên đây không phải lúc nào cũng dễ dàng mà cần có nhận thức về bản thân, kiên nhẫn và sẵn sàng thực hiện những thay đổi có chủ đích. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ, tập trung vào tiến trình và tử tế với bản thân khi bạn thực hiện những thay đổi này. Theo thời gian, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt không chỉ ở cảm giác mà còn ở chất lượng cuộc sống của bạn nói chung.