Tại buổi tọa đàm, GS Hồ Ngọc Đại khẳng định, công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn và ông sẽ phá vỡ nền giáo dục cũ để xây dựng một nền giáo dục mới.
Phương pháp dạy học đã tồn tại 40 năm
Sáng ngày 8/9, tại buổi tọa đàm về công nghệ giáo dục trong kỷ nguyên 4.0, GS.TSKH Hồ Ngọc Đại – tác giả phương pháp dạy học theo hình vuông, hình tròn đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề này.
GS Hồ Ngọc Đại cho biết, chương trình Công nghệ giáo dục không phải bây giờ mới xuất hiện mà đã có cách đây 40 năm và được áp dụng ở nhiều tỉnh thành. Trường đầu tiên áp dụng chương trình này chính là trường Thực Nghiệm, nơi ông là người thành lập.
Theo giáo sư, công nghệ giáo dục phải là nền giáo dục chưa từng có chứ không phải "nền áo dục đầy ảo tưởng" như chúng ta đang áp dụng hiện nay. Lý giải cho luận điểm này, GS Đại thẳng thắn bày bỏ: “Trước đây, chúng ta chỉ có 5% người dân đi học, thời đó đi học là để làm quan.
GS Hồ Ngọc Đại khẳng định, công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Còn bây giờ gần 100% người dân đi học, vì thế việc trẻ đi học phải làm sao được vui vẻ, hạnh phúc nhất. Bởi vậy, chúng ta phải làm thế nào để học sinh không có cảm giác học, đó mới là học. Học phải tự nhiên như hít thở không khí hàng ngày, học sinh không bao giờ phải ôn tập”.
Trước những ý kiến trái chiều của dư luận về phương pháp học mới (hay còn gọi là công nghệ giáo dục) GS Đại cho biết, ông không lên tiếng trước những chỉ trích của dư luận, vì việc lên tiếng chỉ làm cho mọi chuyện phức tạp thêm.
“Những người không biết gì mà chỉ trích tôi, tôi sẽ không chấp. Còn công nghệ giáo dục sẽ tồn tại vĩnh viễn vì đây là công trình mang tính lịch sử chứ không phải là sản phẩm của một cá nhân tôi”, GS Đại nói.
Phá vỡ nền giáo dục cũ, xây dựng nền giáo dục mới
Dù khẳng định như vậy, nhưng GS Đại cũng cho rằng, chặng đường phía trước sẽ còn những khó khăn, chứ không dễ dàng gì. “Dù khó khăn nhưng tôi sẽ làm được. Tôi sẽ phá vỡ nên giáo dục cũ, xây dựng một nền giáo dục mới. Thực tế, trường Thực Nghiệm mấy chục năm qua vẫn tồn tại, đó chính là một minh chứng rõ ràng nhất”, GS Đại nói.
Phương pháp dạy chữ theo hình vuông, hình tròn gây tranh cãi trong thời gian gần đây.
Để xây dựng được nền giáo dục mới, GS Đại đưa ra 2 việc trọng yếu nhất, đó là việc phải xây dựng nền tảng lý thuyết không ai bắt bẻ được, thứ hai là phải có cơ sở kỹ thuật tốt nhất. Chỉ có như vậy, khi học trẻ mới phát huy được hết khả năng sáng tạo của mình và mới phát triển được tư duy toàn diện.
“Trẻ luôn có những cái lý của bản thân, người lớn phải căn cứ trên cái lý đó, chứ không thể dạy trẻ bằng ảo tưởng, bằng suy nghĩ và mong muốn của chính mình. Trước đây, người lớn thường áp dụng suy nghĩ của mình với trẻ, khi trẻ nghe lời tưởng rằng đó là tốt, nhưng thực chất lại là sự áp đặt rất tàn bạo.
Giờ đây, tôi chỉ mong muốn đất nước này, thế hệ hiện nay phải tự xác lập nên thời đại mới. Người lớn, người đi trước không nên và không có quyền lấy mình làm khuôn mẫu cho trẻ phải học theo”, GS Đại thẳng thắn chia sẻ.
Công trình nghiên cứu bộ sách tiếng Việt lớp 1 theo Công nghệ giáo dục chứa nhiều công sức của GS Hồ Ngọc Đại.
Suốt một đời nghiên cứu khoa học và cống hiến cho ngành giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ, chính bộ sách Công nghệ giáo dục tiếng Việt lớp 1 là thành tựu lớn nhất của ông và cũng là công trình chiếm nhiều công sức của ông nhất.
Ông cho rằng, với học sinh lớp 1, nếu học sách Công nghệ Giáo dục Tiếng Việt lớp 1 sau một năm, "chữ nào chắc chắn chữ đó, không thể tái mù chữ".
Với hơn 40 năm tâm huyết để cải cách nền giáo dục nước nhà, đến hôm nay GS Đại một lần nữa khẳng định: “Việc cho ra mắt Công nghệ giáo dục và mở trường Thực Nghiệm là hành vi có trách nhiệm nhất với đất nước mà tôi làm được”.