Ngày con ra đời, anh Bình vui mừng vì niềm mong mỏi năm đã thành hiện thực.
Thế nhưng, hạnh phúc chưa tày gang thì bất hạnh đã ập đến, đứa con anh chị sinh ra có tới 2 bộ phận sinh dục của nam và nữ. Thương con, anh chị vay mượn tiền hàng xóm đưa con đi bệnh viện Nhi Đồng I (TP. HCM) khám thì được biết, đây là hiện tượng dị tật bẩm sinh. Nhưng chính điều này làm anh chị vô cùng khổ tâm, không thể xác định được giới tính cho con mình. Bởi, càng thêm tuổi, diện mạo bé bề ngoài là con trai nhưng bên trong lại có buồng trứng của nữ giới.
Bàng hoàng ngày con lọt lòng
Trong chuyến công tác về huyện An Phú (tỉnh An Giang), chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện bi kịch của đôi vợ chồng trẻ sinh đứa con có 2 “của quý”. Những lời đồn đại ác ý cứ dồn đập giáng xuống khiến họ có lúc định bỏ xứ ra đi. Đôi vợ chồng chúng tôi đang nói đến là anh Nguyễn Văn Bình (SN 1990) và chị Trần Thị Triều (SN1990), ngụ xã Đa Phước (H. An Phú, An Giang), cháu bé bị dị tật bẩm sinh là Trần Vũ Linh năm nay vừa tròn 6 tuổi. Được sự giúp đỡ của cán bộ xã, chúng tôi đã vào cuộc tìm hiểu số phận bất hạnh của đứa trẻ này.
Qua mấy khúc cua ngoằn ngoèo, ngôi nhà của đôi vợ chồng anh Bình chị Trị hiện ra với vẻ tạm bợ nằm bên kia con rạch Kênh Đào thuộc xã Đa Phước. Đây là gia đình thuộc diện nghèo của xã, nhiều năm nay bất đắc dĩ nổi tiếng cũng vì người con có tới 2 “của quý”. Chị Triều tiếp chúng tôi đầy tâm trạng: “Làm cha làm mẹ thấy con cái mang dị tật như thế khổ tâm lắm. Chúng tôi chỉ mong sao bằng cách nào đó xác định được giới tính cho cháu, để bé phát triển bình thường như bao trẻ khác thôi”. Theo như lời chị Triều kể, trước khi lấy anh Bình, chị đã từng qua “một lần đò”. Người chồng vũ phu, không chịu làm ăn gì chỉ tối ngày ôm chai rượu, chị chia tay và xác định ở vậy để nuôi con. Cuộc sống nghèo cứ thế trôi qua cho tới ngày gặp anh Bình, chị đã thay đổi suy nghĩ. Sau thời gian tìm hiểu thấy phù hợp, chị quyết đi bước nữa. Sau ngày cưới một tháng, chị Triều mang thai.
Rồi sau chín tháng mười ngày, chị Triều hạ sinh nhưng niềm hạnh phúc chưa tày gang thì mọi người ai nấy đều bị sốc. Bộ phận sinh dục của cháu bé bất thường, có cả bộ phận sinh dục nam và nữ. Khi hay tin, cả xóm cùng kéo tới xem cho bằng được “dị nhân” mới lọt lòng. Cũng từ đây, những lời đồn ác ý được thêu dệt. Người thì nói do vợ chồng anh chị ăn ở tổn phước nên sinh con quái thai, kẻ bảo do chị Triều lăng nhăng, vì “mới 25 tuổi đầu đã hai đời chồng” nên gặp quả báo. Trước búa rìu dư luận, chị Triều chỉ biết ôm con vào lòng khóc. Chị ngậm ngùi ôm nỗi xót xa của số phận và cam chịu với một suy nghĩ, dù con dị tật cũng mang nặng đẻ đau, chị dành hết tình thương yêu cho đứa con bất hạnh.
Chị Triều kể, hồi mang thai bé, khi đi khám các bác sỹ luôn khẳng định là thai thuận (bình thường). Thế nhưng, có một điều lạ là trước hôm sinh chị gặp một giấc mơ. Chị kể: “Trước ngày sinh bé, tôi có gặp một giấc mơ rất lạ. Trong mơ, tôi thấy một con gà mái nhưng có mào như gà trống và nó biết gáy. Khi tỉnh dậy, tôi định kể lại với chồng thì bỗng nhiên trở dạ nên tôi không thể nói được”. Theo chị Triều, quan niệm dân gian trong vùng thì gà mái biết gáy là điềm dữ, không ngờ nó đã ứng nghiệm với con chị thật.
Chị cho biết, ngày hạ sinh, khi nhìn thấy con thì chồng chị sốc đến mức ngất lịm, còn cả nhà ai cũng khóc lóc vì thương cho số phận cháu bé. Những ngày sau đó, thông tin cháu bé có hai “của quý” nhanh tróng lan đi khắp vùng. Nhiều người còn kéo tới tận bệnh viện nơi chị Triều đang nằm nói là tới thăm bé nhưng thực ra là để tận mắt xem hiện tượng quá đỗi khác thường. Khi biết lời đồn đúng là sự thật, họ nhìn nhau và nói luôn trước mặt vợ chồng chị Triều: “Nhà này vô phúc quá, chả biết làm gì nên tội mà giờ quả báo như vậy”. Có con, đáng lẽ đó là niềm vui nhất thì với vợ chồng chị Triều lại trở thành bi kịch.
Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Thu Hà (trung tâm tư vấn Linh Tâm): Đây là trường hợp khá phức tạp bởi tâm lý nhập nhằng giữa nam và nữ. Việc xác định giới tính thực cho bé cần phải tuân theo nguyên tắc là dựa vào cháu bé là chính như: Bề ngoài, sở thích, tính cách... Tuy nhiên trên thực tế, tính cách, tâm lý và giới tính của cháu sẽ dần định hình theo thời gian, còn hiện tại cháu còn quá nhỏ chưa phát trển hết nên chưa thể nói được điều gì. Do đó, điều đầu tiên là gia đình không nên áp đặt giới tính cháu là nam. Hậu quả của việc áp đặt giới tính sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của cháu. Điều quan trọng nữa là nếu gia đình đi phẫu thuật để xác định giới tính cho cháu cũng nên suy xét kỹ, tránh phẫu thuật bị sai. |
Nỗi lo tương lai mờ mịt của đứa con “lưỡng giới”
Vợ chồng chị Triệu quyết định đặt tên con là Nguyễn Vũ Linh, cháu bé nay đã 6 tuổi. Chị Triều bảo, đặt tên cho cháu cũng có dụng ý, tên này có thể gọi cho cả nam và nữ. Nếu ai muốn cháu là nữ thì hãy gọi tên Linh, còn muốn xem cháu là nam thì gọi Vũ. Anh Bình thành thật cho biết, gia đình ai cũng mong bé là con trai, nhất là khi nhìn khuôn mặt và cách đi đứng của bé khá nam tính. Hơn nữa, tất cả những vật dụng, đồ chơi của Vũ Linh đều giống như con trai. Nhưng ngặt nỗi, mọi sinh hoạt của cháu lại đều ở bộ phận sinh dục nữ, cách đi vệ sinh cũng là nữ. Vì mang khuôn mặt con trai lại đi vệ sinh như con gái nên Linh thường bị bạn bè cùng trang lứa triêu chọc. Vì vậy càng lớn, Vũ Linh càng xa lánh người lạ, suốt ngày chỉ ở nhà bên mẹ.
Điều xót xa là, mỗi lần bước chân ra khỏi nhà, bé luôn bị xem như người bất bình thường trong mắt thiên hạ. Chị Triều kể, có lần nhìn thấy Vũ Linh, một người châm biếm gọi: “Ê! Thằng pê- đê, cởi quần ra cho tao coi “của quý” mày cái coi…”. Nghe thế, vợ chồng chị lại thêm một lần quặn lòng. Theo chị Triều, vì quá dị nghị nên dù đã 6 tuổi, Vũ Linh vẫn chưa cắp sách tới trường như các bạn cùng trang lứa. Chị Triệu nghẹn ngào kể: “Cách đây 2 năm, gia đình có cho bé đi học nhưng bạn bè cùng lớp thường nhìn Vũ với ánh mắt rất lạ, tỏ rõ thái độ kỳ thị. Bởi khi nhìn bề ngoài Vũ là con trai (bé mặc trang phục nam) nhưng khi mắc vệ sinh thì Vũ phải vào nhà vệ sinh nữ. Thế rồi, sau 2 tháng, bé nhất quyết không chịu đi học nữa vì sợ các bạn chọc ghẹo. Giờ, gia đình cũng muốn bé đi học nhưng sợ bé không chịu được lại bỏ ngang. Giờ, nó ngày nào cũng chỉ thui thủi quanh nhà cùng tôi và ông ngoại mà thôi”.
Còn với Vũ Linh do còn quá nhỏ, em vẫn chưa thể nhận biết được mình là nam hay nữ. Bé rất thích mặc đồ của con trai, chơi những trò của con trai nhưng lại trở nên bẽn lẽn như con gái mỗi khi thấy có người lạ. Chính điều này khiến cho vợ chồng chị Triều rất bối rối, thực tâm chị muốn bé là con trai nhưng theo bác sỹ con chị chỉ có bề ngoài con trai còn toàn bộ cấu trúc cơ thể lại đậm tính con gái. “Nhiều lúc, gia đình khuyên để cho bé sinh hoạt như con gái nhưng Triều nhất quyết không nghe. Lúc nào cũng nghĩ bé là con trai, ngay cả tên thật là Linh, vợ chồng nó cũng chưa từng gọi bao giờ”, ông Trần Văn Trọn (SN 1964, ông ngoại bé Vũ Linh) cho biết. Nỗi mong nhất của gia đình chị Triệu, anh Bình là xác định được giới tính để con mình phát triển như người bình thường.
Về trường hợp cháu Vũ Linh, PV báo GĐ&XH Cuối tuần đã chuyển toàn bộ hình ảnh và thông tin liên quan đến các chuyên gia y tế để xác định, đồng thời giúp đỡ em hướng điều trị. Những thông tin này sẽ tiếp tục được chúng tôi chuyển tới quý độc giả trong số báo tới.
Cả ấp sẽ ủng hộ cho cháu Linh đi phẫu thuật Ông Phạm Văn Bé Sáu (Trưởng ấp Hà Bao I, xã Đa Phước) cho biết: “Gia đình anh Bình thuộc diện nghèo, vợ chồng thường đi làm ăn ở khắp nơi, chính quyền ấp nhiều lần đến thăm hỏi nhưng cũng không gặp. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ vận động đoàn thể trong ấp vận động ủng hộ gia đình để có kinh phí đi phẫu thuật cho cháu bé, để cháu sớm hòa nhập cộng đồng như người bình thường. |