Từ cương vị lãnh đạo cao nhất của C50, ông Hoá vướng vòng lao lý vì liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc qua mạng với quy mô lên tới hàng nghìn tỷ.
Bộ Công an chiều 11/3 phát đi thông tin chính thức về việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Thanh Hóa về tội “Tổ chức đánh bạc”. Ông Nguyễn Thanh Hoá sinh năm 1958 tại Bình Định; nơi cư trú tại quận Đống Đa, Hà Nội.
Điều đáng nói, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Hoá từng là lãnh đạo cao nhất của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50, Bộ Công an). Đây là đơn vị có trách nhiệm tham mưu việc chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trong cả nước, tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao; trực tiếp tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi vi phạm và tội phạm sử dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật.
Trước diễn biến phức tạp của tội phạm sử dụng công nghệ cao, ngày 4/2/2010, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an được thành lập.
Khi đó, ông Nguyễn Thanh Hoá đang từ một lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục C50.
Từ khi thành lập đến tháng 6/2015, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên cả nước nói chung và Cục C50 nói riêng dưới sự chỉ đạo của ông Nguyễn Thanh Hoá – Cục trưởng C50 khi đó đã phát hiện và xác minh hàng nghìn nguồn tin liên quan đến hoạt động của tội phạm sử dụng công nghệ cao và các loại tội phạm khác.
Ông Nguyễn Thanh Hoá khi còn giữ cương vị Cục trưởng Cục C50, Bộ Công an
Trong đó, đã trực tiếp tiến hành kiểm tra, xác minh 1.193 vụ việc, xác lập và đấu tranh 75 chuyên án, triệt phá nhiều đường dây tội phạm lớn với số tiền phạm tội lên đến hàng nghìn tỷ đồng; chuyển Cơ quan điều tra các cấp tổng số 365 vụ (trong đó, khởi tố 266 vụ án hình sự với 978 bị can); chuyển cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý hành chính 265 vụ; thu giữ hàng nghìn máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại di động, linh kiện điện tử, các loại hàng hóa và máy móc thiết bị chuyên dụng trị giá hàng chục tỷ đồng.
Lực lượng C50 cũng đã triệt phá thành công nhiều đường dây cờ bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng.
Đặc biệt, vào tháng 7/2012, Cục trưởng C50 khi đó là Đại tá Nguyễn Thanh Hóa thông tin trên báo chí, trong thời gian diễn ra Euro 2012, Tổng cục cảnh sát phòng chống tội phạm đã ngăn chặn được hơn 300 website cùng 315 địa chỉ IP máy chủ của các website đánh bạc, cá độ bóng đá. Trong đó, khoảng 80% lượng website mới phát sinh bị chặn ngay lập tức.
Theo thống kê, công an các địa phương đã khám phá 154 vụ, bắt gần 1.000 người, thu giữ nhiều tỷ đồng, hàng chục ô tô, xe máy, súng ống và các loại vũ khí khác. Một số địa phương quyết liệt tấn công, trấn áp và phá nhiều ổ cá độ bóng đá như Hà Nội (17 vụ), TP HCM (49 vụ), Quảng Trị (20 vụ), Đà Nẵng (15 vụ)...
Tiếp đó, đến năm 2016, chỉ trong vòng một tuần đầu tiên khi Giải bóng đá vô địch châu Âu Euro 2016 diễn ra, C50 đã triệt phá thành công 4 chuyên án, bóc gỡ nhiều đường dây đánh bạc quy mô lớn qua mạng ở nhiều địa phương trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Điện Biên…
Lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao từ chỗ là một lĩnh vực mới mẻ với quân số ít đã ngày càng phát triển và lớn mạnh, triệt phá được rất nhiều chuyên án lớn, nhiều băng nhóm tội phạm lớn, có tiếng vang trong xã hội.
Trong những thời điểm ấy, người đứng đầu C50 là ông Nguyễn Thanh Hoá đã trực tiếp chỉ huy nhiều vụ từ khâu xác minh, trinh sát đến lúc phá án trong nhiều tháng ròng rã. Nhưng chuyên án ghi dấu ấn của ông Hoá và C50 phải kể đến chuyên án 312T, đấu tranh với mạng lưới sử dụng mạng Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần đào tạo trực tuyến (Công ty MB24); chuyên án 812C, đấu tranh triệt phá ổ nhóm sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty Cộng Đồng Việt; chuyên án 812E, đấu tranh với nhóm đối tượng sử dụng mạng Internet để chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp tại Công ty Tâm Mặt Trời; chuyên án 512T, đấu tranh với ổ nhóm đối tượng chuyên tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia qua mạng Internet gồm các đối tượng người Việt Nam và Trung Quốc thuê đường truyền Internet tốc độ cao, thiết lập mạng VPN, lập các trạm thu phát tín hiệu Wifi trái phép tại khu vực biên giới ở Quảng Ninh, Tây Ninh để kết nối với các sòng bạc ở Campuchia tổ chức đánh bạc trực tuyến; chuyên án 129T, đấu tranh với nhóm đối tượng trộm cắp thông tin thẻ tín dụng người nước ngoài, mua hàng hóa từ Hoa Kỳ chuyển về Việt Nam tiêu thụ…
Nhưng đáng tiếc, dù là người đứng đầu đơn vị cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, nhưng ông Nguyễn Thanh Hoá lại “dính chàm” khi liên quan đến đường dây đánh bạc có quy mô cực lớn – nằm trong chính lĩnh vực mà ông quản lý.
Liên quan đến đường dây đánh bạc này, được biết cuối 2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án hình sự “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh thành”. Quá trình điều tra đã phát hiện đường dây đánh bạc thông qua mạng internet có quy mô cực lớn, có sự tham gia của hàng ngàn người trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, đường dây này lại có sự tham gia của cả cán bộ công an cao cấp, trong đó có ông Nguyễn Thanh Hoá. Chính vì vậy, từ cuối năm 2017, ông Hoá đã bị đình chỉ chức vụ, công tác để kiểm điểm các sai phạm có liên quan.
Cũng trong ngày 11/3/2018, Chủ tịch nước đã ký Quyết định tước danh hiệu Công an nhân dân đối với Nguyễn Thanh Hóa trước khi cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ra quyết định Khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với cựu cán bộ công an này.
Điều 249.Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc 1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tính chất chuyên nghiệp; b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn; c) Tái phạm nguy hiểm. 3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |