“Tất cả 936 bao lì xì này, có những người mình sẽ không bao giờ còn được nhận mừng tuổi từ họ nữa và may mắn khi chúng vẫn còn ở đây, lưu giữ một phần ký ức về họ, về những may mắn mà họ đã gửi gắm cho mình”, chàng trai trẻ chia sẻ.
Lì xì là phong tục ngày Tết mang đậm nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc, được người Việt lưu giữ và phát huy từ xa xưa đến nay. Phong bao lì xì không chỉ có tiền mà còn chứa đựng lời chúc sức khỏe, bình an, may mắn và hạnh phúc... trong dịp đầu năm mới.
Thường, người lớn mừng tuổi cho trẻ nhỏ thể hiện sự quan tâm, yêu thương và mong ước con cháu chăm ngoan, học giỏi, không đau ốm... Và đương nhiên, trẻ nhỏ sẽ vô cùng thích thú khi nhận những phong bao đỏ rồi ra Tết đưa cho bố mẹ “giữ hộ”. Song đâu đó vẫn có những đứa trẻ tự giữ tiền mừng tuổi của mình từ nhỏ đến khi lớn, điển hình như chàng trai Sài gòn này!
Mới đây, anh Hoàng Thái (SN 1991) – biên tập viên truyền hình đã đăng tải chuyện giữ phong bao lì xì suốt 19 năm gây xôn xao. Anh cho biết trong chừng ấy thời gian, tiền lì xì không còn dùng để mua đồ chơi, đánh bài hay tiêu vặt... “Tất cả 936 bao lì xì này, có những người mình sẽ không bao giờ còn được nhận mừng tuổi từ họ nữa và may mắn khi chúng vẫn còn ở đây, lưu giữ một phần ký ức về họ, về những may mắn mà họ đã gửi gắm cho mình”, chàng trai trẻ chia sẻ.
Anh Hoàng Thái hiện đang là biên tập viên truyền hình.
"Bao lì xì ông nội mừng tuổi hồi lớp 6".
"Tiền lì xì của bà ngoại, sau giải phóng đổi tiền không hết, còn dư vài tờ nên ngoại lì xì".
Sau đó anh từ từ giới thiệu từng loại bao lì xì đã được nhận trong dịp Tết Nguyên đán. Anh bảo có loại người ta gửi vào đó tiền, có loại gửi vào lời chúc, có loại gửi sự yêu thương, có bao chứa... khẩu trang với mong cầu sức khỏe, bao thì may mắn được giải đặc biệt của công ty.
Chàng trai Sài thành cho biết thêm, dù anh nói gần 1000 bao lì xì anh chia sẻ trên mạng xã hội được lưu giữ suốt 19 năm. Song thực tế có những bao được anh cất giữ từ năm 6 tuổi, cách đây 25-26 năm. “Hồi nhỏ, mình được người thân lì xì thì lấy ra để mua đồ chơi này kia, chỉ giữ lại mấy bao có giá trị nhỏ làm kỷ niệm. Đến năm 11 tuổi, mình không bỏ tiền lì xì mua đồ chơi nữa mà dùng mua tập, sách hoặc gửi quà cho các chú bộ đội ngoài đảo hoặc tặng vở cho trẻ vùng sâu vùng xa”, anh Hoàng Thái kể.
"Bao lì xì mắc cười nhất - khẩu trang của chủ tịch lì xì họp giao ban 2020, giữ để nhớ về 1 thời COVID-19 hoành hành".
"Giải đặc biệt tất niên công ty tháng 1/2020".
"Đầu năm 2020 họp giao ban rút bài thắng chủ tịch".
Đối với những bao có giá trị lớn, như thường lệ anh sẽ dùng để gửi lại cho những điều tốt đẹp hơn, những ai cần đến may mắn nhiều hơn anh. Đó là những người mà trong Tết không được sum họp đoàn viên bên cạnh người thân. “Nói chung tất cả bao đỏ này, mỗi bao đều chứa đựng sự ấm áp những khi mình ngồi lục ra, đọc lại và ngẫm xem những người này ai còn hiện hữu bên cạnh mình không? Trong năm qua, có rất nhiều người mà chắc chắn trong dịp Tết sắp tới, mình không được nhận bao đỏ từ họ nữa. Xin cảm ơn và trân trọng những ai còn bên cạnh chúng ta. Lì xì chỉ là hình thức, còn sự gửi gắm may mắn và lời cầu chúc họ dành cho ta mới là điều vô giá”, chàng trai 31 tuổi nói.
"Vì được anh chị yêu thương quá nhiều nên vẫn lưu giữ được bộ sưu tập bao lì xì từ công ty qua các năm".
Nhắc đến chuyện bài viết của anh nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng, anh Hoàng Thái cười: “Mình khá bất ngờ! Trước đó mình có thấy vài bài viết người ta nói về việc bây giờ lì xì phải nhiều, ít thì kỳ lắm, vì thế mình quyết định chia sẻ câu chuyện và suy nghĩ của mình về ý nghĩa của mừng tuổi. Thoạt đầu mình nghĩ nó chỉ thu hút vài người lớn tuổi thôi, ngờ đâu có những bạn đã và đang trong độc tuổi được lì xì thích và bình luận”.
"Cái này 25 năm rồi đó trời ơi! Không nhớ của ai tại lúc đó bố mang về đưa".
"Bà ngoại lì xì lúc còn khoẻ".
"Tờ đô đầu tiên được mừng tuổi từ ông nội. Cũng là tờ cuối cùng...".
Theo anh Hoàng Thái, từ nhỏ anh đã có sở thích lưu giữ đồ cũ, vật kỷ niệm. Bởi vậy không chỉ giữ bao lì xì, anh còn cất cả bài kiểm tra từ năm lớp 1 hay nhật ký đi lính. “Bài kiểm tra, sổ sách này kia mình đều cất giữ cả. Lâu lâu, mình lại bỏ ra đọc lại rồi tự cười. Có mấy thầy cô giờ mất rồi nhưng lời phê của họ vẫn còn. Mình đọc mà rơi nước mắt.
Mọi người cho rằng đồ cũ kỹ nhưng nó biết nói hết, càng lâu thì những món đồ ấy càng có cảm xúc. Nó sẽ giúp con người biết hoài niệm về quá khứ, lắng lại một chút giữa cuộc sống xô bồ này”, anh Hoàng Thái tâm sự.
Bài kiểm tra từ hồi cấp I của anh Hoàng Thái.
Ngay sau khi được đăng tải, câu chuyện giữ tiền lì xì của anh Hoàng Thái đã thu hút sự chú ý từ cộng đồng mạng. Hầu hết đều cảm ơn anh đã giúp họ nhận ra giá trị đích thức của việc lì xì trong ngày Tết, đồng thời kể những câu chuyện của riêng mình liên quan đến mừng tuổi.
Bạn Tây Nam bày tỏ: “Lần đầu tiên mình đọc một chia sẻ về lì xì đúng với ý nghĩa ban sơ của nó: Tấm lòng, lời chúc lấy hên hay một chút lộc đầu năm.... Giá mà các bạn nhỏ được cha mẹ dạy những điều hay ý đẹp này, đừng để lì xì nặng nề bởi mệnh giá đồng tiền bên trong mà quên đi những điều tốt đẹp được gửi gắm, quên cái tình người trao tặng và nhọc nhằn lao động mà họ sẵn sàng tặng đồng tiền ấy cho mình. Đừng sống quá nhanh, quá hời hợt để chút phật ý khi tiền quá bé...làm tổn thương người thương mình”.
Cư dân mạng cảm ơn anh đã giúp họ nhận ra giá trị đích thức của việc lì xì trong ngày Tết, đồng thời kể những câu chuyện của riêng mình liên quan đến mừng tuổi. (Ảnh chụp màn hình)
“Bài viết dễ thương, đúng là có những bao lì xì từ những người mà giờ mình chả còn dịp nhận. Trước mình cũng hay lưu giữ rồi có 1 lần bị trộm vào nhà xé hết bao lì xì lấy sạch dù chỉ là những đồng nhỏ xíu làm mình buồn ơi là buồn”, nickname Thủy Tiên bình luận.
Thành viên Song Ngư xúc động: “Cùng ý tưởng. Mình cũng muốn giữ lại tiền lì xì như này, nhưng không giữ được nhiều như bạn. Có những biến cố đến, mà mình thảm đến mức lấy tiền mừng tuổi ra dùng. Thật sự rất tiếc nuối”.