Thương em gái không gia đình lại mang trong mình căn bệnh ung thư vú, chị Phạm Thị Thỏa (48 tuổi, trú thôn An Hòa, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) dù thuộc hộ cận nghèo nhưng quyết định cắm sổ đỏ ngân hàng ngôi nhà đang ở để có tiền đưa em đi chữa trị.
Ngày 11/12, trước cổng bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, một người phụ nữ đầu trọc không tóc ngồi khóc rưng rưng khiến bao người đi đường chú ý. Hỏi thăm được biết đó là chị Phạm Thị Chín (47 tuổi, em gái chị Thỏa) có tâm sự trong lòng nên ngồi khóc một mình vì thương chị gái nơi quê nhà.
Chị Chín kể, sinh ra trong gia đình có đông anh em, cha mẹ đều làm nghề nông, cuộc sống khó khăn nên từ nhỏ không được đi học. Thường ngày ở gia đình, chị phụ làm nương rẫy cà phê cho người dân xung quanh giúp cha mẹ. Năm 28 tuổi, chị lấy chồng nhưng cuộc sống hôn nhân không được viên mãn vì hay xích mích, bạo hành. Sau đó, chị ly hôn nhưng không được quyền chăm sóc con vì nghề nghiệp không có.
Chị Phạm Thị Chín kể về gia đình
“Nghĩ mình phải cố gắng làm việc kiếm tiền dành dụm để sau này về thăm con, tôi rời quê nhà ra huyện Thanh Chương, Nghệ An xin ở nhờ nhà người em trai đi làm thuê. Tôi cặm cụi làm đủ nghề cực khổ kiếm tiền, mỗi tháng lại ra gửi về cho con, còn giữ lại cho mình một ít để phòng thân. Nào ngờ, sau lần rời quê nhà ra đi, ngày tôi định về cũng chính là ngày phát hiện mình mắc bệnh ung thư vú…Mọi dự định như sụp đổ trước mắt”, chị Chín nói trong tiếng nói nấc nghẹn từng lời.
Khi đó khoảng tháng 7/2013, chị Chín đang đi làm thì thấy bên ngực phải đau nhức, ngứa, người nóng ran. Chị Chín đi khám ở bệnh viện tỉnh Nghệ An, sau xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chị bị ung thư vú.
Số tiền tiết kiệm bấy lâu nay dự định sẽ về thăm con nào ngờ phải dùng cho việc chữa trị bệnh. “Tôi làm lụng không dám ăn, mặc cũng không mua sắm gì, chỉ vài bộ đồ lao động khi đi làm. Tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng, một mình tôi bắt xe từ quê nhà ra bệnh viện K Hà Nội để chữa trị”, chị Chín nói.
Những ngày tháng ở bệnh viện K, chị Chín ăn ngủ ở hành lang để tiết kiệm tiền chữa trị ung thư. Số tiền dành dụm chưa được mấy tháng rồi cũng hết. Chị Chín đành khăn khói về lại quê hương ở tỉnh Lâm Đồng.
Anh em gia đình hay tin chị Chín bị ung thư cũng hỏi thăm chứ không giúp được gì. Trong lúc khó khăn này, người chị gái Phạm Thị Thỏa dù thuộc hộ cận nghèo, nuôi 4 người con đã đưa chị Chín về sống chung.
Chị Chín khóc khi nói chuyện chị Thỏa cầm sổ đỏ nhà cho chữa trị ung thư vú
Trao đổi với PV, chị Thỏa cho biết: “Chồng tôi cũng bị ung thư, đi chữa trị khắp nơi 15 năm rồi mất. Nên lúc này đây, em Chín bị ung thư tôi nào bỏ mặc làm ngơ, là chị em máu mủ ruột rà thì trong lúc khó khăn được lo cho em ngày nào là tôi mừng ngày ấy…”.
Chị Thỏa nhập khẩu cho chị Chín vào nhà mình để xin được thẻ bảo hiểm y tế cho chị Chín đi chữa trị bớt tốn kém. Hằng ngày, chị Thỏa đi làm thuê đủ nghề như dọn cỏ, hái hồ tiêu, cà phê…Có được bao nhiêu tiền, mỗi lần đến thời gian hẹn tại bệnh viện Ung bướu, chị Thỏa lại thu xếp đem theo hết tiền bạc, thậm chí vay mượn hàng xóm để đưa chị Chín xuống TP. Hồ Chí Minh chữa trị.
Vào tháng 1/2015, chị Thỏa đã làm một việc mà nhiều người bảo “chị dốt lắm!” khi chị đã cầm sổ đỏ ngôi nhà đang ở với các con để có được 100 triệu đồng đưa chị Chín đi phẫu thuật, tiếp tục chữa trị ung thư vú.
“Ai cũng bảo tôi dốt lắm! Con cái trong nhà lúc đầu cũng nói lớn nhỏ, nhưng khi hiểu việc làm của mẹ thương dì tụi nó thì càng động viên. Sống ở cái tình yêu thương chứ bao lâu rồi cũng về cát bụi thôi mà!”, chị Thỏa tâm sự nỗi lòng.
Nhờ có số tiền chị Thỏa cầm sổ đỏ, chị Chín đã được phẫu thuật cắt bên vú phải, mua thuốc uống. Thế nhưng mới đây khi đi khám lại, chị Chín bàng hoàng khi phát hiện ung thư vú đã di căn sang phổi, xương.
Hiện tại, để có tiền cho chị Chín tiếp tục hóa trị, chị Thỏa cứ một tuần về quê một lần làm kiếm tiền đem xuống chị Chín. Hai chị em ở vật vã khắp hành lang bệnh viện Ung bướu.
Nghĩ về người chị gái của mình, chị Chín nước mắt cứ khóc ròng. Chị Chín nói: “Suốt đời này tôi mang ơn chị Thỏa lắm! Nhờ có chị mà tôi được sống cho đến ngày hôm nay…”
Chị Thỏa cầu mong, có thể nhận được sự giúp đỡ để có thể lo cho em gái tiếp tục được chữa trị ngày tháng tới. Bởi với chị, còn sống được ngày nào với em, chị muốn em cười vui vẻ mãn nguyện.
Bạn đọc quan tâm giúp đỡ, xin liên hệ địa chỉ: Chị Phạm Thị Thỏa, trú thôn An Hòa, xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Số điện thoại chị Thỏa: 0166 307 4455.