“Nhận được tiền tôi mừng lắm. Trong vài ngày tới, tôi sẽ đi mua gạo và trích một phần tiền tặng trẻ em nghèo, các cụ già ở chùa. Coi như chia sẻ sự may mắn của mình với mọi người. Sau đó, tôi sẽ về quê sửa lại căn nhà cho bố mẹ hai bên, vì cả hai gia đình đều nghèo".
Đang đi mua ve chai, chị Hồng nhận được điện thoại của công an quận Tân Bình, mời đến trụ sở để trao tiền
Chị ve chai mừng run khi nhận lại tiền
Chiều 2.6, Công an quận Tân Bình, TP.HCM đã mời chị ve chai Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi), cùng luật sư hỗ trợ pháp lý Hà Hải – Đoàn luật sư TP, đến trụ sở công an để nhận bàn giao quyết định trả lại 5 triệu Yên.
“Trưa nay, tôi đang đẩy xe đi mua ve chai ở con hẻm gần nhà thì nhận được điện thoại của công an gọi đến, thông báo lên công an quận nhận lại tiền. Lúc đó, tôi mừng quá, chỉ kịp nói với mấy chị mua ve chai đẩy giùm xe về nhà trọ. Còn mình bắt xe ôm chạy thẳng lên trụ sở công an”, chị Hồng nói.
Sau gần 30 phút làm việc tại Công an quận Tân Bình, chị Hồng cùng luật sư Hải và đại diện Công an quận đến Chi nhánh ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) trên đại lộ Võ Văn Kiệt (quận 1) để làm thủ tục nhận lại số tiền 5 triệu Yên.
Tại đây, chị ve chai cùng luật sư, đại diện công an được mời vào phòng kín để trao trả lại số tiền. Sau khi các thủ tục hoàn tất toàn bộ số tiền 5 triệu Yên được bỏ trong bọc giấy và bàn giao cho chị Hồng.
Vừa bước ra khỏi phòng kín, chị Hồng ôm bọc tiền khư khư trước ngực, nét mặt trắng bệch. Chị ve chai cười nhưng nói giọng lắp bắp. “Tôi mừng quá nhưng run lắm. Dù không lãi, mất đi một khoản tiền nhưng tôi không buồn. Cảm ơn ngân hàng đã giữ trọn vẹn tiền của tôi. Cảm ơn nhà báo, luật sư không ngừng ủng hộ tôi. Tạm thời tôi sẽ gửi vào ngân hàng, khi cần sẽ rút một ít dùng việc riêng. Vài ngày nữa tôi sẽ đi làm từ thiện”, chị Hồng nói.
Chị ve chai sau hơn 1 năm chờ đợi đã đến ngân hàng Vietcombank để chờ nhận lại số tiền nhặt được trong chiếc loa thùng cũ
Luật sư Hà Hải cho biết: “Số tiền 5 triệu Yên của chị Hồng sẽ mang đi gửi tại một ngân hàng trên đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) và sẽ quy đổi sang tiền Việt Nam. Trong số 524 tờ tiền, có 100 tờ mục nát nên bị khấu trừ 10%. So với thời điểm chị Hồng nhặt được tiền, đến nay tỉ giá mất đi khoảng 150 triệu đồng và không phát sinh lãi”.
“Giờ số tiền 5 triệu Yên đã thuộc về tôi. Như vậy, sau hơn 1 năm chờ đợi với bao hy vọng, hồi hộp, thất vọng... rồi lại hy vọng, giờ số tiền đó đã tôi đã nhận được. Cảm giác vui sướng khó tả lắm”, ôm chặt bọc tiền trước ngực chị ve chai nói.
Sau hơn 1 năm chờ đợi với bao hy vọng, hồi hộp, thất vọng... rồi lại hy vọng, cuối cùng, chị ve trai đã nhận lại được số tiền 5 triệu Yên
Dùng cá mẹ gửi ngoài quê để ăn mừng
“Tôi sẽ không buôn bán gì đâu. Mình ít học lại không có kinh nghiệm. Trong vài ngày tới, tôi sẽ dành một phần tặng cho trẻ em nghèo, cụ già ở chùa. Mua vài tạ gạo tặng Hội người mù. Rồi dành một ít giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn như mình. Sau đó tôi sẽ về quê sửa lại căn nhà cho bố mẹ 2 bên, vì cả hai gia đình đều nghèo. Còn lại, tôi sẽ gửi tiết kiệm để nuôi các con ăn học”, chị ve chai nói.
Chị Hồng chia sẻ, số tiền trời cho phải sử dụng cho xứng đáng, chị vẫn tiếp tục theo đuổi nghề ve chai vì nó là “cần câu cơm” của gia đình hơn chục năm qua. “Giờ có tiền mình càng không được ỷ lại. Đêm nay, chắc vợ chồng tôi không ngủ được vì mừng. Tôi vừa gọi điện báo về bố mẹ ở ngoài quê. Cả nhà vui mừng. Số tiền này tôi có mơ cũng không có được. Ba đời buôn bán ve chai của tôi cũng chưa chắc có được số tiền lớn như vậy”, chị Hồng tâm sự.
“Chị sẽ dùng mấy kg cá Cờ mẹ gửi cách đây 2 hôm nấu mời cả nhà trọ ăn tối nay. Coi như đó là tiệc ăn mừng nho nhỏ”, chị ve chai cho biết.
Chị Hồng ôm chặt bọc tiền trước ngực. Chị cho biết, trong vài ngày tới sẽ mua gạo và trích một phần tiền nhận được để làm từ thiện.
Trước đó, vào tháng 3.2014, chị Hồng cùng chồng lấy chiếc loa thùng cũ mua được mang ra trước nhà trọ trên đường Trần Văn Quang (quận Tân Bình), đập lấy phế liệu thì phát hiện bên trong có 5 triệu Yên nên mang giao nộp cho công an xử lý. Sau đó, Công an quận Tân Bình ra thông báo tìm chủ sở hữu. Theo quy định, sau 1 năm mà không tìm được chủ sở hữu hợp pháp thì số tiền được trao cho người tìm thấy. Nhiều người đến nhận đó là tiền của mình nhưng không chứng minh được. Gần đến thời hạn chị Hồng nhận lại tiền thì có bà Phạm Thị Ngọt (ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) xuất hiện nhận đó số tiền của chồng bà ông Caleb (quốc tịch Nam Phi). Tuy nhiên qua xác minh, công an xác định trong thời gian lưu trú tại Việt Nam, người này dùng toàn bộ giấy tờ giả nên đã bác đơn sau đó làm các thủ tục để bàn giao cho chị Hồng.