Chính thức công bố 3 phương án kỳ thi quốc gia 2015

Ngày 29/07/2014 17:00 PM (GMT+7)

Bộ GD-ĐT chính thức công bố 3 phương án cho kỳ thi quốc gia 2015.

Sáng 29/7, tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố 3 phương án cho kỳ thi quốc gia 2015. Các phương án này được đưa ra để lấy ý kiến lãnh đạo ngành giáo dục 63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Kỳ thi này sẽ nhằm hai mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ quan trọng cho việc xét tuyển vào các trường đại học – cao đẳng và các trường nghề. Với kỳ thi quốc gia này, việc xét tốt nghiệp sẽ dựa trên kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

3 phương án kỳ thi quốc gia 2015

Phương án 1: Tổ chức thi theo môn, theo cách truyền thống. Thí sinh sẽ thi 8 môn gồm: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý; thi 8 buổi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn.

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu), gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ và 1 môn thí sinh tự chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

Kết quả của 4 môn thi được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn này cũng sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thêm môn thi của kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường quy định.

Theo lộ trình đổi mới, các môn thi sẽ được chuyển dần thành bài thi với mức độ tích hợp từ ít đến nhiều, từ thấp đến cao, phù hợp với việc thay đổi việc dạy và học ở nhà trường.

Phương án 2: Kỳ thi THPT quốc gia sẽ tổ chức theo bài thi. Cụ thể, 8 môn học ở lớp 12 THPT (Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật Lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) sẽ được chọn tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán; Ngữ văn; Ngoại ngữ; Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa, Sinh học); bài thi Khoa học xã hội (gồm Lịch sử và Địa lý).

Kỳ thi sẽ diễn ra trong 5 buổi- 2,5 ngày; mỗi buổi 1 bài thi. Mỗi thí sinh phải làm 4 bài thi, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

Phương án 3: Tổng hợp 11 môn học ở lớp 12 thành 4 bài thi: Toán-Tin; Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ); Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân). Thí sinh phải thi cả 4 bài thi trong 4 buổi với tổng thời gian 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Với 2 ngày thi, kỳ thi được tổ chức gọn nhẹ hơn, giảm chi phí cho tổ chức thi. Mức độ tổng hợp, tích hợp các môn thi thành bài thi mạnh và nhanh hơn phương án 1, đồng thời hạn chế được việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây.

Chính thức công bố 3 phương án kỳ thi quốc gia 2015 - 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị tổng kết năm học 2013-2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014-2015

“Quan trọng nhất là phải làm nghiêm túc, trung thực”

Tại hội nghị sáng 29/7, có nhiều ý kiến khác nhau từ các lãnh đạo UBND các tỉnh, sở, trường đại học...

Đại diện Sở GD-ĐT Thái Nguyên cho rằng nên thực hiện phương án 1 vì cách thức tổ chức thi theo phương án này phù hợp với điều kiện, yêu cầu dạy học ở bậc phổ thông hiện có.

Ông Trần Thanh Đức - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho rằng, trước mắt nên thực hiện phương án 1 trong một năm, sau đó, khoảng năm 2016 thì thực hiện phương án 2 và sau năm 2020 thì thực hiện phương án 3.

Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT Kiên Giang, việc Bộ chỉ đưa ra phương án sáng nay, nên sở này chưa thể đưa ra ngay lựa chọn phương án nào, do vậy, cần thời gian suy nghĩ thêm.

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT thận trọng, lắng nghe ý kiến rộng rãi. Có thể sẽ không chỉ có 3 phương án đã đề xuất mà còn có thể có những phương án khác, hợp lý hơn.

Theo Phó thủ tướng, điều quan trọng đầu tiên của thi một kỳ thi không phải là thi môn nào mà là phải làm nghiêm túc, trách nhiệm và trung thực. Nếu đồng ý thi, phải làm nghiêm túc, không phải chỉ một năm mà lâu dài.

Trước đây, có năm làm nghiêm thi tốt nghiệp THPT, có nơi chỉ có 60% đỗ tốt nghiệp, nhưng một, hai năm sau lại lên ngay 90%.

Phó Thủ tướng lưu ý, chọn phương án nào phải gắn với đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Ông nói: “Kỳ thi không thể tách rời đổi mới toàn diện cả về hệ thống, chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy một cách lâu dài”.

Phó Thủ tướng phân tích, phương án 1 và phương án 2 không bắt các cháu thi tất cả các môn nên cả hai phương án trên là một. Còn phương án 3 là “học gì thi nấy”. Phó Thủ tướng cho rằng, về nguyên lý, bậc phổ thông nên cố gắng “học gì thi nấy”.

Tại hội nghị cũng có ý kiến tổ chức một kỳ thi sẽ có khó khăn cho ngành giáo dục, nhưng Phó Thủ tướng cho rằng “có lợi cho xã hội thì vẫn nên làm”. Vì cần phải đặt lợi ích của xã hội, trước mắt của các cháu học sinh lên đầu.

Theo Dương Tùng (Khampha.vn)