"Rất nhiều nhân chứng đã làm đơn xác nhận tôi không có mặt tại nơi xảy ra đánh nhau nhưng không được Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát huyện Thái Thụy xem xét”.
Đây chính là những lời giãi bày đầy bức xúc của anh Phạm Minh Hương, một trong 3 người “bỗng dưng” bị truy tố trong vụ án thuê côn đồ truy sát cả nhà bố nuôi tại Thái Thụy – Thái Bình.
“Bỗng dưng bị vạ”
Trong suốt thời gian ngồi tiếp chuyện với PV, anh Phạm Minh Hương (SN 1972), trú tại thôn Xuân Bàng, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, Thái Bình luôn lo lắng, kèm theo sự bức xúc. Anh Hương cho hay: “Ai đời, chỉ vì can ngăn, xua đuổi bọn côn đồ hung hãn, xử dụng vũ khí nguy hiểm truy sát anh trai và cháu ruột mà tôi lại bị khép vào tội Cố ý gây thương tích. Thật là quá bất công với tôi và người thân của tôi”.
Theo lời kể của anh Hương, khoảng 21h ngày 17/7/2013, khi anh Hương đang ngồi uống nước cùng một số người bạn của mình tại thôn Thụy Xuân là anh Nguyễn Đình Tuân, Phạm Huy Đăng, Nguyễn Thế Thường, Mai Ngọc Thụ, Mai Hải Đăng, Lê Tất Tiến.
Đang trong lúc chuyện trò, anh Hương được anh Dùng, người ở xã Thụy An thông báo: “Anh ra ngay ngã năm Xuân Bàng đi, anh Duyên (Phạm Minh Chuyên) đang bị mấy thằng chém”.
Hiện trường vụ truy sát.
Nghe thấy vậy, anh Hương vội chạy ra ngã năm Xuân Bảng. Đến nơi, anh Hương nhìn thấy anh trai mình trần truồng, máu chảy ròng ròng ở mông. Còn Phạm Xuân Cường, cháu ruột anh Hương cũng đầm đìa máu ở mông. Lúc này, anh Hương nhìn thấy Cò Lý và Tuấn Sợi đang cầm kiếm và phớ định xông vào chém hai người thân của mình.
“Vì quá bức xúc về chuyện này, tôi đã hô “anh em ơi xông lên” nhằm xua đuổi Cò Lý và Tuấn Sợi không chém anh và cháu tôi. Khi nghe tôi hô thì bọn chúng bỏ chạy” – anh Hương cho biết.
Cũng theo lời anh Hương, thời điểm Huy cùng đồng bọn chém và bắn Cường, anh Hương không có mặt tại đó. Rất nhiều nhân chứng đã làm đơn xác nhận lúc đó tôi đang ngồi uống nước trước cửa kho nhà mình cùng rất nhiều người và không có mặt tại nơi xảy ra đánh nhau. Nhưng tất cả lại không được Cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát huyện Thái Thụy xem xét.
Tại giai đoạn điều tra, tất cả các bản kết luận điều tra, điều tra bổ sung và Cáo trạng ban đầu không hề thể hiện hành vi của tôi là cố ý gây thương tích mà chỉ quy kết tôi gây rối trật tự công cộng nhưng tôi không đồng ý với Kết luận điều tra và Cáo trạng đã truy tố.
Tuy nhiên, tại Bản kết luận điều tra và bản Cáo trạng bổ sung mới đây lại truy tố tôi về tội Cố ý gây thương tích. Đây là sự thay đổi khó hiểu của Cơ quan điều tra Công an huyện Thái Thụy và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thái Thụy trong việc quy kết buộc tội thiếu căn cứ.
Theo diễn biến khách quan của vụ án thì hành vi của Huy và Cò Lý là sử dụng vũ khí nguy hiểm, cố ý thực hiện tội phạm đến cùng nhằm tước đoạt tính mạng của người khác. Đây phải được coi là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của bố con anh trai tôi.
Cũng giống như người chú của mình, anh Phạm Minh Cường cũng rất bức xúc bởi mình chính là người bị hại nhưng lại bị các cơ quan tố tụng huyện Thái Thụy khép vào tội Cố ý gây thương tích chỉ vì dám chống trả lại hành vi truy sát quyết liệt bằng súng và kiếm của những tên côn đồ, máu lạnh.
Anh Cường cho biết: “Bố tôi là người bị hại, có công với cách mạng nhưng phải chịu cảnh giam cầm hơn 2 năm và hiện vẫn bị tạm giam trong lúc sức khỏe giảm sút do bị băng nhóm côn đồ Lê Bá Huy và Lâm Tuấn Anh (Cò Lý) chém thương tích 10%.
Gia đình chúng tôi đã có đơn xin thay đổi biện pháp ngăn chặn cho tại ngoại nhưng không được xem xét. Chú ruột tôi là Phạm Minh Hương chỉ ra can ngăn, không cho bọn chúng sát hại bố con tôi cũng bị khép tội. Trong khi những tên côn đồ, máu lạnh dùng súng bắn và kiếm, chém bố con tôi lại được tự do tại ngoại, nhởn nhơ thách thức pháp luật”.
“Tiền mất, tật mang”
Nói về nguyên nhân dẫn đến sự việc, anh Cường cho biết: Trước đây, Lê Bá Huy là người cùng thôn đã nhận bố tôi là ông Phạm Minh Duyên làm bố nuôi vì bố tôi là người làm ăn chất phác, thương người. Khi Huy gặp khó khăn, bố tôi đã đứng ra vay tiền hộ Huy 205 triệu đồng để Huy đầu tư cổ phần vào công ty Việt Anh và làm Phó Giám đốc.
Năm 2013, khi Huy bắt đầu làm ăn phát triển, kinh tế khá giả, bố mẹ tôi đã bảo Huy trả lại số tiền mà bố tôi đứng ra vay hộ cho Huy thì bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Huy đổi trắng thay đen, thẳng thừng tuyên bố không trả tiền cho bố tôi vì Huy cũng chỉ vay hộ cho công ty Việt Anh, hiện công ty Việt Anh đã phá sản.
Khoảng 20h30 ngày 17/7/2013, khi gặp Huy tại ngã năm thôn Xuân Bàng, tôi gọi Huy dừng lại để hỏi về chuyện vay nợ. Huy không dừng xe lại nói chuyện với tôi mà lách xe chạy về đầm nhà mình ở khu vực xóm 1 xã Thụy Xuân lấy 1 thanh kiếm và 1 đèn pin rồi gọi Nguyễn Trọng Tuấn (Tuấn Bình, SN 1980) chở đến ngã năm với mục đích tìm bố con tôi để đánh. Không chỉ lần này mà rất nhiều lần Huy đã cầm kiếm và súng đe dọa gia đình tôi và thẳng thừng tuyên bố: “Sẽ không trả một xu xem làm gì được tao”.
Khi được Tuấn Bình chở đến ngã năm gần nhà ông Chuyền bác ruột tôi, Huy chủ động nhảy xuống xe tìm tôi để chém. Huy gọi thêm đồng bọn là Lâm Tuấn Anh (Cò Lý) và Tuấn Sợi đều là băng nhóm xã hội mang súng sang phải, đạn xuyên chạm vào xương cụt của tôi. Với bản năng tự vệ để cứu mạng sống cho mình, tôi đã dùng tuýp sắt lao vào vụt Huy nhằm loại bỏ sự nguy hiểm đang đe dọa tính mạng của mình.
Cùng lúc đó, bố tôi là Phạm Minh Duyên đang cầm tua vít sửa xe máy ở nhà được mọi người báo tin đã chạy ra chỗ Huy và đồng bọn đang thực hiện hành vi phạm tội. Khi bố tôi chạy ra đến nơi, tôi đang bị Huy và đồng bọn truy sát và chảy nhiều máu ở mông, còn Huy đang cầm súng lên đạn.
Thấy vậy, tôi kêu lên: "Bố ơi chúng nó có súng, con bị bắn rồi" và tôi chỉ còn biết lao vào vụt Huy, lúc này bố tôi cũng lao vào ôm Huy thì bị Cò Lý dùng phớ chém một phát vào sau lưng làm đứt cả chun quần sóc và quần sịp. Bố tôi đã dùng tua vít lao vào Huy đâm mấy phát không biết vào chỗ nào.
Theo luật sư Trần Quốc Hùng, đoàn Luật sư Hà Nội, người trực tiếp bào chữa cho cho các bị cáo Duyên, Cường, Hương thì sau khi xảy ra vụ án, Cơ quan điều tra không dựng lại hiện trường vụ án, thực nghiệm điều tra tại hiện trường có sự chứng kiến của các nhân chứng để làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án dẫn đến kết quả điều tra không khách quan, làm oan người vô tội.
Tang vật của vụ án thu được không phù hợp đối với những hành vi mà cáo trạng đã cáo buộc đối với từng bị cáo. Kết luận giám định của sở Y tế Thái Bình sai quy trình đưa đến kết luận không chính xác, chúng tôi đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thái Thụy cho giám định lại thương tích để đảm bảo tính khách quan nhưng không được chấp nhận.
Luật sư Trần Quốc Hùng: "Vụ án còn khá nhiều tình tiết chưa được cơ quan chức năng điều tra làm rõ".
Hội đồng xét xử đã ra quyết định yêu cầu điều tra bổ sung, dựng lại hiện trường vụ án, thực nghiệm điều tra, giám định lại thương tích đối với Lê Bá Huy, lấy lời khai của các nhân chứng… Ngày 17/7, TAND huyện Thái Thụy tiếp tục đưa vụ án ra xét xử, dư luận nhân dân huyện Thái Thụy rất mong chờ vào một bản án công tâm của pháp luật. |