TS Dương Đức Hùng cho biết, khi sơ cứu cho người bị tai nạn việc đầu tiên cần phải bình tĩnh, sau đó là phải ngay lập tức cầm máu cho nạn nhân.
Thời gian vừa qua, liên tiếp các trường hợp tử vong do bị tai nạn vết thương cứa vào cổ dẫn đến mất máu, các bác sĩ nhận định nguyên nhân là do sơ cứu chưa đúng cách hoặc không sơ cứu nạn nhân trước khi chuyển đến cơ sở y tế cấp cứu.
Để người dân biết được những động tác ban đầu khi sơ cứu cho các nạn nhân khi không may bị tai nạn, chiều ngày 26/9, TS Dương Đức Hùng – Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch (Viện Tim mạch Quốc gia) đã có những hướng dẫn chi tiết, với những độc tác dễ thực hiện nhất ở cộng đồng.
Theo TS Hùng, đứt mạch máu nếu biết cách sơ cứu sẽ cứu được nạn nhân, nếu không tùy vào nơi vết thương xảy ra bệnh nhân có thể tử vong sau vài phút do mất máu.
TS Hùng cho biết, nguyên tắc chung nạn nhân bị thương ở động mạch đùi, động mạch cảnh, mạch tay… thì động tác đầu tiên đối với người dân, người phát hiện ra nạn nhân hoặc thậm chí là trực tiếp nạn nhân dùng tay ấn một lực đủ mạnh vào vết thương làm sao hạn chế tốt nhất được máu chảy ra.
Bước tiếp theo đó là dùng mảnh vải, có thể là xé luôn áo đang mặc trên người ấn vào vết thương, sau đó xé một mảnh vải nhỏ hoặc dây ở xung quanh làm ga-ro buộc phía bên trên vết thương.
Tiếp tục xé một miếng vải dài quấn quanh vết thương và nhìn xung quanh có thể lấy một cành cây, một chiếc bút chì, một chiếc thước kẻ để xoáy miếng vải vừa quấn tròn sao cho cho chặt vừa tới.
Sau khi làm xong những động tác này, nhanh chóng cầu cứu người xung quanh đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Đối với những vết thương ở trên cổ, ngoài những động tác như trên, nếu trường hợp không có bất kỳ vật dụng gì có thể sơ cứu nạn nhân thì dùng cánh tay gần phía vết thương ép chặt vào để cầm máu, sau đó dùng chính tay bên kia để làm điểm trụ sau đó xé áo, quần hoặc vải xung quanh làm dây để quấn tròn xung quanh, sao cho cố định vết thương và đưa nạn nhân đến viện theo đúng tư thế đã sơ cứu.
TS Hùng nhắc lại, nguyên tắc cơ bản nhất đó là phải bình tĩnh, nhanh chóng xử lý cầm máu vết thương, nếu không có vải hoặc vận dụng sơ cứu được xung quanh thì xé luôn áo đang mặc để sơ cứu cho bệnh nhân.
Bởi trong trường hợp đứt động mạch cảnh, động mạch chủ thì nạn nhân sẽ mất máu rất nhanh trong vòng 2-3 phút.
Dưới đây là một vài động tác hướng dẫn sơ cứu qua hình ảnh được TS Dương Đức Hùng thực hiện và giới thiệu:
Sau khi phát hiện nạn nhân gặp nạn bị chảy máu...
...cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp sơ cứu cho bệnh nhân, khi đó có thể tận dụng mọi vật có thể sơ cứu được, thậm chí là áo đang mặc trên người...
...tiếp theo cho dùng tay của nạn nhân hoặc của mình áp vào phần bị thương của nạn nhân với một lực vừa đủ để hạn chế máu chảy...
...sau đó dùng miếng vải xé nhỏ làm ga-rô cho bệnh nhân và lấy vải ấn lên vết thương...
Buộc một lần dây nữa nhằm giữ ổn định vết thương cho bệnh nhân...
... sau đó chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Đối với những vết thương hai bên động mạch cảnh ở cổ...
...vẫn dùng phương pháp ấn tay vào vết thương, sau đó dùng miếng vải ấn ngoài vết thương để cầm máu...
...tiếp tục dùng dây và tìm bất cứ vật dụng như cành cây, thước kẻ...
...quấn xung quanh cổ bệnh nhân để giữ cố định vết thương không cho chảy máu và nạn nhân không bị ngạt đường thở
Trong trường hợp không có vật dụng gì xung quanh, người sơ cứu nhanh chóng xé áo vừa làm miếng vải che ngoài vết thương...
...vừa làm dây để cuốn xung quanh. Lưu ý khi không có cây, có thể dùng 1 tay của nạn nhân đặt lên vết thương, tay kia giơ lên cao và cuốn dây xung quanh để giữ cố định...
...sau khi cố định được nạn nhân nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu.
Video TS Dương Đức Hùng hướng dẫn cách sơ cứu khi bị vết thương cứa cổ: