Tuyết rơi trắng xóa các nẻo đường ở Sapa (Lào Cai) làm nhiều bạn trẻ thích thú. Suốt từ năm 1961 tới nay, Việt Nam mới có hiện tượng tuyết rơi vào tháng 12.
Tuyết rơi khi có hai hình thái thời tiết kết hợp với nhau trong mùa Đông là không khí lạnh tăng cường (hoặc gió mùa Đông bắc) ở tầng thấp (dưới 3.000 m) và dòng siết đới gió Tây trên cao (từ 3.000 m tới 10.000m).
52 năm mới lặp lại
Đợt tuyết rơi tại Sapa vừa rồi chính là do đã hội tụ đủ hai hình thái thời tiết trên và là một điều rất hiếm gặp trong tháng 12 hằng năm.
Từ năm 1961 tới nay mới lặp lại, tức là đã 52 năm qua, lịch sử ngành khí tượng mới lại ghi nhận hiện tượng tuyết rơi và rơi dày ở Việt Nam vào tháng 12 như vừa qua.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương khẳng định: “Vào giai đoạn nửa giữa tháng 12 mà có một đợt không khí lạnh ảnh hưởng như này kèm theo mưa tuyết là hầu như rất hiếm gặp”.
Trước đó, lần gần đây nhất có tuyết rơi cũng ở Sapa là vào năm 2011 nhưng vào tháng 3 và mức độ tuyết rơi cũng không dày và rộng như đợt này.
Nhiều điểm ở tỉnh Lào Cai, trong đó có Sapa, tuyết rơi dày 20 cm – 30cm. Ngay tại Lào Cai, là tỉnh có tần suất lặp lại hiện tượng tuyết rơi nhiều nhất ở nước ta thì nhiều năm nay mới có tuyết rơi trên diện rộng và dày như vậy.
Những bông tuyết đầu tiên xuất hiện vào sáng ngày 15/12 tại xã Y Tý, đèo Ô Quý Hồ và cả huyện Mường Khương. Trong ngày 15/12, càng về chiều tuyết rơi dầy hơn và mở rộng xuống đến trạm Khí tượng Sa Pa và kéo dài tới tận ngày hôm qua (16/12).
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở Sapa, sáng qua, Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Bát Xát (Lào Cai) cũng đã có tuyết rơi như ở cảnh tượng trong các bộ phim từ các xứ sở của tuyết.
Do biến đổi khí hậu
Tuyết rơi lần này chính là một kết quả của biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu không chỉ là các hiện tượng thường được nhắc đến như nhiệt độ Trái Đất tăng lên, băng tan, nước biển dâng…mà còn ghi nhận ở việc các hiện tượng trước đây chưa bao giờ gặp thì giờ gặp nhiều hơn. Chẳng hạn, thời tiết nóng thì rất nóng mà lạnh thì cũng rất lạnh, hơn hẳn so với cấp độ trung bình từng ghi nhận.
Mưa tuyết lần này ở Lào Cai và Hà Giang chính là một biểu hiện của hiện tượng “lạnh thì rất lạnh” hiếm gặp khó dự báo trước và là kết quả của biến đổi khí hậu.
Ở Việt Nam, có thể gọi tuyết là một hiện tượng vừa kỳ thú vừa nguy hiểm.
Kỳ thú bởi ít khi mọi người được chứng kiến tuyết rơi. Một năm “may” thì xảy ra 1 – 2 lần và không phải năm nào cũng có. Lần tuyết dày như vừa rồi thì hầu như chưa thấy.
Nguy hiểm bởi nếu tuyết dày phủ thời gian từ vài ngày trở lên thì rất nguy hiểm với sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi. Nhiệt độ dưới 13 độ C đã gọi là rét hại, tuyết rơi là khi nhiệt độ đã giảm xuống dưới dưới 0 độ C, là ngưỡng nhiệt độ rất thấp. Cây cối sẽ bị cháy lá, trâu bò thả ngoài rừng thì sẽ bị chết rét. Năm 2008, hàng vạn trâu bò đã bị rét trong đợt rét kỷ lục 38 ngày.
Tuy nhiên, nếu tuyết phủ nhanh trong vài tiếng thì theo các chuyên gia khí tượng lại là có lợi vì nó mang lại độ ẩm cho đất đai, nên có lợi cho cây trồng.
Hình ảnh đẹp như trong phim
Một con đường vắng và trắng tuyết
Một số bạn không thể bỏ lỡ cơ hội chụp hình cùng "người tuyết" đáng yêu.
Nhưng tuyết cũng gây rất nhiều khó khăn cho sinh hoạt thường ngày của người dân Sapa. Nguồn ảnh (Khampha.vn, Báo Lào Cai, Dân Việt)
Tết Âm lịch rét Thời điểm này còn quá sớm để đưa ra những dự báo cụ thể về thời tiết Tết Âm lịch Giáp Ngọ 2014. Tuy nhiên, nhận định ban đầu, ông Lê Thanh Hải cho hay, có thể Tết Âm lịch năm nay kéo dài 9 ngày, sẽ có khoảng 4 ngày – 5 ngày rét đậm, còn lại là rét, chỉ có ít ngày ấm xen kẽ. Thông tin dự báo cụ thể về thời tiết Tết Âm lịch, chúng tôi sẽ cập nhật chi tiết trước kỳ nghỉ 5 ngày – 7 ngày. |