Từ lâu giá, khu nhà trọ của bà vẫn duy trì mức giá 10.000 đồng/đêm, trong khi giá thuê phòng trọ bình dân tại Hà Nội đang không dưới 150.000 đồng/đêm. Đó là phòng trọ của bà Hồ Thị Thục, 83 tuổi, (Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội).
Gia cảnh khốn khó
Đây là khu phòng trọ ở trước cổng Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội, của bà Thục giúp người nghèo đi viện giảm bớt gánh nặng tiền bạc. Đặc biệt, chủ nhân của phòng trọ giá rẻ này không hề dư giả, bản thân bà vất vả nuôi con tật nguyền, cả hai mẹ con dắt díu nhau sống qua ngày.
Đến khu vực gần Bệnh viện Nhi Trung ương hỏi về nhà trọ bà Thục chúng tôi nhận được những câu đáp lại: “Tìm thuê nhà bà Thục là chuẩn đấy, giá rẻ, sạch sẽ. Hoàn cảnh của bà cũng đặc biệt, một mình nuôi con gái tật nguyền gần 30 năm nay. Bà tốt bụng lắm, khách ở trọ và chủ ăn ở với nhau như người nhà”.
Theo chỉ dẫn của người dân ở đây, chúng tôi tìm đến nhà bà. Bà Thục tóc trắng như cước, khuôn mặt xanh xao hiện vẻ khắc khổ, đôi mắt u buồn. Lẽ ra, ở cái tuổi “cổ lai hy”, nhiều người đã an hưởng tuổi già, sum vầy bên con cháu, thì bà vẫn tất bật lo cơm áo gạo tiền để chăm cô con gái 58 tuổi bị bại liệt.
Bà Hồ Thị Thục (phải) bên cạnh con gái tật nguyền. Ảnh: Ngọc Thi
Con gái bà là Vũ Ngọc Hương, ngày trẻ Hương xinh đẹp, tỏa sáng như chính cái tên cô. Ngày nhỏ cô Hương là một đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh. Vợ chồng bà Thục sinh được 5 người con, 3 trai, 2 gái, Hương là con thứ hai. Bà kể, trong số những người con của mình, Hương thông minh, xinh đẹp và sáng dạ hơn cả. Cô Hương từng thi đỗ Đại học Nông nghiệp Hà Nội, là cô gái hăng hái tham gia các hoạt động của phường. Có một thời gian cô làm văn thư tại một kho thuốc ở Hà Nội.
Năm 1989, cô Hương tròn 30 tuổi, chưa lập gia đình thì gặp nạn vào đúng ngày bà Thục đi giao hàng ở miền Nam. Vì khi đó, bà Thục vừa làm công nhân cho một nhà máy, vừa đi buôn đồ gia dụng và nhận được nhiều đơn hàng từ các tỉnh. Đang khỏe mạnh bình thường, Hương bỗng lên cơn sốt kèm theo biểu hiện co giật. Ban đầu, cả nhà chỉ nghĩ cô bị cảm lạnh. Tai họa đến khi cô Hương đi vệ sinh, người yếu lại bị hoa mắt, chóng mặt khiến cô bị ngã. “Thời đó, chưa có điện thoại di động như bây giờ. Tôi về nhà thấy con nằm một chỗ mà đứng tim. Mấy chục năm trôi qua, giờ nghĩ lại vẫn đau âm ỉ”, bà Thục nghẹn ngào.
Sau ngày đó, bà gác hết công việc, đem con chạy chữa nhiều nơi. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm được cứ thế “đội nón ra đi” để lo chạy chữa cho con. Hễ có ai mách có thầy giỏi, thuốc hay là bà lại tìm đến chữa chạy nhưng đều không thành công. Từ một cô gái rạng rỡ, trắng trẻo, năng động cô Hương trở nên u lì, không nhận thức, nằm một chỗ đến vệ sinh cá nhân cũng phải trợ giúp. Chồng bà Thục cũng vì bệnh tật mà qua đời sớm. Những người con của bà, lớn lên đến tuổi dựng vợ gả chồng bà đều lo chu toàn nhưng họ đều kinh tế khó khăn nên không giúp được gì.
Trước đây, bà Thục còn kiếm thêm bằng nghề đan len, thêu thùa. Hiện, tuổi cao lại mang nhiều bệnh tuổi già nên cả hai mẹ con chỉ trông cậy vào đồng lương hưu công nhân ít ỏi. Bữa cơm trưa của hai mẹ con bà đạm bạc, chỉ có mớ rau muống và mấy bìa đậu sốt cà chua.
Cái tâm của chủ phòng trọ giá chỉ 10.000 đồng
Chị Đoàn Thị Thúy, khách trọ giới thiệu với phóng viên về chiếc điều hòa do bà Thục lắp cho khách trọ.
Chị Đoàn Thị Thúy, khách trọ giới thiệu với phóng viên về chiếc điều hòa do bà Thục lắp cho khách trọ.Bà Thục cho thuê phòng trọ từ năm 1989 vừa để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống của hai mẹ con, vừa giúp những gia đình có con bị bệnh. Thời gian đầu giá phòng trọ là 5.000 đồng/ngày đêm, mấy năm gần đây phòng trọ của bà mới nhích giá lên 10.000 đồng/ngày/đêm.
Nhà bà Thục không rộng, nhà cấp 4, đồ đạc trong nhà đều cũ kỹ có từ xưa, khu nhà còn 5 phòng nhỏ bà cho thuê. Nhưng với mức giá thuê rẻ bèo, hai mẹ con bà cũng chẳng kiếm thêm được bao nhiêu. Theo quan sát của PV, mặc dù cũ nhưng khu trọ của bà khá sạch sẽ, có chỗ tắm giặt, nấu nướng... Những người đến nhà bà thuê trọ đều nghèo, vất vả từ nơi xa xôi, cách trở đưa con lên Hà Nội chữa bệnh.
Bà Thục chia sẻ, họ đã vất vả vì con cái bị bệnh tật hành hạ, mình giúp được gì thì gắng hết sức, sống ở đời phải biết cho đi rồi mới mong nhận lại. “Tôi từng chứng kiến nhiều số phận ra vào nhà mình. Họ đều là người khó khăn, ngoài bệnh tật của con cái phải lo bao nhiêu mối lo. Bản thân tôi cũng khó khăn nên lại càng thương họ hơn. Nhìn những đứa trẻ khôi ngô nhưng tóc rụng hết vì bệnh mà tôi quặn lòng”, bà Thục nghẹn ngào.
Ở phòng trọ của bà, chúng tôi rất bất ngờ khi thấy sinh hoạt của những người thuê trọ lại diễn ra như chính trong ngôi nhà của mình, họ thoải mái, vô tư không phải e ngại. “Ở trọ đây không chỉ rẻ, mà mọi người sống cùng nhau thân thiết như gia đình. Bà Thục tốt lắm, người tốt vậy thế mà số lại khổ. Nhiều khi bà đau ốm chúng tôi phụ bà chăm sóc cô con gái”, chị Đoàn Thị Thúy, một khách trọ cho biết.
Bà Thục nhớ mãi có đôi vợ chồng trẻ ở Bắc Kạn đưa con gái đầu lòng bị tim bẩm sinh xuống khám, tìm đến nhà bà thuê trọ. Lúc đó, các phòng đã chật kín nên bà không nhận thêm. “Vợ chồng nó bảo không ở nhà bà thì bọn cháu không ở đâu cả, cho cháu ngồi ngoài hiên cũng được”, bà Thục xúc động cho hay.
Nói về bà Thục, bà Trần Kim Chi, 50 tuổi, người dân sống cùng khu cho hay: “Bao năm nay, nhiều lần chúng tôi góp ý bà tăng giá phòng trọ để có đồng ra đồng vào lo cho cuộc sống của hai mẹ con, nhưng bà không chịu. Bà bảo không nỡ bởi khách trọ toàn người khó khăn. Nhiều người cơ cực quá, không có tiền bà còn miễn cho”. |