Vừa sinh ra đã bị liệt toàn thân nhưng với nghị lực của mình, chị đã khiến nhiều người phải nể phục khi có thể vẽ tranh và viết hơn 400 bài thơ bằng miệng. Chị là Nguyễn Thị Hồng, 33 tuổi, ở xóm Vỏ, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Vừa sinh ra đã bị liệt toàn thân nhưng với nghị lực của mình, chị đã khiến nhiều người phải nể phục khi có thể vẽ tranh và viết hơn 400 bài thơ bằng miệng. Chị là Nguyễn Thị Hồng, 33 tuổi, ở xóm Vỏ, xã Hoàng Lâu, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Định mệnh bất hạnh
Mẹ chị Hồng - bà Trần Thị Mấn năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng lúc nào cũng tất bật như người có con mọn khi phải chăm lo cho cô con gái 33 tuổi bị liệt toàn thân. Vừa mới chào đời, chân tay chị Hồng đã có di chứng bị liệt, teo tóp, đặt đâu nằm đấy.
Bài thơ và bức tranh chân dung của chị Hồng.
Bà Mấn kể lại, không chỉ đến bây giờ mà cuộc đời bà vất vả từ khi mới lấy chồng. Khi ấy gia đình nghèo, chồng lại ốm đau bệnh tật liên miên nên mọi việc trong nhà đều trông vào một mình bà. Dù nghèo khó nhưng không đành lòng nhìn Hồng phải chịu cảnh bất hạnh, bà đã chạy vạy khắp nơi để có tiền đưa con đi chữa bệnh. Anh em, bạn bè lối xóm thương hoàn cảnh của bà, mỗi người một ít chung tay giúp đỡ để gia đình đưa Hồng xuống Hà Nội thăm khám. Nhưng đi khắp các bệnh viện, các bác sỹ đều lắc đầu bảo Hồng đã bị liệt hoàn toàn, không cứu chữa được. Cạn tiền, vợ chồng bà còn từng tính tới chuyện bán nhà đi để chữa bệnh cho con. Nhưng mọi người biết chuyện khuyên can, bà Mấn đành nuốt nước mắt vào trong chấp nhận thực tế.
Buồn vì bất lực trước bệnh tật của con gái bị bại liệt chưa vơi thì bà Mấn lại đau đớn trước cái chết của người con là em kế chị Hồng. Chưa cạn nước mắt khóc con, bà Mấn lại phải khóc chồng. Bệnh tật đã khiến ông qua đời khi vợ dại, con thơ. “Lúc này không kể xiết được nỗi vất vả. Hồng càng lớn, chân tay càng co quắp. Suốt ngày nằm trên giường, chăn đắp kín đôi chân, mọi sinh hoạt phải có người phục vụ. Mỗi lần thấy con lên cơn co giật, tôi chỉ biết khóc”, bà Mấn kể.
Cuộc sống không tật nguyền
Thương hoàn cảnh của mẹ, anh chị của Hồng đã sớm phải nghỉ học đi làm thuê. Chị cả của Hồng phải vào Sài Gòn làm công nhân rồi ở luôn trong đó. Cuộc sống khó khăn nên không thể về quê thăm gia đình, thăm người em gái nhỏ. Thương nhớ chị, Hồng muốn viết thư cho chị nhưng chẳng thể làm được, đành phải đọc để nhờ bạn chép hộ. Nhưng nhờ mãi cũng ngại vì nhiều khi bạn bận, thậm chí bực mình vì bị nhờ nhiều.
Bằng sự cố gắng, chị Hồng đã viết lên những điều kỳ diệu. Ảnh: HM
Thế là từ đó, chị Hồng nỗ lực với một ước mơ giản dị phải học đọc, viết. Bị liệt toàn thân, chân tay co quắp không thể đến lớp, chị nghĩ ra cách học qua tivi, nhờ bạn, nhờ mẹ dạy thêm. Chị bắt đầu tập cầm bút bằng miệng. Mỗi lần phải lật nghiêng, lật ngửa cơ thể đau đớn, cảm giác như bị ai cắt da cắt thịt.
"Khi viết chữ, mình đã có lúc bị mất cảm giác, đau ở miệng, cổ bị mỏi do phải hoạt động nhiều, cánh tay thì cứ giật giật khiến con chữ méo mó. Nhưng rèn mãi, mình bắt đầu viết được từng chữ cái, rồi từng chữ, từng câu dù sai chính tả rất nhiều. Lâu dần thành quen, mình cũng đã viết được con chữ rõ ràng”, chị Hồng nhớ lại.
Có cái chữ rồi, chị muốn viết và làm thơ. Vào khoảng năm 2005, chị bắt đầu viết thơ và đã sáng tác được rất nhiều bài thơ hay. Những vần thơ của chị rất có hồn, đó là những ước mơ, những tâm sự sâu lắng của một trái tim tật nguyền. Tuy chưa có một mối tình nào nhưng chị vẫn viết lên những vần thơ yêu thương lãng mạn. Là một người phụ nữ, chị cũng có khao khát được yêu, được giận hờn để mà nhớ mà thương: “Chiều vàng nhìn lá vàng rơi/Biết anh có nhớ em không mà chờ/Để mà em cứ ngẩn ngơ/Tình anh như gió đến rồi lại đi…”(bài Lá bay); Tôi rất ghét những người gian dối/Những con người dễ dàng nói tiếng yêu (bài Ghét); Chiều nay phố vắng bóng em/Mình anh trên phố mưa rơi ngập đường/Giọt sương giọt nhớ giọt buồn/ Giọt nào mang nỗi nhớ em theo cùng (bài Nhớ em); rồi lại tự an ủi mình: Cuộc đời có mấy khi vui/Bạn ơi đừng khóc mà cười thật vui/Để cho đời mãi tươi cười/Vì không có nước mắt rơi ngậm ngùi (bài Đừng khóc)…
Để quên đi nỗi bất hạnh, chị đã tìm đến thơ và họa để tâm hồn được “bay”. Giờ đây, sau những khó nhọc, chị đã có được hơn 400 bài thơ. Những bài thơ được chị giữ rất cẩn thận và nâng niu như những báu vật. Chị khoe với tôi đã gửi nhiều bài thơ đi và đã được một số tờ báo sử dụng. Đó là nguồn động lực để chị càng cố gắng hơn. Chị bảo, thơ đã tiếp sức cho cơ thể teo tóp của chị. Nó đã tiếp cho chị thêm nhựa sống để sống không tật nguyền.
Không chỉ biết làm thơ, chị còn vẽ tranh. Những bức tranh của chị đẹp, chủ yếu là vẽ chân dung và những bông hoa. Cũng như thơ, chị gửi vào đó những ước mơ của cuộc sống. Dù chỉ được vẽ bằng bút mực, nhưng những bức tranh đẹp, in hằn một tâm hồn mơ mộng và sáng trong. Hơn thế nữa, sau một thời gian luyện tập chị đã biết điều khiển TV, làm được một số công việc nhẹ.
Hiện tại, chỉ còn hai mẹ con chị sống với nhau, các anh chị đều đã có gia đình riêng, cũng trong cảnh nghèo khó nên không giúp đỡ được gì nhiều. Chị bảo, giờ chị chỉ có một mong ước là được xuất bản những bài thơ ấy để những rung cảm sâu kín trong lòng mình được dịp cất lên.