“Còn kẹt xe, tai nạn giao thông thì không thể có TP phát triển, văn minh”.
Ông Tất Thành Cang, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, đã khẳng định như thế tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Chỉ thị 18 ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư khóa XI (Chỉ thị 18) về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP.HCM sáng 8-1.
Điểm danh quận, huyện thờ ơ
Báo cáo của Ban ATGT TP.HCM và của Giám đốc Sở GTVT, ông Bùi Xuân Cường, cho thấy tai nạn giao thông (TNGT), đặc biệt là số người chết và ùn tắc đang có chiều hướng gia tăng trong những tháng gần đây.
Trước thông tin này và sẵn chuyện các quận, huyện, sở, ngành chậm nộp báo cáo ba năm thực hiện Chỉ thị 18, ông Tất Thành Cang “điểm danh” luôn: “Cách nay sáu tháng, Thành ủy đã có chỉ đạo các quận, huyện, các sở, ngành làm báo cáo về ba năm thực hiện Chỉ thị 18. Đến nay chỉ có 11/24 quận, huyện có làm, có gửi. Nhiều bản báo cáo rất sơ sài, dễ dãi, như quận 2 chỉ có hai trang giấy. Nhiều báo cáo thể hiện chưa có sự tham gia của cấp ủy, các đảng ủy khối, khối cấp trên, ngành… Rồi báo cáo chưa đúng, chưa trúng lĩnh vực mình được giao… như Samco - Tổng Công ty Cơ khí Vận tải Sài Gòn, quản lý bốn bến xe liên tỉnh của TP nhưng báo cáo thì lại không làm rõ trật tự, an toàn từ các bến này ra sao, ùn tắc do xe ra vào bến gây ra như thế nào. Hoặc như Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP báo cáo chỉ có nửa trang A4 với nội dung ùn tắc, TNGT không xảy ra/không liên quan đến Ban. Các anh không thấy ư? Anh làm tuyến metro số 1 đi ngầm ở khu vực trung tâm TP, đi trên cao từ nội đô ra đến xa lộ Hà Nội với hệ thống rào chắn công trình giăng mắc khắp nơi mà bảo chẳng liên quan là sao?” - ông Cang truy.
Giọng ông Cang trầm xuống: “Đọc nhiều báo cáo tôi thấy như đây là tác phẩm của một đồng chí ngồi buồn sáng tác ra chứ không phải là trí tuệ, trách nhiệm của cả cấp ủy, của hệ thống chính trị! Các đồng chí còn thờ ơ, chưa thấy trách nhiệm của mình, chưa quan tâm đúng mức thì đừng bao giờ nói đến giảm được ùn tắc, TNGT!”.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang yêu cầu tổng rà soát tất cả giải pháp để tháo gỡ ùn tắc, TNGT. Ảnh: LƯU ĐỨC
Không để nơi thông, nơi tắc
Theo ông Tất Thành Cang, để TP phát triển, tăng tốc mạnh hơn song song với giảm được ùn tắc, TNGT thì mỗi năm cần hàng trăm ngàn tỉ đồng chứ không chỉ là 225.000 tỉ đồng như báo cáo của Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường. Trước tình hình đó, các sở, ngành cần rà soát lại kế hoạch, phương án đầu tư để tham mưu chính xác cho Thành ủy, UBND TP loại công trình, dự án nào thì dùng vốn ODA, cái nào dùng nguồn ngân sách hoặc huy động vốn xã hội...
Ông Cang cũng yêu cầu rà soát ngay các công trình gần kề nhau cái nào tắc, tắc vì sao. Không thể để cái thông, cái tắc rồi dẫn đến tắc cả khu vực. “Tôi lấy ví dụ, TP đã khơi được nguồn vốn để làm cầu Rạch Chiếc mới, dần dần nối thông các đoạn của vành đai phía đông nhưng vì sao đường Nguyễn Duy Trinh để nằm hoài thì làm sao phát huy được hiệu quả của tuyến vành đai, nút An Phú, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và cả khu vực quận 2, quận 9!” - ông Cang dẫn chứng.
Trong quản lý nhà nước về giao thông, đô thị theo ông Cang cho rằng không thể để cắt khúc mà phải tiến tới thống nhất, đồng bộ. “Không thể để một ông quản lý, sửa chữa đường, cầu Tân Thuận đến ranh quận 7 rồi quay về, phần bên kia để cho ông khác! Phải sớm thống nhất bộ máy quản lý giao thông theo hướng gọn nhẹ, linh hoạt!” - ông Cang nói.
Theo ông Cang, phải sớm triển khai đồng bộ và toàn diện các giải pháp kéo giảm ùn tắc, TNGT bằng việc thực hiện quy hoạch đô thị, di dời các trường đại học, bệnh viện… vì đây là những vấn đề nói hoài, nói mãi nhiều năm rồi mà nay vẫn chưa làm được. “Vì sao nhiều trường quốc tế “thích” nằm ở trung tâm? Sở GD&ĐT, Quy hoạch - Kiến trúc, Xây dựng, KH&ĐT và TN&MT… trước khi cấp phép cho họ có rà soát vị trí, nhà cửa, đất đai liên quan/ảnh hưởng đến giao thông không? Hay như tôi được biết thông tin từ Sở TN&MT là hiện có rất nhiều mảnh đất trống nằm ngay trung tâm TP sao không sớm lấy lại đi để làm giao thông tĩnh, giao thông công cộng?” - ông Cang đặt vấn đề.
Hạn chế xe cá nhân theo lộ trình, khu vực Theo báo cáo của Ban ATGT TP có hơn 92% dân số dùng mô tô, xe máy làm phương tiện đi lại (trong gần 7,3 triệu xe các loại) và hiện tốc độ tăng xe máy là 7%/năm. Tại hội nghị, vấn đề hạn chế xe cá nhân đã được đặt ra. Tuy nhiên, theo ông Tất Thành Cang, phải xác định rõ loại xe cá nhân nào thì hạn chế, hạn chế ở khu vực nào và lộ trình hạn chế phải được xây dựng khoa học, tuyên truyền phổ biến đến người dân chứ không thể làm theo phong trào, ào ào... “Tôi không đòi tiền bồi dưỡng mà đòi trang bị phương tiện kỹ thuật” Ban ATGT TP đề nghị mở rộng diện được hưởng bồi dưỡng từ nguồn tiền xử phạt vi phạm giao thông vì hiện ngoài CSGT, còn có cảnh sát trật tự - phản ứng nhanh, CSCĐ, công an phường… tham gia vào bảo đảm ATGT, chống ùn tắc. Nhưng tôi không đòi tiền bồi dưỡng mà đòi trang bị các loại phương tiện kỹ thuật như camera, máy đo cồn, đo tốc độ, mô tô… cho các lực lượng thực thi công vụ trên. Đại tá TRẦN ĐỨC TÀI, Phó Giám đốc Công an TP.HCM Ba năm giảm cả ba tiêu chí Từ tháng 11-2012 đến tháng 10-2015, trên địa bàn TP.HCM (đường bộ) đã xảy ra: 12.861 vụ TNGT, làm chết 2.141 người, bị thương 11.686 người. Giảm so với năm 2011: 423 vụ (-14,4%), 351 người chết (-14,09%) và 378 người bị thương (-29,53%). Tính ra mỗi ngày xảy ra 2,39 vụ TNGT, làm chết 2,03 người, làm bị thương 0,84 người. (Báo cáo của Ban ATGT TP.HCM) |