Con trai tâm thần chém chết mẹ ruột

Ngày 11/06/2014 15:02 PM (GMT+7)

Phạm Văn Mách (46 tuổi), một bệnh nhân tâm thần, đã từng một lần gây ra án mạng và đã bị cơ quan chức năng đưa đi chữa bệnh bắt buộc. Sau hai năm chữa bệnh, Mách về nhà và lại gây ra chuyện. Lần này nạn nhân chính là mẹ ruột của anh.

Người dân thị trấn Bến Cầu (Tây Ninh) hai ngày qua vẫn còn bàng hoàng về cái chết thương tâm của bà Bùi Thị Chói (79 tuổi, ngụ khu phố 3), mẹ của Mách. Sự việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo sự nguy hiểm khi để người tâm thần sống chung giữa cộng đồng.

Bất ngờ ra tay với mẹ ruột

Người trực tiếp chứng kiến vụ việc từ đầu đến cuối là chị Trần Thị Huyền, người đang thuê nhà bà Chói để bán cà phê. Theo chị Huyền, khoảng 10 giờ ngày 8-6, chị Nguyễn Thị Thúy (ngụ ấp Rừng Dầu, xã Tiên Thuận, Bến Cầu) đến vườn nhà bà Chói xin măng và tầm vông. Được một lúc nghe tiếng la hét thất thanh, chị Huyền vội chạy ra sau nhà, thấy Mách cầm rựa chém thẳng xuống đầu bà Chói. Bà Chói gục xuống tại chỗ. Cháu ngoại bà Chói mới ba tuổi đứng gần đó kêu khóc. Lúc này Mách cầm rựa tiến đến chỗ cháu bé. Chị Thúy bỏ chạy nhưng thấy cháu bé gặp nguy hiểm đã quay lại kéo cháu chạy đi. Bị Mách chém vào đầu hai nhát, chị Thúy cũng gục xuống.

Con trai tâm thần chém chết mẹ ruột - 1

Hiện trường nơi án mạng xảy ra. Ảnh: HM

Nghe chị Huyền hốt hoảng kêu cứu, anh Phạm Văn Toàn (con trai út của bà Chói) kịp thời ra giải cứu cháu bé và cùng mọi người đưa bà Chói và chị Thúy đi cấp cứu. Tuy nhiên, bà Chói đã chết trên đường đi.

Mới thuê nhà bà Chói được một tháng, chị Huyền cho biết Mách là người rất khép kín, ít nói chuyện giao tiếp với ai, thường ở biệt lập trong căn chòi sau vườn tre. Tuy vậy, Mách không hề có biểu hiện hung dữ, hành hung người khác cho đến khi xảy ra án mạng.

Ngay sau khi gây án, Mách bỏ đi đến nhà người anh thứ năm tên Phạm Văn Hùng, lên võng nằm ngủ như không có chuyện gì xảy ra cho đến khi công an đến bắt lúc 2 giờ chiều cùng ngày.

Gia đình buộc phải sống chung vì không còn cách nào

Anh Nguyễn Văn Luân (con rể của bà Chói) cho biết bình thường Mách khá ít nói, không gây phiền cho ai. Tuy vậy từ khi Mách lên cơn và gây án mạng với một người quen của gia đình, gia đình đã rất buồn bã, bất an. Khi Mách đi trị bệnh về, mọi người trong gia đình đều để ý, quan tâm nhiều hơn. Anh Luân cũng đã đưa vợ con về nhà mình, vì con anh còn nhỏ, sợ có điều bất trắc cho cháu bé. Không ngờ dù có đề phòng nhưng tai họa vẫn xảy ra.

Anh Luân và các anh chị em trong gia đình đều biết để Mách - bệnh nhân tâm thần sống chung với gia đình là khá nguy hiểm. Tuy vậy, gia đình không có giải pháp nào khác. Tại địa phương thì không có cơ sở nào nhận điều trị, chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân tâm thần. Vì vậy gia đình buộc phải sống chung và đề phòng là chính.

Sau khi lo hậu sự cho bà Chói xong, anh Luân và gia đình anh sẽ đến thăm hỏi gia đình chị Thúy. Anh rất cảm kích việc chị Thúy không ngại nguy hiểm che chở cho con trai của mình. Gia đình chị Thúy cho biết chị Thúy đã được các bác sĩ BV Chợ Rẫy cứu chữa tận tình, đã cứu được tính mạng. Tuy vậy sức khỏe vẫn còn rất yếu.

Quy định pháp luật về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 điều này trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

(Theo Điều 13 chương 3 Bộ luật Hình sự)

Theo Hồng Minh (Pháp luật TP.HCM)