Nhiều thành phố của Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 như hạn chế đi lại, xét nghiệm diện rộng và lập trung tâm cách ly.
8 diễn biến
Nhiều thành phố của Trung Quốc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 10/4, thành phố Thượng Hải của Trung Quốc ghi nhận gần 25.000 ca COVID-19 ngoài cộng đồng. Trong số đó, 1.006 ca có triệu chứng và 23.937 ca không có triệu chứng. Con số này vượt xa kỷ lục 13.436 ca nhiễm mà Tp.Vũ Hán từng ghi nhận ngày 12/2/2020.
Theo Thời báo Hoàn Cầu ngày 8/4, ông Ngô Tôn Hữu, trưởng nhóm dịch tễ học tại Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, nói rằng đối với thành phố 26 triệu dân như Thượng Hải, nếu đợt xét nghiệm PCR toàn thành phố hoàn tất chỉ trong 2 - 3 ngày và có tối đa 4 đợt xét nghiệm liên tiếp nhau thì có thể dập tắt đợt dịch trong cộng đồng sớm nhất là 10 - 15 ngày. Trong bối cảnh nhiều người bắt đầu lo lắng không biết có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh ở Thượng Hải và các khu vực khác của Trung Quốc hay không, thì ông Ngô bày tỏ niềm tin vào chiến lược "zero Covid" của Trung Quốc.
Trong khi đó, ông Trịnh Quân Hoa, tổng chỉ huy bệnh viện dã chiến tại Trung tâm triển lãm quốc tế Thượng Hải, cho biết Thượng Hải là thành phố có tốc độ già hóa dân số nhanh. Người già tại đây là bộ phận dân cư có tỉ lệ mắc các bệnh nền cao như tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa..., nếu mắc Covid-19, các bệnh này sẽ nặng thêm. Do đó, nếu chọn "nằm yên và mặc kệ" (tức sống chung với dịch), tình hình sẽ vô cùng đáng sợ đối với cả người già và trẻ nhỏ.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trong cộng đồng ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters
Hiện, Thượng Hải đang thực hiện lệnh phong tỏa trên diện rộng trong nhiều tuần qua nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chỉ nhân viên y tế, tình nguyện viện, nhân viên giao hàng hoặc một số đối tượng có giấy phép đặc biệt mới được ra khỏi nhà.
Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động cung ứng thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác khi nhiều siêu thị phải đóng cửa.
Trước tình hình này, lãnh đạo một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ giao hàng và công ty thương mại điện tử đã cam kết đảm bảo nguồn cung không bị đình trệ.
Tập đoàn thương mại điện tử JD.com cho biết đang chú trọng vào các thực phẩm cơ bản và đồ dùng cho trẻ em. Công ty cung cấp dịch vụ giao hàng Ele.me thông báo đã bổ sung thêm 2.800 nhân viên giao hàng trong tuần qua để đáp ứng nhu cầu hàng hóa của người dân.
Trước đó, Bộ Giao thông Trung Quốc cho biết đã có cuộc gặp với các cơ quan chính phủ khác để bàn về tiêu chuẩn hóa các trạm giám sát đại dịch trên đường cao tốc, bởi các biện pháp siết chặt tại nhiều địa phương khiến chuỗi cung ứng bị tắc nghẽn.
Ngày 9/4, chính quyền thành phố Bắc Kinh của Trung Quốc cũng đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với một khu vực có nguy cơ cao sau khi ghi nhận 8 ca mắc mới COVID-19 trong 2 tuần qua.
Thành phố cảng Ninh Ba gần Thượng Hải, ngày 10/4 thông báo dừng toàn bộ dịch vụ ăn uống trong khách sạn và nhà hàng, đồng thời những người sống trong khu phong tỏa phải thực hiện xét nghiệm hằng ngày trong 3 ngày.
Thành phố Trịnh Châu ở tỉnh Hà Nam cho biết sẽ xét nghiệm toàn bộ 12,6 triệu dân sau khi ghi nhận vài ca nhiễm không có triệu chứng. Tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông ở miền Nam Trung Quốc, toàn bộ 11 quận đã phát thông báo xét nghiệm PCR cho người dân vào ngày 8/4 và 9/4.
Theo Hãng tin Reuters, Công ty Nomura tuần này ước tính 23 thành phố ở Trung Quốc - chiếm 193 triệu dân và 22% GDP của Trung Quốc - đã bị phong tỏa toàn diện hoặc bán phong tỏa.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/nhieu-thanh-pho-cua-trung-quoc-tang-cuong-phong-chong-dich-c...
Cả nước chỉ có 165 xã, phường là "vùng đỏ", tử vong do COVID-19 giảm sâu
Dịch COVID-19 tại nước ta tiếp tục giảm. Ngày 10/4, cả nước chỉ còn 28.307 F0 mới, giảm gần 6 lần so với thời điểm giữa tháng 3. Ngày 10/4 chỉ có 8 tỉnh, thành ghi nhận ca mắc mới trên 1.000 ca, bằng 1/5 thời điểm của 3 tuần đầu tháng 3/2022 khi số địa phương có ca mắc mới trên 1.000/ngày.
Bộ Y tế cho biết, trung bình trong 7 ngày qua ghi nhận 42.928 ca mắc COVID-19/ngày, vào thời gian cao điểm của tháng 3 gần 169.000 ca/ngày.
Đến nay, Việt Nam đã có gần 10,2 triệu người mắc COVID-19. Cả nước chỉ còn hơn 14.000 F0 nặng phải điều trị tại các cơ sở y tế. Hà Nội hiện không còn bệnh nhân COVID-19 điều trị tại các cơ sở thu dung của TP và các quận, huyện.
Tử vong do COVID-19 cũng tiếp tục giảm sâu trong 1 tuần qua. Cụ thể, ngày 10/4 cả nước chỉ có 19 ca tử vong tại 12 tỉnh, trong đó Hà Nội và TP Hồ Chí Minh không có ca bệnh nào. Số tử vong trung bình ghi nhận trong 1 tuần qua là 30 ca.
Theo thống kê trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, tính đến ngày 10/4/2022, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Hiện cả nước còn có 2.159 xã, phường cấp độ 3 ( nguy cơ cao), chiếm 20.4% số xã, phường cả nước; 163 xã, phường cấp độ 4 - nguy cơ rất cao, chiếm 1,5% tại 16 tỉnh, thành phố.
Số xã, phường đạt cấp độ dịch 1 (vùng xanh) là 5.883, chiếm 55,5% số xã, phường của cả nước; có 2.399 xã, phường thuộc cấp độ dịch 2 (vùng vàng), chiếm 22,6% tổng số xã phường của cả nước.
Trong ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng vương, lượng người đổ về Đền Hùng, các khu du lịch đông nghẹt. 3 ngày nghỉ, các khu vui chơi của Hà Nội và nhiều địa phương đều tấp nập khách.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), dịch COVID-19 của Việt Nam đang giảm, nhưng nếu không phòng bệnh tốt thì dịch lại bùng lên, vì dịch vẫn lây lan nhanh trong cộng đồng, vẫn có nhiều ca tái nhiễm. Do vậy, người dân vẫn phải tuân thủ 5K, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ, càng hạn chế tiếp xúc với nhóm lạ khác nhau càng tốt. Khi ra đường, đến chỗ đông người phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn; trẻ em chưa tiêm vaccine, người có bệnh nền hạn chế đến nơi tập trung đông người không cần thiết và phải tuân thủ 5K.
Nguồn: https://cand.com.vn/y-te/ca-nuoc-chi-co-165-xa-phuong-la-vung-do-tu-vong-do-covid-19-gi...
Đồng Tháp ký 10 gói thầu trị giá hơn 233 tỷ đồng với công ty Việt Á
Ngày 11/4, Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp đã thông tin kết quả thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Theo kết quả thanh tra, tổng giá trị hợp đồng mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm của các đơn vị năm 2020 - 2021 là hơn 742 tỷ đồng, trong đó, trang thiết bị y tế là gần 84 tỷ đồng, vật tư y tế hơn 182 tỷ đồng; sinh phẩm xét nghiệm hơn 305 tỷ đồng và kit xét nghiệm gần 170 tỷ đồng.
Riêng đối với công ty CP Công nghệ Việt Á, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã mua sắm 10 gói thầu với giá trị hợp đồng hơn 233 tỷ đồng, giá trị thực tế mua sắm hơn 197 tỷ đồng, đã thanh toán hơn 156 tỷ đồng; chưa thanh toán hơn 40 tỷ đồng.
Qua thanh tra cho thấy, về hồ sơ, trình tự, thủ tục, giá cả cơ bản được các chủ đầu tư tuân thủ quy định của Chính phủ, Bộ Y tế và Bộ Tài chính.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện mua sắm vẫn còn một số hạn chế như: một vài chủ đầu tư ứng hàng trước khi ký hợp đồng; việc theo dõi nhập, xuất kho chưa hợp lý; một số hồ sơ dự thầu, trúng thầu thiếu tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng đối với các hàng hóa nhập khẩu; biên bản bàn giao và nghiệm thu hàng hóa chưa có chữ ký của cán bộ kỹ thuật; đăng tải kế hoạch, kết quả lựa chọn nhà thầu được duyệt chậm hơn thời gian quy định.
Ngoài ra, chưa có hồ sơ bảo hành chứng minh thời hạn sử dụng còn lại của hàng hóa tính từ thời điểm giao hàng và hồ sơ kiểm tra, thử nghiệm hàng hóa được cung cấp để đảm bảo hàng hóa có đặc tính kỹ thuật phù hợp với yêu cầu của hợp đồng; thiếu hồ sơ chứng minh xuất xứ, mã ký hiệu, nhãn mác, tính hợp lệ của sản phẩm, hàng hóa...
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, qua kết luận thanh tra, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế yêu cầu các chủ đầu tư tiến hành khắc phục ngay những hạn chế. Đồng thời, tổ chức xử lý trách nhiệm đối với các chủ đầu tư thiếu sót trong quá trình tổ chức đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm.
Sở Y tế phải phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính kiểm tra đối với các gói thầu thanh tra đã chỉ ra những sai sót và những gói thầu còn lại, kết quả báo cáo UBND tỉnh; rà soát, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều phối, quản lý, sử dụng các trang thiết bị đã mua sắm bảo đảm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tế. Thời gian thực hiện các nội dung trên chậm nhất đến hết Quý III-2022.
UBND tỉnh Đồng Tháp cũng giao Thanh tra tỉnh theo dõi, kịp thời để xuất UBND tỉnh xử lý đối với những gói thầu liên quan đến Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, sau khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.
Nguồn: https://tienphong.vn/dong-thap-ky-10-goi-thau-tri-gia-hon-233-ty-dong-voi-cong-ty-viet-...
Hà Nội sẵn sàng tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi
Bệnh nhân ghi nhận trong 24 giờ qua phân bố tại 379 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó nhiều nhất là các quận, huyện: Thanh Trì, Long Biên, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Hà Đông. Cộng dồn số mắc COVID - 19 tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 1.522.800 ca.
Tính đến nay, toàn thành phố còn gần 149.700 ca mắc COVID-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 900 ca so với ngày trước đó. Trong đó, số ca phải điều trị ở bệnh viện chỉ còn 654 người, giảm 20 ca; số còn lại theo dõi cách ly tại nhà. Ngày 9/4, Hà Nội không ghi nhận ca tử vong do COVID-19.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, trong những ngày vừa qua, các ca mắc COVID - 19, ca bệnh nặng và số ca tử vong trên địa bàn tiếp tục giảm mạnh. Các hoạt động cơ bản đã được mở cửa trở lại trong trạng thái bình thường mới, nhưng biến chủng của SARS-CoV-2 tiếp tục diễn biến phức tạp. Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng đề nghị tất cả các cấp, ngành và các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung chỉ đạo, tránh lơ là, chủ quan.
Về công tác tiêm chủng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị làm tốt công tác quản lý nhóm người có nguy cơ cao, rà soát tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi, sẵn sàng điều kiện tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi. Các đơn vị tiếp tục chủ động điều trị ca mắc COVID-19, thực hiện bài bản từ cơ sở, hạn chế chuyển tầng, giảm tỷ lệ tử vong, linh hoạt trong việc chuyển đổi khu thu dung điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 sang điều trị bệnh nhân thông thường.
Nguồn: https://tienphong.vn/ha-noi-san-sang-tiem-chung-cho-tre-tu-5-den-11-tuoi-post1429846.tp...
Phòng, chống dịch COVID-19: Nên rút từ 5K xuống 2K?
Cuối tuần qua, trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, quy định 5K trong phòng chống dịch COVID-19 (khẩu trang – khoảng cách – khử khuẩn – khai báo y tế - không tụ tập) đã không còn phù hợp. “Bối cảnh hiện nay đã khác hẳn với một năm trước, chúng tôi đang chờ Bộ Y tế điều chỉnh”, ông Thượng nói.
Theo ông Thượng, hơn một năm trước khi dịch bùng phát, trong bối cảnh cộng đồng chưa được chích vắc xin ngừa COVID-19, Bộ Y tế đã ban hành quy định 5K nhằm hạn chế tối đa tiếp xúc và tăng cường các biện pháp bảo vệ đối với từng cá nhân để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Thực tế, quy định 5K khi áp dụng đối với toàn xã hội đã phát huy hiệu quả tốt, góp phần quan trọng vào việc truy vết ca bệnh bảo vệ sự an toàn cho những người tuân thủ nghiêm các tiêu chí.
Đến nay, mọi hoạt động kinh tế, xã hội trên địa bàn TPHCM đã trở lại giai đoạn bình thường. Tất cả các nhà máy xí nghiệp người lao động đã tập trung làm việc, ăn uống, sinh hoạt chung; học sinh các cấp học cơ bản đã được học tập bình thường, người dân đang nỗ lực để tái sản xuất phục hồi kinh tế, bù đắp cho giai đoạn suy thoái do dịch COVID-19 gây ra.
Người dân khai báo y tế khi đến bệnh viện.
Tuy nhiên, hiện nay quy định 5K chưa được thay đổi đang trở thành rào cản đối với các hoạt động xã hội. Ông Thượng cho biết, hiện địa phương đang chờ Bộ Y tế điều chỉnh quy định 5K.
“Bối cảnh hiện nay đã khác hẳn một năm trước bởi tỷ lệ tiêm vắc xin của người dân trên cả nước đã rất cao, ai cũng có miễn dịch. Chứng minh trên thực tế cho thấy số ca mắc có giai đoạn rất lớn nhưng số ca bệnh nặng, tử vong thì rất thấp”, ông Thượng nói.
Ông cũng cho rằng, việc giữ khoảng cách 2m theo quy định 5K hay không tụ tập đã không còn phù hợp hoặc việc khai báo y tế có thể điều chỉnh thu hẹp, tập trung những trường hợp có yếu tố nguy cơ cao. “Trong 5K đã thực hiện thì sắp tới có thể sẽ được điều chỉnh còn 2K hoặc 3K. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch thường trực Hội truyền nhiễm TPHCM: “Quy định 5K đã không còn phù hợp kể từ khi TPHCM quyết định mở cửa phát triển kinh tế và học sinh trở lại trường. Theo tôi nên rút ngắn quy định 5K xuống còn 2K gồm khẩu trang và khử khuẩn để phù hợp với tình hình hiện nay”.
Nguồn: https://tienphong.vn/phong-chong-dich-covid-19-nen-rut-tu-5k-xuong-2k-post1429838.tpo
Quảng Châu áp đặt hạn chế phòng dịch COVID-19
Thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, đã quyết định đóng cửa các lớp học trực tiếp và chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến bắt đầu từ ngày 11/4 (giờ địa phương). Theo thông báo của giới chức thành phố, biện pháp này sẽ kéo dài ít nhất trong 1 tuần.
Đồng thời, chính quyền thành phố Quảng Châu cũng khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà nếu không cần thiết. Trong trường hợp ra khỏi nhà, người dân cần có chứng nhận xét nghiệm âm tính, có thời hạn trong 48 giờ, trước khi ra ngoài.
Quảng Châu xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng cho người dân. Ảnh: Getty
Quảng Châu - thủ phủ của Quảng Đông, một tỉnh nặng về sản xuất - đã báo cáo 27 ca mắc COVID-19 mới vào ngày 10/4, trong đó có 9 trường hợp không có triệu chứng. Uỷ ban Y tế Quốc gia nhận xét con số này tăng lên so với tổng số 11 ca mắc trước đó 1 ngày.
Tất cả 11 quận của thành phố Quảng Châu đã bắt đầu tổ chức xét nghiệm hàng loạt khác vào cuối tuần trước. Hôm 9/4, thành phố họ đang có kế hoạch chuyển một trung tâm hội chợ thành bệnh viện dã chiến.
Trong khi đó, thành phố Thượng Hải, "điểm nóng" của làn dóng dịch COVID-19 hiện nay ở Trung Quốc, đã ghi nhận 914 ca mắc có triệu chứng và 25.173 ca mắc không triệu chứng vào ngày 10/4. Trước đó 1 ngày, ngày 9/4, Thượng Hải ghi nhận 1.006 ca COVID-19 có triệu chứng và 23.937 trường hợp không triệu chứng.
Được biết, Thượng Hải vẫn trong thời gian đóng cửa, trong đó, hầu hết người dân phải ở trong nhà và nhận thức ăn thông qua hình thức giao hàng.
Thượng Hải đã tạm đóng cửa trường tiểu học và trung học cơ sở và chuyển sang hình thức học trực tuyến cách đây khoảng 1 tháng vào ngày 12/3.
Làn sóng dịch mới nhất tại Trung Quốc là do biến thể Omicron có khả năng truyền nhiễm cao. Đây là đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất tại Trung Quốc kể từ đợt bùng phát dịch đầu tiên ở Vũ Hán vào đầu năm 2020.
Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quang-chau-ap-dat-han-che-phong-dich-covid-...
Khánh Hòa có thêm 211 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh
Ngày 11/4, thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa cho biết từ 17h ngày 10/4 đến 17h ngày 11/4, toàn tỉnh ghi nhận thêm 42 ca nhiễm Covid-19 mới.
Các ca bệnh được ghi nhận tại thành phố Nha Trang 16 ca, thị xã Ninh Hòa 11 ca, huyện Vạn Ninh 5 ca, huyện Diên Khánh 5 ca, huyện Khánh Vĩnh 1 ca, huyện Cam Lâm 4 ca. Trong đó có 17 ca ghi nhận trong cộng đồng và 25 ca cách ly tại nhà.
Như vậy, trong 24 giờ qua số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh giảm 43 ca so với ngày 10/4. Số ca nhiễm mới tại thành phố Nha Trang giảm 10 ca, thành phố Cam Ranh giảm 6 ca, thị xã Ninh Hòa giảm 20 ca, huyện Diên Khánh giảm 7 ca, huyện Khánh Sơn giảm 2 ca, huyện Cam Lâm giảm 1 ca, huyện Vạn Ninh tăng 2 ca, huyện Khánh Vĩnh tăng 1 ca.
Kể từ đầu dịch đến nay, tỉnh Khánh Hòa có 118.172 ca nhiễm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Riêng đợt dịch từ ngày 23/6/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trên địa bàn tỉnh là 117.839 ca. Ba huyện, thị xã, thành phố ghi nhận số mắc cao là thành phố Nha Trang với 57.285 ca, tiếp đến là thị xã Ninh Hòa với 17.675 ca, huyện Diên Khánh 13.327 ca.
Trong ngày 11/4 có 211 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi, ra viện là 116.428 ca. Số bệnh nhân tử vong cộng dồn từ ngày 20/7/2021 đến nay là 354 trường hợp. Số bệnh nhân đang điều trị là 1.390 người. Số bệnh nhân đang điều trị tại nhà là 1.307 người.
Trong 24 giờ qua, tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 372 lượt người; xét nghiệm RT-PCR cho 5 lượt người.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh này đã thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho 6.625.033 lượt người; xét nghiệm RT-PCR cho 1.670.823 lượt người.
Tổng số liều vắc-xin phòng Covid-19 đã được tiêm là 2.805.610 liều. Trong đó, mũi 1 là 1.096.381 người, mũi 2 là 1.086.064 người, mũi 3 là 796.946 người.
Trong số này, người từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 1 là 977.316 người (tỉ lệ 102,56%); tiêm mũi 2 là 975.259 người (tỉ lệ 102,34%); tiêm mũi 3 là 796.947 người (tỉ lệ 83,63%). Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, tiêm mũi 1 là 119.065 người (tỉ lệ 104,57%); tiêm mũi 2 là 110.820 người (tỉ lệ 97,33%).
Tính đến 17h ngày 11/4, Trung tâm Cứu trợ Covid-19 tỉnh Khánh Hòa đã tiếp nhận hơn 73,239 tỷ đồng từ 850 tổ chức, cá nhân ủng hộ. Trong đó có hơn 41,390 tỷ đồng ủng hộ mua vắc-xin; 28,849 tỷ đồng ủng hộ phòng chống dịch và 3 tỷ đồng từ nguồn Quỹ cứu trợ tỉnh.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đã tiếp nhận gạo và nhu yếu phẩm trị giá 10,58 tỷ đồng; thiết bị y tế gồm 2 xe cứu thương, 55 máy trợ thở, 10.000 liều thuốc đặc trị Covid-19, 3.350 bộ kit test nhanh, 2.500 bộ đồ bảo hộ, 15.500 khẩu trang y tế…
Trung tâm đã chuyển 40 tỷ đồng mua vắc-xin; trích hơn 21,079 tỷ đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch và mua lương thực, thực phẩm cứu trợ; phân bổ tất cả số gạo, nhu yếu phẩm, rau củ quả, thiết bị y tế. Kinh phí còn lại hơn 12,160 tỷ đồng.
Để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, các hộ ở trọ, gia đình chính sách, già làng, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, lao động tự do, cơ sở bảo trợ xã hội, các mái ấm tôn giáo, các bếp ăn khu cách ly tập trung toàn tỉnh, người nước ngoài khó khăn, các lực lượng tuyến đầu, chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19, tổ tự quản an toàn trong phòng, chống dịch...
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khanh-hoa-co-them-211-benh-nhan-covid-19-duoc-cong-bo-khoi-b...
Hơn 2.000 ca COVID-19 vừa phát hiện ở Hà Nội, chỉ còn 630 ca điều trị ở viện
Bệnh nhân phân bố tại 305 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (188); Hoàng Mai (186); Gia Lâm (186); Sóc Sơn (185); Hà Đông (155).
Từ 29/4/2021 đến nay, Hà Nội ghi nhận và thông báo 1.524.811 ca COVID-19 với 1.331 ca tử vong (chiếm tỷ lệ 0,08% tổng ca mắc).
Tới hết ngày 10/4, toàn thành phố còn gần 148.844 ca COVID-19 đang điều trị, theo dõi, giảm gần 900 ca so với ngày trước đó. Trong đó, số ca phải điều trị ở bệnh viện chỉ còn 630 người, giảm 24 ca; số còn lại hơn 148.200 ca theo dõi cách ly tại nhà.
Về tiêm vaccine COVID-19, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và CDC Hà Nội báo cáo đã tiêm được gần 4,2 triệu liều nhắc lại (đạt 88%), ngoài ra, có thêm 139.200 mũi nhắc lại được tiêm bởi các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Như vậy, 91% người dân từ 18 tuổi trở lên ở Thủ đô đã được tiêm vaccine COVID-19 mũi nhắc lại. Ngoài ra gần 100% người dân cần tiêm mũi bổ sung cũng đã được tiêm.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/hon-2000-ca-covid-19-vua-phat-hien-o-ha-noi-chi-con-630-ca-di...