Một nghiên cứu vừa được trình bày tại Đại hội Nội tiết châu Âu lần thứ 25 chỉ ra sự thiếu hụt một vitamin quan trọng có thể góp phần vào việc một số người khổ sở vì các triệu chứng khó chịu đeo bám hàng tuần hậu COVID-19.
Theo News Medical, các nhà nghiên cứu xem xét trên các bệnh nhân gặp các triệu chứng khó chịu kéo dài trên 12 tuần sau cơn bệnh COVID-19 cấp tính, mà chúng ta vẫn thường gọi là hậu COVID-19.
Tình trạng này phổ biến nhất ở bệnh nhân COVID-19 tương đối nặng trở lên, phải nhập viện (thống kê cho rằng chiếm tới 50-70%), dù thỉnh thoảng vẫn gặp ở người mắc bệnh nhẹ.
Một số thực phẩm giàu vitamin D (Ảnh minh họa từ Internet)
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Vita-Salute San Raffaele và Bệnh viện IRCCS San Raffaele (Milan - Ý) đã kiểm tra 100 bệnh nhân COVID-19 tuổi từ 51-70, mắc hoặc không mắc hậu COVID-19.
Họ được đo mức vitamin D lần đầu nhập viện và 6 tháng sau khi xuất viện để kiểm tra một giả thuyết có từ đầu dịch COVID-19 rằng loại vitamin này có thể ảnh hưởng đến kết quả của bệnh.
Quả thực lượng vitamin D đủ hay thiếu liên quan đến nguy cơ mắc hậu COVID-19 thấp hay cao; trong đó khác biệt đối với một trong những triệu chứng gây phiền toái nhất là "sương mù não" hậu COVID-19, thể hiện qua việc hay nhầm lẫn, quên, kém tập trung..., là rõ nhất.
Một điều tốt từ phát hiện này là vitamin D không phải khó "nạp", nhất là ở những xứ nhiệt đới, nơi nắng đẹp quanh năm.
Ngoài ra bạn có thể bổ sung vitamin D qua việc ăn thường xuyên một số thực phẩm như các loại cá dầu (cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ, cá thu...), gan động vật, thịt đỏ, lòng đỏ trứng..., theo Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS). Với các món ăn thực vật, nấm và các loại đậu cũng khá giàu vitamin D. Về thức uống, sữa cũng là lựa chọn tốt.
Ngoài ra, bạn có thể bổ sung qua thực phẩm chức năng, vốn khá rẻ và dễ tìm ở hầu hết các nước.