Sự việc tưởng sẽ chôn vùi vào dĩ vãng, nhưng quả đúng là nếu không làm điều gì sai trái sẽ chẳng bao giờ lo có ngày sự thật bị phanh phui.
T.M lớn lên như một con thú hoang. Cha mẹ ly dị khi M. vừa tròn hai tháng tuổi, cuộc sống phiêu dạt, khi sống cùng bố, khi về với mẹ khiến cô luôn cảm thấy cuộc đời mình tròng trành như chiếc thuyền nan.
Cô nhúng chàm khi tuổi đời mới chạm ngõ 15 - độ tuổi trăng rằm tươi đẹp đối với bất cứ cô gái nào, với tội danh môi giới mại dâm. Trong cuộc nói chuyện với tôi, chất giọng trầm, khàn, tư lự của cô bé mất hẳn sự hồn nhiên, ngây thơ như những đứa trẻ cùng trang lứa. Nét tư lự tới thản nhiên ấy đôi khi khiến tôi rùng mình, lạnh gáy bởi sự trải đời, già dặn của cô gái này.
Tuổi thơ chênh chao gặp sóng cả
Đang thụ án tại trại giam Hoàng Tiến, cô gái sinh năm 1995 lớn lên tại đất Mỏ này đã có những phút trải lòng về tuổi thơ buồn bã và những sai lầm phạm phải xuất phát từ lòng tham, mong muốn có tiền tiêu xài mà không phải tốn nhiều công sức.
Do mâu thuẫn nảy sinh không thể cứu vãn, bố mẹ cô chia tay khi cô vẫn là đứa trẻ cần người nâng ẵm. Hai tháng tuổi, cô sống cùng bố, hoàn toàn thiếu vắng dòng sữa ngọt ngào, ấm áp của mẹ. Dù chăm con khéo léo thế nào, đôi tay vụng về của người đàn ông cũng không thể đảm đang, tháo vát như bàn tay phụ nữ. Cho tới năm lên 2 tuổi, cô được mẹ đón lên Hà Nội sinh sống cùng. Khi ấy mẹ cô đã có một tổ ấm riêng cùng với những đứa con riêng và người chồng mới. Sự xuất hiện của cô khiến cuộc sống của bà có nhiều xáo trộn.
Mẹ không thể chăm sóc cô chu đáo, ân cần như những người em cùng mẹ khác cha kia. Sau này lớn lên, cô hiểu và thông cảm cho tất cả những trăn trở ấy của mẹ. Tới năm học lớp một, cô lại trở về sống cùng cha. Năm lớp 2, cô sống cùng bà ngoại. Năm lớp 6, cô lại trở về sống cùng cha. Tuổi thơ, phiêu dạt nay đây mai đó, khiến cô luôn ở trạng thái chông chênh.
Cô bảo, nhiều khi xách túi quần áo tới nơi ở mới, cô chẳng muốn xếp vào tủ, bởi đoán rằng chỉ một khoảng thời gian ngắn nữa thôi, có lẽ cô sẽ phải lên đường. Đã có lúc, cô nghĩ mình là gánh nặng của mọi người trong gia đình. Sự quan tâm của mọi người dành cho cô chỉ là trách nhiệm của đấng sinh thành. Chán nản với cuộc sống hiện tại, cô nghỉ học và tự mưu sinh, kiếm sống. Ai đó hỏi cô về gia đình, cô đều trả lời với tâm thế vô cùng ngao ngán, chán chường, thậm chí lảng sang chuyện khác hoặc trả lời nhát gừng rằng cô không có gia đình.
Trong thời gian lăn lộn ngoài xã hội với đủ nghề: nhân viên phục vụ quán ăn, nhân viên gội đầu ở quán cắt tóc, gội đầu, cô có quen với một co bé có cái tên rất kêu Nguyễn Thị P.N. Cô bé ấy kém cô một tuổi, tức sinh năm 1996. Chị em ngoài xã hội chơi với nhau không quá thân thiết, chỉ tạm gọi là quen biết, thi thoảng nhắn tin, gọi điện rủ đi uống nước, cà phê. Cô nhớ lại: “Hôm đó tầm giữa trưa một ngày cuối tháng 11.2010, khi đang làm việc tại quán cắt tóc gội đầu Hoàng Châu ở thị xã Cẩm Phả, N. qua chỗ tôi làm, và nói nhỏ với tôi: chị ơi, em đang cần tiền gấp. Chị xem ai có nhu cầu cần mua trinh không, em muốn bán trinh”.
Vốn không phải là người tò mò vào cuộc sống riêng tư của người khác, vả lại mối quan hệ của M. và N. chưa phải thân thiết để vồn vã, cô không hỏi lý do N. cần tiền gấp mà chỉ giao hẹn: “Để chị điện thoại hỏi xem đã”. Sau khi N. về, cô gọi điện thoại cho chú Đinh Văn Đông là bảo vệ của một quán karaoke cô thường lui tới, nhờ chú thăm dò xem có ai cần mua trinh không.
Cô quá hiểu, rất nhiều người đàn ông có tiền khao khát được “bóc tem” những cô gái trẻ, đặc biệt dân làm ăn kinh tế đôi khi họ mua trinh thiếu nữ giằm giải xui nế như vận đen đang đeo đuổi họ trong làm ăn. Sau khi “chào hàng” giúp cô em xã hội, chú Đông nghe có vẻ bùi tai, hỏi M. giá cả thế nào để chú bố trí. Nghĩ 18 triệu là cái giá hợp lý đối với một đứa bé có nhan sắc như N., chú Đông hẹn ngày hôm sau hẹn M. dẫn N. tới cho chú xem mặt, xem “cái giá” 18 triệu đã thỏa đáng chưa.
Ngay sau khi trao đổi công việc với chú Đông xong, cô điện thoại cho N và báo tin mọi việc có vẻ rất khả quan, đồng thời hẹn N. 2h chiều sẽ qua chỗ chú làm để “xem mặt”. N. vui vẻ đồng ý ngay. Đúng hai giờ chiều hôm đó, M. và N. đi taxi tới ngã ba Cọc 6 gặp chú Đông. Sau khi “kiểm hàng”, chú gọi điện cho một người đàn ông tên Mạnh báo tin “chất lượng hàng đảm bảo”, có thể “mua” được và thăm dò thái độ của người đàn ông tên Mạnh đó. Một lúc sau, gã đàn ông tên Đông đó quay lại chỗ M. và hẹn ngày “giao dịch”.
Một giờ chiều, ngày 5.12.2010, Đông gọi điện cho cô và thông báo địa điểm “giao hàng”, ngay lập tức M. điện thoại cho N. chuẩn bị tinh thần và trang điểm đẹp để tiến hành "phi vụ".
Người đàn ông mua dâm tên Mạnh. Sau khi bán dâm xong, N. điện thoại cho M. đòi tiên, M. đưa N. 11 triệu đồng và M. được hưởng 7 triệu đồng từ thương vụ làm ăn này. Sự việc tưởng sẽ chôn vùi vào dĩ vãng, nhưng quả đúng là nếu không làm điều gì sai trái sẽ chẳng bao giờ lo có ngày sự thật bị phanh phui.
N. vô tình để cho bố mẹ đọc được những tin nhắn chưa kịp xóa trong điện thoại. Đó là những tin nhắn N. nhờ M. tìm người mua dâm giúp cô bé. Khoảng hơn chục tin nhắn qua lại là bằng chứng rõ ràng nhất tố cáo hành vi tội lỗi của hai cô gái trẻ.
Tất cả những người liên quan trong vụ án, bao gồm M., chú Đông, anh Mạnh đều gặp lại nhau thêm một lần nữa tại tòa, trước vành móng ngựa trong tình cảnh bất đắc dĩ. Với tội danh môi giới mại dâm, M. và chú Đông bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù giam. Riêng với anh Trần Thế Manh với hành vi giao cấu với trẻ em chưa vị thành niên, bị tuyên án phạt 7 năm tù giam. Phiên tòa hôm ấy, gia đình N. không ai có mặt. Còn nhà M., có bố là người đại diện hợp pháp bởi lúc phạm tội, M. mới có 15 tuổi và hai năm sau, M. mới phải trả án khi đủ 17 tuổi.
Mơ ước đường về
T.M. bảo rằng, cô còn rất trẻ. Cô còn cả một tương lai phía trước. Từ ngày vào trại cải tạo, mẹ cô không tới thăm con gái. Cô cũng không trách cứ mẹ, bởi với cô, dường như tình cảm với mẹ đã quá phai nhạt rồi. Còn cha cô thì khác, ông thường xuyên lên thăm con gái, gửi cho cô những nhu yếu phẩm cần thiết. Ông gầy guộc, xanh xao và già đi trông thấy, chưa bao giờ cô lại suy nghĩ sâu xa hơn về người cha già đáng kính của mình như lúc này. Cô thương cha, và khao khát sớm được trở về, báo hiếu cha, phụng dưỡng cha.
Hỏi về nghề nghiệp trong tương lai, cô chỉ cười buồn, bảo rằng nghĩ từ bây giờ quá sớm. Nhưng cô thích được làm đẹp cho mọi người, có lẽ sau khi bước chân ra khỏi đây, cô sẽ học cắt tóc, gội đầu, trang điểm cô dâu và bám vào đó để làm lại cuộc đời. Những sai lầm ắt phải trả giá, nhưng sẽ chẳng ai chặn lối đường về đối với những con người một lòng khao khát hướng thiện, hoàn lương như cô.
Tôi nhớ tới lời đức Phật nói với vua A Xà Thế: “Vĩ đãi lớn nhất của đời người là vươn lên sau vấp ngã”, chẳng ai khước từ cơ hội làm lại cuộc đời cho những con người đang ở dưới vực thẳm. Và tôi tin, đối với cô gái trẻ T.M và biết bao mảnh đời tội lỗi khác, chỉ cần một bàn tay chìa ra, nắm lấy tay họ cũng có thể làm thay đổi vận mệnh cuộc đời của họ, bởi tính thiện, hướng thiện là khao khát của tất cả những người còn lòng trắc ẩn trong tâm hồn.