Bao năm gian khó có nhau nhưng hôn nhân của vợ chồng ông Hoàng Văn Xuân (Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) tan vỡ khi người vợ không chịu nổi cảnh sống chật chội trong ngôi nhà 5m2.
Nhà không cửa, không sóng điện thoại
Trái ngược hoàn toàn với không khí nhộn nhịp của phố cổ, ngõ rẽ vào nhà ông Xuân trên phố Hàng Buồm tĩnh lặng, sâu hun hút như hầm. Ban ngày nhưng con ngõ nhỏ tối om, ngõ nhỏ đến mức hai người không thể lách qua nhau.
Theo sự chỉ dẫn chúng tôi cũng tìm được nhà ông Xuân. Gọi là nhà nhưng nơi đây giống một chiếc hộp, không có cửa. Cầu thang là những móc sắt hình chữ u gắn vào tường để tiết kiệm diện tích.
Ông bảo: “Cầu thang này là tôi tự chế đấy, chứ nếu lắp cầu thang gỗ thì hàng xóm không đi lại được đâu. Không phải ai cũng chèo lên được lên nhà, trẻ con, phụ nữ tay yếu cũng đành chịu”.
Trong căn nhà ấy, chiếc tivi cũ đã chiếm hết một chỗ rộng trong nhà. Giữa sàn trải chiếc chiếu nhỏ, nơi bố con ông nằm. Để lên được nhà chúng tôi phải trèo qua một đoạn tường cao gần 2m, chui qua một lỗ nhỏ. Xung quanh chằng chịt dây điện, cũng không có cửa ra vào.
Ngôi nhà ẩm mốc, nhếch nhác của ông Hoàng Văn Xuân. Ảnh: Ngọc Thi
Ngày xưa, đây là không gian sinh sống của 7 thành viên trong gia đình. Lớn lên, các anh, em lập gia đình nên đi hết. Căn nhà của bố mẹ để lại cho ông Xuân và em trai ông. Nhà em trai ông đã kịp cơi nới còn căn hộ của ông không thể mở rộng.
Theo giấy tờ bố mẹ để lại, đây là căn hộ thuộc khu tập thể của nhà nước. Gia đình ông thuê nhà với giá hơn triệu/năm. Nhà chật, nấu thức ăn thì phải xuống sân tập thể của ngõ để làm. Mọi thứ từ rửa rau, rửa bát, vo gạo tất tật đều ở cái bể nước công cộng ấy.
Nhà có chiều dài 2,64m, chiều ngang 2,5m, chiều cao 1,1m. Mấy mươi năm, trong căn nhà này chưa hề có ánh sáng mặt trời, sóng điện thoại cũng mất. Khi mặc quần áo còn phải co ro khúm núm, cởi áo phải quỳ, còn mặc quần phải nằm xuống sàn mới mặc được. Một bên tường của căn nhà giáp với bể phốt, bên kia giáp với bể nước của nhà hàng xóm nên tường ẩm mốc, trần nhà cũng bong tróc hết.
Nhà chật nên trong nhà không có đồ gì, vẻn vẹn mấy bộ quần áo. Ảnh: Ngọc Thi
Ông kể: “Tôi làm nghề xe ôm đã lâu, chủ yếu là chở khách quen. Nhiều khi mọi người gọi cho tôi không được vì ở nhà tôi không bắt được sóng. Vì thế nắng, mưa tôi đều phải ra đầu ngõ ngồi”.
Vào mùa hè nó nong như cái lò thiêu, ngoài đường 40 độ thì trong nhà phải hơn, 2 cái quạt bật hết công suất cũng không mát. Mùa đông thì rét mướt bởi nước ngấm từ cái sân sinh hoạt chung bên trên mái xuống gây ẩm mốc.
Để tránh bất tiện, hàng ngày ông Xuân dậy sớm hơn mọi người trong khu,tranh thủ còn nước để vệ sinh, giặt giũ. Nhà có 5m2 lại nằm cheo leo trên lối ngõ nên mọi việc khác phải làm nhờ ở sân tập thể bên dưới rất khó. Ông không dám dùng bếp mà mua 2 cái nồi cơm điện, 1 chiếc nấu cơm, chiếc còn lại… nấu canh hoặc hầm luộc món khác.
Vợ bỏ và nỗi lo con trai không lấy được vợ
Thời trai trẻ ông dẫn bạn gái về ra mắt gia đình. Mặc dù đã tâm sự cho người yêu biết hoàn cảnh của mình nhưng ngày bạn gái đến chứng kiến ngôi nhà tí hon có phần bàng hoàng. Ít ai nghĩ rằng, giữa thủ đô hoa lệ lại có ngôi nhà như vậy.
Ngày đó, ông Xuân vui mừng biết bao khi người yêu thông cảm cho hoàn cảnh nghèo khó để đến với mình. Cả hai động viên nhau cố gắng làm kinh tế, ấp ủ dự định mua một mái nhà đúng nghĩa trong tương lai. Nhưng, cuộc sống vốn chẳng thuận lợi như mình nghĩ, công việc chính của ông Xuân là xe ôm, vợ thì làm nhân viên tạp vụ nên thu nhập chỉ đủ để lo cuộc sống qua ngày. Ứơc mơ về một ngôi mãi là điều xa xỉ.
Trần nhà đã bong lở, ẩm mốc. Ảnh: Ngọc Thi
Ông Xuân bảo rằng, ngày cưới nhà gái, vợ ông khóc rất nhiều. Trải qua gần 20 năm chung sống, hôn nhân của ông bà rạn nứt. Đã 5 năm sống cảnh gà trống nuôi con, ông Xuân luôn nghĩ vợ bỏ đi vì ông cho bà được một ngôi nhà đúng nghĩa.
Vợ ông chuyển đi ra ngoài thuê trọ. Trong mắt ông Xuân, vợ là người phụ nữ cam chịu, biết trên biết dưới. Hàng xóm nhận xét vợ ông là người khéo léo, hòa đồng.
Khi chúng tôi hỏi, tại sao gia đình ông không đi thuê nhà để có cuộc sống tốt hơn. Người đàn ông này ngậm ngùi bảo rằng, trước đây đã từng có thời gian cả gia đình ông đi thuê trọ ở nhưng lại quay về vì điều kinh tế không đủ để thuê nhà.
Góc bếp nhỏ của gia đình ông Xuân. Ảnh: Ngọc Thi
“Ai cũng muốn có chỗ rộng rãi thoáng mát để ở nhưng với những người không nghề nghiệp ổn định như tôi nó quá xa vời. Hàng ngày đi làm bục mặt kiếm đủ tiền cho con ăn học là may lắm rồi. Vợ bỏ đi tôi cũng thông cảm, không hề trách móc bà ấy”.
Hiện giờ, nỗi lo duy nhất của ông là cậu con trai duy nhất của mình không lấy được vợ vì nhà nghèo. “Thời buổi bây giờ, không phải người phụ nữ nào cũng thông cảm cho hoàn cảnh nghèo khó. Nhà nghèo, con trai không được học đại học mà phải bươn trải cuộc sống khi học xong cấp 3. Mẹ nó với tôi còn đứt gánh giữa đường như thế”, ông Xuân buồn rầu cho biết.
Ông bảo, biết nhà chật nên con trai không bao giờ dẫn bạn về nhà chơi. Ông vẫn mong ngày được ở một nơi rộng rãi, thoải mái hơn, để con trai có thể mời bạn bè về nhà như bao bạn cùng trang lứa.