Bệnh nhân P.H.H, sinh năm 1988 suýt chết vì mang khối thai ở mặt sau của gan.
Suýt chết vì mang thai ở gan
BS CKII Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng khoa Đẻ, BV Phụ Sản Trung ương cho biết, bệnh viện vừa cứu sống sản phụ có khối thai nằm ở mặt sau gan. Bệnh nhân là P.H.H (SN 1988), quê ở Hà Nội, bệnh nhân bị chậm kinh một tháng và biết có thai, tuy nhiên do chưa đi khám nên không biết mang thai ngoài tử cung. Trong thời gian mới biết có tin vui, H hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường. Tuy nhiên, cách đây vài tuần bệnh nhân bỗng thấy đau bụng dữ dội nên người nhà vội vàng đưa đi cấp cứu tại BV Phụ sản Trung ương. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng choáng, mạch huyết áp tụt.
Qua thăm khám bác sĩ phát hiện trong bụng bệnh nhân có hơn 2 lít máu, kiểm tra phần phụ không có thai nhưng ở trên mặt gan thì có rất nhiều máu cục. BV Phụ sản Trung ương đã mời bác sỹ BV Việt Đức hội chẩn và xử trí. Do ca bệnh phức tạp không thể phẫu thuật nội soi được nữa nên phải thực hiện mổ mở, lấy bào thai ở gan ra để cứu sống sản phụ.
BS Hà cho biết, thai trong ổ bụng thì rất hiếm gặp, chiếm tỷ lệ 1,3% trong các trường hợp thai ngoài tử cung. Trong đó, thai ở gan còn hiếm gặp hơn nhiều, y văn thế giới mới ghi nhận được trên dưới 20 ca từ trước đến nay. Trên thế giới, có 15 ca chửa ở gan được công bố trong 36 năm trở lại đây. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao gấp 7,7 lần so với chửa ngoài tử cung.
Gan là nơi có nhiều mạch máu, là môi trường tốt để nuôi thai. Trái ngược với chửa trong buồng tử cung, chửa gan dễ bị sảy trong 3 tháng đầu do không có màng rụng bao bọc thai và tế bào nuôi xâm nhập đâm thủng vị trí rau bám tại gan. Do đó, dẫn tới chảy máu và có thể choáng do mất máu. Khi khối chửa ở gần túi mật và ruột sẽ gây nên các triệu chứng về đường mật và dạ dày ruột.
Trường hợp của bệnh nhân H. kíp phẫu thuật đã phải truyền 13 đơn vị máu trong quá trình mổ bóc tách lấy khối chửa bị vỡ, lấy ra 2 lít máu đỏ tươi và 300 gam máu cục trong cơ thể bệnh nhân. Rất may, do được mổ kịp thời, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định. Dự kiến, bệnh nhân H. sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Theo BS Hà, bệnh nhân vẫn có thể có thai sau khi sức khỏe ổn định.
Chị H may mắn thoát chết sau khi bác sĩ mổ lấy khối thai nằm tại gan (Ảnh MH)
Mang thai trong ổ bụng vô cùng nguy hiểm
BS Hà cho biết, mang thai ngoài tử cung là một hiện tượng thai nghén bất thường. Trứng đã thụ tinh không làm tổ ở ngoài tử cung mà ở bất kỳ vị trí nào trên đường di chuyển đến tử cung, dẫn đến mang thai ngoài tử cung. Khối thai có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như: vòi trứng (phổ biến nhất, chiếm 90%) hoặc trong buồng trứng, cổ tử cung, thậm chí ngay trong ổ bụng (nằm tại gan) như trường hợp của bệnh nhân trên. Nguyên nhân chủ yếu gây nên hiện tượng mang thai ngoài tử cung là viêm vùng chậu do chlamydia trachomatis; tổn thương ống dẫn trứng và gây thai ngoài tử cung; có tiền căn thai ngoài tử cung; phẫu thuật trên ống dẫn trứng trước đây; vô sinh; lạc nội mạc tử cung; nạo phá thai; hút thuốc lá...
Y văn thế giới đánh giá mang thai trong ổ bụng là một bệnh lý cấp cứu trong sản khoa, với tỉ lệ tử vong của mẹ khoảng 0,5 - 18%. Trong mọi trường hợp, khi đã phát hiện thai trong ổ bụng cần có biện pháp can thiệp ngay. Nếu không xử lý kịp thời, thai có thể phát triển ngày càng lớn làm khả năng tử vong ở người mẹ tăng cao. Với trường hợp mang thai ngoài ổ bụng, nếu thai chết lưu, người mẹ dễ bị biến chứng rối loạn đông máu.
Trong 3 tháng đầu, các dấu hiệu nhận biết, biểu hiện chung của tình trạng mang thai ngoài tử cung là trễ kinh, thử thai dương tính, đau bụng và ra huyết âm đạo (lượng máu ít, máu bầm đen); ra huyết dai dẳng; tử cung to mềm; cổ tử cung tím mềm, đóng; không thấy bất thường hai ống dẫn trứng; siêu âm không thấy túi thai trong lòng tử cung, cạnh tử cung có khối hỗn hợp kích thước vài milimet trở lên.
Trong 3 tháng giữa trở đi, các dấu hiệu xác định mang thai trong ổ bụng có sự hiện diện rõ ràng: đau bụng, đau tăng khi có cử động thai; nôn ói và ra huyết âm đạo; sờ bụng có thể đụng các phần thai nằm sát da bụng; thai suy dinh dưỡng hay dị dạng; kích thước thai nhỏ hơn tuổi thai. Chụp X-quang không có bóng mờ của tử cung bao quanh thai, bóng hơi của ruột nằm chồng lên các phần thai...
Khi đã chẩn đoán xác định mang thai trong ổ bụng, thai phụ sẽ được chỉ định phẫu thuật ngay tức thì. Lúc này cơ thể người mẹ có nguy cơ không an toàn do việc phát triển không bình thường của thai nhi. Mối nguy cơ trước mắt là việc bong nhau và chảy máu trầm trọng. Tuy nhiên, nếu thai kỳ tiến triển khoảng 22 - 24 tuần trở đi, người mẹ và thai nhi đều khỏe mạnh, có thể theo dõi người mẹ tại bệnh viện với điều kiện có đủ máu cho đến khi thai nhi sống được.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khẳng định cơ hội sống sót của thai nhi trong trường hợp mang thai người tử cung là rất khó. Đối với trường hợp mang thai trong ổ bụng gặp trong 3 tháng cuối, cơ hội sống sót của thai nhi là 10 - 25%, tuy nhiên có 20 - 40% trẻ sống sẽ bị dị dạng, và chỉ có 50% sống sót trong một tuần. Hơn nữa dị dạng thai như: vẹo cột sống, bất xứng khuôn mặt, biến hình chi, đầu dẹt và dị dạng lồng ngực có thể xảy ra ở những trường hợp thiểu ối nặng trong môi trường ngoài tử cung.