Ngay sau khi xuất hiện “bí quyết” chữa vặn mình cho trẻ, rất nhiều bà mẹ bày tỏ sự bất bình, giận dữ. Bác sĩ cũng khẳng định phương pháp này là phản khoa học.
Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền chóng mặt đoạn chia sẻ về cách “trị” chứng vặn mình ở trẻ sơ sinh. Theo đoạn chia sẻ này, sở dĩ trẻ bị vặn mình hay còn gọi là rướn là do trẻ có lông đẹn ở dưới da gây ngứa, khiến trẻ khó chịu, mất ngủ…
“Nuôi con ngán ngẩm nhất là thời gian con vặn mình, ai trải qua mới biết. Nhà mình hết ném dây thừng buộc trâu vào gầm giường, rồi mua ốc gai biển tắm cho con nhưng không hết.
Lông đẹn nó ẩn sâu dưới da nên con ngứa ngáy, khó chịu. Mà con bé thì làm sao biết gãi, chỉ biết vặn mình như sâu đo ấy”, một đoạn chia sẻ trên mạng xã hội.
Những hình ảnh dùng nước cốt chanh và lòng trắng trứng gà để trị lông đẹn cho trẻ sơ sinh được chia sẻ trên mạng xã hội.
Để giải quyết vấn đề lông đẹn ở trẻ, bà mẹ này “hiến kế”, đó là dùng lòng trắng trứng gà, cùng với nước cốt chanh thoa lên khắp người con để đánh lông đẹn cho trẻ. Sau khi lông đẹn nổi lên thì dùng bột mỳ xoa lên tiếp để lấy đi lông đẹn.
Kèm theo những chia sẻ là hình ảnh một cháu bé sơ sinh lưng trần nổi đầy lông đen khiến không ít bà mẹ bỉm sữa tin rằng đây là bí quyết hay và sẵn sàng chia sẻ cho mọi người.
Tuy nhiên, không ít người cũng tỏ vẻ nghi ngờ và cho rằng, cách làm này gây nguy hiểm đến trẻ, vì lòng trắng trứng, nước cốt chanh không chỉ ảnh hưởng đến làn da của trẻ, mà còn làm tăng khả năng nhiễm khuẩn, đặc biệt là khi thoa bột mỳ lên da.
“Da trẻ mỏng manh như vậy mà dùng chanh để chà lên thì con chịu làm sao được. Các mẹ cần phải cân nhắc khi sử dụng phương pháp này”, bạn Thanh Huyền bình luận.
Còn bạn Mai Ngô cho rằng: “Lòng trắng trứng và cả bột mỳ khác gì kiểu trộn xi măng rồi chà lên da trẻ, như vậy da trẻ sẽ bị lột hết lên chứ chẳng phải lông đẹn nữa”.
Trước những ý kiến trái chiều trên, các bác sĩ chuyên khoa nhi khuyến cáo không nên áp dụng phương pháp này, để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”.
Theo BS Trác, phương pháp chia sẻ trên mạng xã hội là phản khoa học.
“Đây là một phương pháp phản khoa học, nhiều năm làm nghề, tôi chưa bao giờ nghe đến phương pháp này”, Ths.BS Lê Minh Trác, Phó giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) khẳng định.
Theo bác sĩ Trác, nếu các bà mẹ áp dụng theo phương pháp này thì rất nguy hiểm, bởi khi dùng hỗn hợp như chia sẻ trên mạng xã hội gồm nước cốt chanh, lòng trắng trứng gà và bột mỳ sẽ khiến trẻ bị nhiễm khuẩn, viêm và sưng tấy.
Nói về hiện tượng vặn mình của trẻ sơ sinh, BS Trác cho rằng đó là hiện tượng tự nhiên hết sức bình thường của trẻ và nó sẽ tự mất đi khi trẻ lớn dần lên, nên các bà mẹ không cần phải lo lắng.
Trong trường hợp trẻ vặn mình liên tục một cách bất thường thì phụ huynh mới cần phải đưa trẻ đi khám. Nguyên nhân của tình trạng này không phải là do lông đẹn, mà đó là biểu hiện của việc thiếu canxi, còi xương. Trong tháng đầu mới sinh, nhu cầu cần canxi của trẻ rất cao để phát triển nhưng sau khi rời bụng mẹ, lượng canxi bị giảm đột ngột khiến trẻ bị thiếu hụt dẫn tới các hiện tượng rướn người, vặn người, gồng đỏ mặt, khóc và hay thức giấc nửa đêm...
Riêng đối với lông đẹn ở trẻ, các chuyên gia cho rằng, đây là hiện tượng bình thường. Bởi lớp lông này xuất hiện trong thai kỳ (khoảng tuần thứ 36-40 của thai kỳ) và thường biến mất khi bé được bốn, năm tháng tuổi.