Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến các trường đại học, sở GD&ĐT về kỳ thi năm 2017. Nhiều trường và địa phương đề nghị, Bộ tách hai kỳ thi: tốt nghiệp giao cho các sở GD&ĐT, tuyển sinh là tự chủ của các trường đại học.
Sau đề xuất được giao quyền tổ chức thi xét tốt nghiệp cho địa phương của TP HCM, nhiều địa phương cũng bày tỏ mong muốn được giao tổ chức thi xét tốt nghiệp THPT quốc gia.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề xuất phương án giao quyền tổ chức thi xét tốt nghiệp cho địa phương. Trong đề xuất gửi bộ, tỉnh Nghệ An cũng đồng tình phương án tách riêng hai kỳ thi, trong đó kỳ thi xét tốt nghiệp bộ nên giao cho sở, kỳ thi tuyển sinh ĐH thì Bộ giao cho các trường ĐH tự chủ. Đáng lưu ý, Sở GD&ĐT Tây Ninh đề xuất trong năm tới địa phương được tổ chức xét tốt nghiệp, không tổ chức thi. Theo lãnh đạo sở này, tỉ lệ tốt nghiệp các địa phương năm nào cũng hơn 90%, việc tổ chức kỳ thi chung mang tính hình thức, gây áp lực cho học sinh lẫn địa phương.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2016 được ghi nhận là khá thành công (các thí sinh tại điểm thi ĐH Bách khoa, Hà Nội ngày 1/7). Ảnh: Như Ý.
TS Hoàng Xuân Hiệp, hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Công nghiệp dệt may Hà Nội cho rằng định hướng chung của các kỳ thi là ngày càng phải nhẹ nhàng, nhất là tuyển sinh ĐH, CĐ. “Muốn làm được điều đó, chức năng nhiệm vụ của ai, cần trả cho người đó, không làm thay. Do đó, nên trả kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các sở GD&ĐT” - ông Hiệp khẳng định. Theo ông Hiệp, phải có giải pháp đi kèm như hệ thống ra đề như thế nào, cơ chế quản lý khâu coi thi, chấm điểm như thế nào để xã hội tin tưởng được.
“Tôi ủng hộ quan điểm giao các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, vẫn cần sự hỗ trợ của Bộ một số khâu như ra đề thi. Vì quá trình ra đề thi cần rất nhiều khâu chặt chẽ, các trường sẽ gặp nhiều bất cập, khó khăn” – Ông Trần Mạnh Dũng, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng nói.
“Bộ nấn ná là không thực hiện luật định”
Nói về đổi mới cho kỳ thi 2017, GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm UBVHGDTTN&NĐ Quốc hội cho biết: Có hai phương án. Nếu quyết liệt, Bộ GD&ĐT có thể quyết ngay trong năm tới giao cho tất cả các sở GD&ĐT tổ chức thi tốt nghiệp THPT, giao cho các trường ĐH tự chủ tuyển sinh. Còn nếu bước đi thận trọng hơn, Bộ có thể giao thí điểm một số địa phương có hoạt động giáo dục mạnh như Hà Nội, TPHCM... Tôi nghĩ là nên giao ngay, nhưng quyền quyết định do Bộ lựa chọn.
“Bộ đang làm bước chuyển tiếp. Nếu làm ngay, Bộ cũng sốc vì đang nắm mọi quyền, giờ tước hết. Do đó, phải từ từ. Còn về mặt thực tế, Bộ có thể đứng ra tổ chức nhưng các trường có quyền tự nguyện tham gia hay không tham gia”. GS. VS Đào Trọng Thi |
Còn Bộ hỗ trợ các tỉnh như thế nào? Các sở GD&ĐT tất nhiên có thể ra đề thi nhưng về lâu dài Bộ nên có một ngân hàng đề thi để các tỉnh sử dụng. Còn ra đề thi là các tỉnh ra riêng phù hợp với địa phương. Họ lựa chọn các câu hỏi trong ngân hàng đó phù hợp với tình hình của địa phương. Do đó, không nhất thiết phải đồng loạt thi tất cả các địa phương. Các trường ĐH tổ chức thi và xét tuyển cũng là việc đã làm từ lâu, có kinh nghiệm. Còn trường nào chưa đủ năng lực ra đề thì có thể nhờ sự hỗ trợ của các trường khác
Theo GS Thi, việc tách hai kỳ thi là điều tất yếu. Còn hiện nay, Bộ GD&ĐT tổ chức một kỳ thi hai mục đích là đang tước quyền tự chủ của các Sở GD&ĐT và các trường ĐH. Bộ đứng ra làm cả hai. Một đơn vị quản lý nhà nước nhưng đi làm việc cụ thể của hai đơn vị: Sở GD&ĐT và trường ĐH. Tôi nghĩ, xét tốt nghiệp phổ thông, về lâu dài cũng không nên giao cho sở vì vẫn là cơ quan quản lý nhà nước, vì vậy, phải giao cho các trường THPT. Còn giao quyền tự chủ cho các trường ĐH là tất yếu, Bộ GD&ĐT cứ nấn ná không giao thì coi như Bộ không thực hiện theo Luật đã quy định.
Sẽ công bố vào đầu năm học mới
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, mặc dù nỗ lực đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được ghi nhận, nhưng đúng là vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Băn khoăn phổ biến nhất là khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khác nhau.
Thứ hai, xã hội băn khoăn rằng trên thực tế chỉ có khoảng 60-70 trường ĐH có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường ĐH, CĐ, vậy có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường?
Thứ ba, nhiều người cũng đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi theo kiểu truyền thống như hiện nay hay chuyển sang phương thức thi hiện đại hơn theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của thí sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin?
Ông Ga cho biết đến thời điểm này, Bộ đã nhận được văn bản của các Sở GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo.
Thống kê sơ bộ thì nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT; trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. “Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới” – Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.