Hai ngày vừa qua, thời tiết khu vực phía Bắc đã giảm sâu, thậm chí có nơi giảm dưới 10 độ. Với sự thay đổi thời tiết đột ngột như vậy, các cháu nhỏ rất dễ nhiễm bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa.
Chỉ tính riêng tại Đơn nguyên Hồi sức Hô hấp tạo Bệnh viện Nhi trung ương, trong ngày đầu tiên của đợt rét này đã tiếp nhận 37 bệnh nhi, trong đó hầu hết là bệnh nhi nặng phải thở máy. Nguyên nhân khiến trẻ nhập viện trong tình trạng nặng đó chính là việc thay đổi thời tiết đột ngột, những trẻ dưới 1 tuổi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ mắc bệnh.
Tình trạng trẻ nhập viện do viêm đường hô hấp gia tăng khi thời tiết chuyển lạnh cũng gia tăng ở một số khoa nhi các bệnh viện như Xanh Pôn, Bạch Mai, Thanh Nhàn… Ths.BS Nguyễn Văn Thường – Trưởng khoa Nhi Tổng hợp, Phó GĐ Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, cơ thể trẻ rất nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết, đặc biệt là những trẻ có tiền sử gia đình mắc các bệnh như viêm mũi dị ứng, hay những trẻ ở vùng thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.
Khi thời tiết chuyển mùa từ nóng sang lạnh, trẻ rất dễ bị mắc các bệnh đường hô hấp và bệnh về da. Do vậy, khi thời tiết thay đổi thì chúng ta phải đề phòng để trẻ không mắc bệnh. Việc đầu tiên đó là khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh thì phải gữi ấm cho trẻ, đi ra đường phải mặc đủ ấm. Phải đi gang tay, đi tất cho trẻ.
Trong phòng ở cũng phải giữ nhiệt độ đủ ấm cho trẻ, không nên để nhiệt độ trong phòng chênh quá cao so với nhiệt độ ngoài trời.
Về chế độ dinh dưỡng, thứ nhất phải cho trẻ uống đủ nước, thứ hai là cho trẻ ăn đủ nhu cầu, đặc biệt là sữa mẹ, vì đây là nguồn thức ăn cung cấp cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng và vi chất cho trẻ. Đối với trẻ ăn dặm cũng cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng theo đúng độ tuổi của trẻ.
Đối với quan niệm nhiều phụ huynh lo ngại thời tiết lạnh không nên tắm cho trẻ vì sợ con bị nhiễm lạnh, viêm phổi. BS Thường cho rằng việc này không tốt, bởi da của trẻ là nơi tiếp xúc với môi trường nhiều nhất, bởi vậy vệ sinh cho trẻ là rất quan trọng để tránh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, trong mùa đông cần phải tắm nước đủ ấm cho trẻ, tắm trong phòng kín và tắm nhanh hơn bình thường.
Một vấn đề nữa cũng được khá nhiều bà mẹ quan tâm, đó chính là trẻ bị tiêu chảy (đi tướt) đặc biệt là trong giai đoạn chuyển mùa, TS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam cho rằng, để trẻ không bị tiêu chảy vấn đề đầu tiên đó chính là phòng bệnh.
Theo TS Từ Ngữ, phòng bệnh ở đây chính là giữ vệ sinh hạn chế sự thâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể trẻ. Ngoài ra, trẻ cần bổ sung các lại dinh dưỡng tăng cường hệ miễn dịch, trong đó chú ý đến hai nhóm vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C, kẽm, selen.. có tác dụng làm tăng cường hệ miễn dịch.
Vấn đề cuối cùng các chuyên gia cảnh báo tới các bậc phụ huynh, đó chính là việc tuyệt đối không dùng than củi để sưởi ấm cho trẻ, nhất là ở trong phòng kín. Đối với các thiết bị sưởi ấm bằng điện thì cũng không nên lạm dụng, vì rất dễ xảy ra tai nạn với trẻ nhỏ.