Bộ Y tế đề xuất giảm mức chi trả bảo hiểm y tế (BHYT) với bệnh nhân khám trái tuyến, thậm chí có thể không thanh toán bảo hiểm .
Đây là nội dung dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế đang được Bộ Y tế xây dựng hoàn tất.
Theo Luật BHYT, với bệnh nhân có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng nơi quy định (là cơ sở đăng kí khám chữa bệnh ban đầu theo đăng kí trong thẻ), mức thanh toán là 100%, 95%, 80% tùy đối tượng. Còn khi khám bệnh, chữa bệnh không đúng nơi đăng ký ban đầu ghi trên thẻ hoặc không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật (trừ trường hợp cấp cứu) có trình thẻ BHYT, người có thẻ BHYT chỉ được quỹ BHYT thanh toán mức 70% chi phí đối với bệnh viện hạng III và chưa xếp hạng; 50% chi phí đối với bệnh viện hạng II; 30% chi phí đối với bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt.
Nhưng với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế đang được Bộ Y tế xây dựng, thì với người khám đúng tuyến, mức chi trả vẫn như quy định theo từng nhóm đối tượng, nhưng có điểm mới là thanh toán 100% chi phí đối với trường hợp số tiền mà người bệnh đã cùng chi trả trong năm lớn hơn 12 tháng lương cơ bản (trừ người khám, chữa vượt tuyến, trái tuyến và sử dụng thuốc ngoài danh mục).
Bên cạnh đó, mức hưởng bảo hiểm y tế đối với người khám, chữa bệnh trái tuyến, vượt tuyến cũng được đề xuất thay đổi.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất 2 phương án để lấy ý kiến. Phương án thứ nhất là quỹ bảo hiểm thanh toán theo tỷ lệ % cả với trường hợp điều trị nội trú và ngoại trú. Trong đó, nới điều trị nội trú, người bệnh sẽ được chi trả các mức 20, 40 và 60% tùy theo xếp hạng bệnh viện (bệnh viện hạng I, II, III, IV đặc biệt hay chưa xếp hạng). Nếu đi khám ngoại trú thì họ sẽ được chi trả ở các mức 10, 20 và 30% chi phí tùy theo xếp hạng bệnh viện.
Phương án thứ 2 là quỹ bảo hiểm chỉ thanh toán theo tỷ lệ % với trường hợp điều trị nội trú. Tỷ lệ tương ứng như phương án 1.
Ví dụ, trong trường hợp người bệnh vượt tuyến đến Bệnh viện Bạch Mai khám - bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ để khám chữa bệnh ngoại trú thì họ sẽ chỉ được quỹ bảo hiểm chi trả 10% mức phí nếu được. Nếu điều trị ngoại trú tại đây, họ cũng sẽ chỉ được quỹ bảo hiểm chi trả 20%.
Mức hưởng bảo hiểm y tế này thấp hơn so với mức hiện nay người bệnh được hưởng nếu đi khám không đúng tuyến. Cụ thể, hiện nay khi đi khám, chữa trái tuyến, người bệnh sẽ được chi trả với các mức 30, 50 và 70% chi phí tùy theo loại bệnh viện.
Luật bảo hiểm y tế chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009. Khi đó, quy định khi đi khám, chữa trái tuyến người bệnh vẫn được quỹ bảo hiểm thanh toán là một quy định mở nhằm đảm bảo quyền lợi của người có thẻ. Tuy nhiên, điều đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc người dân vượt tuyến, gây nên tình trạng quá tải ảo ở nhiều bệnh viện tuyến trên.
Ngoài ra, dự thảo này cũng đề xuất nâng mức đóng bảo hiểm lên 6% lương cơ bản thay vì 4,5% như hiện nay.