Người ta vẫn ví xã Lũng Vân, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình là thung lũng của sự trường thọ. Nơi này có những người già sống qua 3 thế kỷ.
Bí quyết sống trường thọ của họ là sự thanh thản trong tâm hồn và đi bộ hàng ngày đến nương rẫy làm việc. Những người cao niên ở nơi đây còn cho biết thêm,họ thường uống nước lá cây rừng và không bao giờ ăn gan động vật.
1 làng 70 người trên 80 tuổi
Ông Đinh Văn Dứng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lũng Vân chia sẻ: Xã Lũng Vân có đến 70 người trên 80 tuổi, trong đó gần 20 người trên 100 tuổi. Đây là số liệu cũ, bây giờ chắc chắn còn nhiều cụ hơn 90 tuổi . Người thọ nhất là cụ Đinh Thị Huệ, sinh năm 1897. Nhưng cụ đã mất vào năm 2011 rồi, trước đây cũng có 2 cụ ở xóm Chiềng mất lúc 112 tuổi.
Chúng tôi đến gia đình cụ Hà Thị Mỉ (xóm Bục, Lũng Vân) năm nay cụ Mỉ vừa bước qua tuổi 100. Nhà cụ Mỉ nằm xum xúp bên sườn núi. Hơn 100 tuổi nhưng đôi mắt cụ vẫn sáng và tinh tường. Vừa tiếp khách cụ vừa khâu vá chiếc khăn bên bậu cửa. Người cháu đích tôn của cụ Mỉ năm nay đã hơn 40 tuổi vừa pha trà vừa kể: “Đây là chè của cụ tự lên rừng hái. Đã hơn 100 tuổi nhưng thỉnh thoảng cụ vẫn lên rừng hái chè rồi tự xao. Mà cây chè là những cây cổ thụ vài trăm năm, phải trèo lên mới hái được đấy”.
Xã Lũng Vân được coi là làng của những người trường thọ ở Hòa Bình
Anh Bùi Văn Thắng, bí thư đoàn xã Lũng Vân dẫn chúng tôi lên gặp cụ Hà Thị Xuẩm (sinh năm 1914). Bên ánh lửa bập bùng, cụ đang hì hụi chuẩn bị bữa cơm chiều cho cả nhà. Cụ Xuẩn nói giọng vẫn hào sảng: “Mọi người đi lên nương làm việc, tra ngô tôi không lên nương nữa nhưng vẫn có thể phụ giúp con cháu những việc cơm nước, cho lợn gà ăn. Ngày nào không làm việc là cảm thấy bứt rứt ngày đó, cứ phải động tay chân vào 1,2 việc mới thấy dễ chịu và nhẹ nhõm trong người”.
Con dâu cụ kể: “Mế tôi ham làm lắm, đã 100 tuổi rồi mà cứ đòi lên rẫy làm cùng con cháu. Sáng sáng, mế lọ mọ dậy sớm nhất nhà để chuẩn bị cơm cho con cháu. Hàng ngày chẳng khi nào cụ ngồi yên, nấu cơm xong lại nấu cám, băm bèo cho lợn”.
Cụ Xuẩn bảo, không làm là tối không sao ngủ được, đau cái lưng, mỏi cái chân. Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng rất hiếm khi cụ phải dùng thuốc tây. Duy nhất có 1 lần phải uống thuốc tây đã cách đây 30 năm, ngày cụ bị đau dạ dày.
Bí quyết trường thọ: không ăn gan động vật
Hỏi những cụ cao tuổi trong làng bí quyết để các cụ trẻ khỏe và sống lâu, ai cũng trả lời rằngsống thanh thản, lao động nhẹ nhàng hàng ngày và không bao giờ ăn gan động vật.
Người già xã Lũng Vân thường tìm các vị thuốc từ lá cây trong rừng để phơi khô rồi pha nước uống. Cụ Xuẩn cho biết: Những loại thuốc lá này rất tốt cho sức khỏe. Mùa nào cũng có thể dùng và thích hợp. Những ngày hè nóng bức, thuốc lá sẽ giúp hạ nhiệt nhanh, thải khí độc trong người và mùa đông giữ ấm. Hơn nữa, đây là vùng núi dường như có cuộc sống tách biệt với ô nhiễm môi trường, khí thải nên không khí nơi đây trong lành dễ chịu.
Cụ Hà Thị Mí sống hơn 100 tuổi, ở cái tuổi mà nhiều người phải sống bằng thuốc, dựa vào thuốc thì cụ chưa từng dùng 1 viên thuốc từ ngày sinh ra. Cụ kể: “Cả đời bà chưa bao giờ uống thuốc tây cả. Ốm đau cũng hiếm khi lắm, chắc ông giời cũng thương nên không bắt ốm. Nếu ốm thì lấy sức đâu mà nuôi con? Bà nhớ, cách đây cũng 30 năm rồi. Hồi đó bà bị trượt dốc ngã gãy tay, thế mà về nhà bó lá rồi cũng khỏi, chẳng phải lên trạm xá hay đi viện gì cả”.
Cụ Mí đã hơn 100 tuổi. Bí quyết của cụ là lao động nhẹ nhàng hàng ngày và sống thanh thản
Ông Hà Văn Tơ, Chủ tịch UBND xã Lũng Vân cho biết: "Ở xã Lũng Vân tính đến này có gần 20 người đã sống qua 3 thế kỷ. Nếu dành một ngày để đi thăm các cụ thì không thể hết vì các bản nằm biệt lập với nhau. Có nhiều đoàn về thăm xã và hỏi bí quyết để các cụ sống lâu nhưng thực ra chỉ có duy nhất bí quyết là được sống giữa núi đồi và thiên nhiên không ô nhiễm. Các cụ sống một cuộc đời thanh thản, ít lo toan. Các cụ vẫn nhẹ nhàng lao động hàng ngày, đi rừng và uống thuốc cây rừng để “trường thọ”.