Sau khi TP. Hà Nội áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, các chợ đã lần lượt áp dụng nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn phòng ngừa dịch bệnh.
Mua bán qua dây chắn, kẻ vạch đứng cách nhau 2 mét
Chợ Thanh Hà nằm ở phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) kéo dài từ ngõ Thanh Hà đến hết phố Nguyễn Thiện Thuật. Đây là một trong những chợ lâu đời bậc nhất tại phố cổ Hà Nội. Kể từ khi Hà Nội thực hiện cách ly xã hội, tại đây luôn có lực lượng công an, dân phòng chốt trực các cửa ra vào.
Khách vào chợ được đo thân nhiệt, khử khuẩn. Đặc biệt, để đảm bảo giãn cách, UBND phường Đồng Xuân đã tiến hành in kẻ vạch để hạn chế tiếp xúc giữa khách hàng và người bán. Lực lượng chức năng liên tục nhắc nhở mọi người đứng đúng ô đánh dấu khi mua bán hàng hóa. Có cửa hàng căng dây để khách hàng không tiến sát vào bên trong như ngày thường.
Khách hàng vào chợ phải đeo khẩu trang, việc mua bán đảm bảo khoảng cách 2m. Ảnh: Gia Khiêm/Dân Việt
Chia sẻ với PV Dân Việt, bà Lê Thị Hoà (57 tuổi), tiểu thương chợ Thanh Hà cho biết, trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội xuất hiện nhiều ca bệnh, việc kẻ vạch bán hàng giãn khoảng cách là việc làm rất cần thiết.
Khoảng cách này cũng được đảm bảo giữa các gian hàng với nhau. Ảnh: Gia Khiêm/Dân Việt
"Tại chợ đa phần đều bán các mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, hàng tạp hoá, thực phẩm… UBND phường đã kẻ vạch giãn cách và nhắc nhở mọi người buôn bán và đảm bảo khoảng cách. Cửa hàng tôi nhắc nhở nếu khách không đứng giãn khoảng cách 2m sẽ không bán hàng", bà Hoà chia sẻ.
Theo bà Hoà, tại chợ luôn đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Nhiều người tuân thủ theo chỉ thị giãn cách xã hội của thành phố nên mua nhiều hơn những ngày thường để hạn chế việc đi lại, yên tâm ở nhà phòng chống dịch.
Có cửa hàng từ chối phục vụ bán hàng nếu khách không thực hiện giãn cách. Ảnh: Gia Khiêm/Dân Việt
Treo biển trước cửa "Yêu cầu quý khách đeo khẩu trang và đứng giãn cách khi mua hàng, nếu không, cửa hàng miễn phục vụ", bà Lan cho biết, khách hàng đến mua cửa hàng bà đều nhắc nhở giữ khoảng cách.
"Việc mua bán diễn ra rất nhanh nhẹn, khẩn trương. Khách đứng ngoài vạch kẻ chỉ nói mua gì chúng tôi sẽ phục vụ. Nhiều người muốn nâng lên đặt xuống, chọn cái này cái kia, chúng tôi sẵn sàng nhiệt tình, miễn là chấp hành đúng khuyến cáo giãn cách xã hội. Lực lượng công an phường đứng bên ngoài cũng thường xuyên nhắc nhở nên mọi người thực hiện rất quy củ", bà Lan nói.
Chị Lê Thuỳ Anh (43 tuổi) cho biết, thường ngày chị tới đây mua đồ ăn, hàng tạp hoá. Chợ căng dây làm dải phân cách, kẻ vạch đứng giãn cách, chị thấy rất hay và cần thiết.
"Chợ hàng ngày có nhiều người lui đến. Chính vì vậy việc khi có dải phân cách thế này, cùng với ý thức giãn cách xã hội của người dân tôi thấy yên tâm hơn. Ai nấy đều ủng hộ cách làm này của UBND phường, bảo nhau chấp hành nghiêm để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và toàn xã hội", chị Thuỳ Anh chia sẻ.
Ngay các lối ra vào cổng chợ có thông báo cụ thể cho người dân. Ảnh: Gia Khiêm/Dân Việt
Đại diện Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 phường Đồng Xuân cho biết, sáng 24/7, khi Hà Nội thực hiện theo chỉ thị 16 về việc giãn cách toàn xã hội, đơn vị đã triển khai nhiều phương án phòng chống dịch.
Người dân không được đi xe máy vào chợ. Bên ngoài các cửa đều có khu vực để xe máy. Khách vào trong chợ đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi mua bán.
"Chúng tôi yêu cầu người mua và người bán đứng đúng ô đã kẻ được thực hiện để đảm bảo an toàn. Đa số người dân đồng tỉnh ủng hộ cách làm này, những người mua hàng đến cũng rất vui vẻ chấp hành vì họ hiểu đây là phương pháp giúp họ bảo vệ sức khỏe của chính mình", vị này nói.
(Theo Dân Việt)
>> Xem thêm: Clip “Thiên đường mua sắm” của sinh viên Hà Nội giờ ra sao?
(Nguồn: Người Lao Động)
Chợ dân sinh quây nilon phòng dịch, tiểu thương chia ca theo ngày chẵn lẻ
Chợ Bách Khoa tại phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã quây các tấm chắn nilon, chia ca cho các tiểu thương bán hàng để phòng dịch COVID-19.
Ngày 25/7, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, sau khi Hà Nội ra Công điện số 16 ngày 21/7 về phòng chống dịch COVID-19, chính quyền đã vận động, tuyên truyền tiểu thương của chợ chủ động lắp những tấm chắn bằng nilon, đảm bảo an toàn cho người bán cũng như người mua thực phẩm.
Chợ dân sinh phường Bách Khoa (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã được chính quyền địa phương vận động quây các tấm nilon để đảm bảo phòng dịch COVID-19. Có lớp chắn nilon bảo vệ nên giữa khách và người bán hàng cảm thấy an tâm hơn.
Theo ông Khang, sau khi tuyên truyền, các tiểu thương ở chợ đã chủ động tự bỏ kinh phí để lắp các tấm chắn. Để đảm bảo không tập trung đông người, UBND phường Bách Khoa đã phân lịch cho các tiểu thương kinh doanh luân phiên theo ngày chẵn, lẻ.
Ông Khang cho biết thêm, chợ có khoảng 150 quầy bán hàng, khi áp dụng chia lịch thì chỉ còn khoảng 70 quầy bán hàng mỗi ngày. Những quầy hàng không cấp thiết, chính quyền yêu cầu tạm nghỉ kinh doanh, chờ đến khi có thông báo mới.
Chính quyền địa phương áp dụng chia lịch bán hàng theo ngày chẵn, lẻ cho các tiểu thương.
“Đến khi UBND TP.Hà Nội ra Chỉ thị số 17 ngày 23/7, chúng tôi cho lắp hệ thống rào chắn trong đường đi ở khuôn viên chợ và yêu cầu người dân gửi xe bên ngoài, chỉ đi bộ vào chợ để tránh tập trung đông người. Hệ thống biển cảnh báo phòng dịch theo hướng dẫn Bộ Y tế cùng các công tác phòng dịch khác được thực hiện nghiêm ngặt tại chợ dân sinh”, ông Khang nói.
(Theo Dân Việt)
Giá cả tại chợ: Có nơi tiểu thương đẩy giá 100.000 đồng/kg cá, 90.000 đồng/quả bí
Ngày 24/7, TP. Hà Nội thực hiện giãn cách trong vòng 15 ngày. Theo thông báo, người dân không có việc cần thiết thì không ra khỏi nhà. Thành phố đảm bảo đủ thực phẩm cho người dân trong giai đoạn giãn cách chống dịch.
Ngay từ sáng sớm, người dân sau khi biết tin Hà Nội thực hiện giãn cách thì đã nhao ra chợ để mua tích trữ thực phẩm. Đây cũng là lí do khiến giá thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ tạm bị đẩy lên cao.
Chị Phương, một tiểu thương bán cá ở chợ tạm trong phố Kim Hoa, Hà Nội đến 9h sáng đã nhập thêm một chậu cá thứ 2 để bán. Thường ngày, chị bán 1 chậu cá cũng phải đến trưa mới hết hàng. Giá cá chị bán ra cũng leo thang từng giờ. Đầu giờ sáng, cá trắm được bán với giá 70.000 đồng/kg thì một lúc sau, chị đã đẩy giá lên100.000 đồng/kg, mà còn liên tục giục khách: "Mua nhanh đi, mai chính quyền cấm họp chợ, không có cá mà ăn đâu".
Tương tự, bí xanh hôm nay được bán với giá 30.000 đồng/kg, một quả bí giao động từ 70 – 90.000 đồng/quả. Giá trứng gà tăng từ 35.000 đồng/chục lên 40.000 đồng/chục. Giá rau muống dao động 20.000-25.000 đồng/kg.
Bà Thu (phố Kim Hoa, Hà Nội) nói: "Biết là thực phẩm mua hôm nay sẽ tăng giá nhưng không mua ở chợ này thì phải đi xe ra tận siêu thị mua, cũng mất công lắm. Tôi mua ở chợ gần nhà quen rồi nên dù đắt cũng mua cho tiện".
Theo quan sát, đây là khu chợ tạm tại khu vực phố Kim Hoa, Hà Nội. Ngay từ đầu giờ sáng, lực lượng chức năng của phường đã liên tục ra quân nhắc nhở người dân mua bán thực phẩm phải giữ khoảng cách 2m và thực hiện 5K. Một số cửa hàng bán đồ không thiết yếu như vàng mã, hoa… được yêu cầu đóng cửa.
Không chỉ riêng khu chợ này, sáng cùng ngày, một số chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố đã được yêu cầu dừng hoạt động. Mặc cho biển cấm họp chợ xuất hiện cùng lời vận động của chính quyền địa phương, các tiểu thương và người dân vẫn tụ tập đông đúc tại các quầy hàng, không đảm bảo yêu cầu giãn cách phòng chống dịch.
Tại các cửa hàng tiện ích nằm trong khu dân cư, tình trạng hết thực phẩm diễn ra tuỳ thời điểm nhưng giá cả vẫn ổn định như thường ngày.
Một cửa hàng Vinmart+ trên phố Xã Đàn, Hà Nội, vào lúc 11 h trưa, tủ đựng thịt mát, hải sản, hay giá đựng rau đã hết sạch. Nhân viên cửa hàng cho biết, phải vài tiếng nữa cửa hàng mới cập nhật thêm thực phẩm được.
Cửa hàng tiện ích nằm trên phố Xã Đàn ghi nhận đông khách mua sắm lúc 9h sáng ngày 27/4.
Chị Linh (30 tuổi) đang tìm kiếm ít thực phẩm còn lại của cửa hàng tiện ích cho biết: "Vì hôm nay là cuối tuần, tôi có dậy muộn hơn so với thường ngày. Giờ đi mua thực phẩm thấy các giá đều hết thế này nên cũng hơi hoang mang. Tôi không kiếm được mớ ra nào, đành mua ít nấm".
Cũng giống như các cửa hàng tiện ích, lượng người đến mua sắm thực phẩm tại các trung tâm thương mại, siêu thị trong ngày hôm nay cũng tăng đáng kể. Tuy vậy, nơi đây không xảy ra tình trạng cháy hàng.
Theo quan sát của phóng viên, tại một siêu thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, các quầy làm thủ tục thanh toán khá đông. Trung bình khoảng 4-5 lượt khách xếp hàng chờ tính tiền cho mỗi quầy.
Người dân chủ yếu chọn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như gạo, mì, thịt, cá, đồ đông lạnh, rau củ quả... Tại các gian trưng bày rau, lượt khách ra vào thường xuyên với số lượng mua khoảng 4 đến 5 bó rau/người. Gian hàng thịt cá khá đông. Mỗi người mua từ 5 đến 6 gói đóng sẵn khiến kệ rỗng nhanh. Nhưng chỉ ít phút sau, các nhân viên siêu thị kịp thời bổ sung hàng. Tuyệt nhiên không có tình trạng người dân mua nhiều thực phẩm để tích trữ.
Tại một siêu thị trên địa bàn quận Hai Bà Trưng hàng hoá đầy ắp, giá cả ổn định.
Chị Thanh Thuý (Hồng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi cảm thấy việc tích trữ là không cần thiết. Tôi chỉ mua lượng thực phẩm vừa đủ cho mỗi ngày".
Ngày 23/7, Sở Công Thương Hà Nội cho biết trước diễn biến tình hình dịch Covid-19 còn nhiều phức tạp, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ 17 mặt hàng thiết yếu từ 30-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường. Tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp sẽ bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn.
(Theo Phụ nữ Việt Nam)