Điện thoại vẫn tràn vào phòng thi

Ngày 04/07/2015 08:54 AM (GMT+7)

Các nhà giáo cho rằng thí sinh chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của hành vi mang điện thoại vào phòng thi.

Số trường hợp thí sinh (TS) vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi trong ba ngày qua tiếp tục tăng lên. Trong đó vi phạm do mang điện thoại vào phòng thi là khá phổ biến.

Những trường hợp “đáng tiếc”

Trong số các TS bị đình chỉ có nhiều TS để điện thoại chế độ tắt, có em nộp bài xong rồi mới dùng điện thoại gọi người nhà báo kết quả vui, có em đang thi thì bỗng điện thoại reng…

Ngày 3-7, tại cụm thi Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM có một TS bị đình chỉ do mang điện thoại vào phòng thi. Trong lúc TS này làm bài thi, bất ngờ chuông điện thoại reo vang. Giám thị lập biên bản đình chỉ thi ngay đối với TS này. Một ngày trước, tại điểm thi Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng), một TS nữ rời phòng thi trong nước mắt. “Em làm bài xong rồi, chuẩn bị nộp, lấy điện thoại ra coi giờ và bị giám thị lập biên bản” - TS này nói.

Tại điểm thi Trường ĐH Thành Đô (Hoài Đức, Hà Nội), sau khi phát đề thi, cán bộ coi thi phát hiện trong túi quần của một nam sinh này có vật nghi là điện thoại nên yêu cầu lấy ra. Dù đang để ở chế độ tắt máy nhưng TS này vẫn bị đình chỉ thi. Ở điểm thi Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, TS Thái Công Lập (dự thi tại phòng 316) bị đình chỉ thi do điện thoại rung và rơi xuống nền nhà.

Điện thoại vẫn tràn vào phòng thi - 1

Các thí sinh vui vẻ sau khi hoàn thành bài thi. Ảnh: HTD

Sợ mất điện thoại?

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao vẫn có nhiều TS mang điện thoại vào phòng thi, PGS-TS Lê Minh Thái, Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự (Hà Nội), cho biết: “Chúng tôi hỏi các em vì sao vẫn mang điện thoại vào phòng thi dù đã phổ biến quy chế, trước mỗi buổi thi cũng nhắc nhở, có em cho biết vì điện thoại đắt tiền sợ mất, cũng có em trả lời do quên”.

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, ủy viên thường trực cụm thi do Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM chủ trì, nhận xét có nhiều TS mang điện thoại vào phòng thi không vì mục đích quay cóp tài liệu, gian lận thi cử. “Trong quá trình lập biên bản đình chỉ thi, các em tỏ ra rất lo lắng, hối hận. Các em giải thích là sợ bị mất điện thoại nên tắt nguồn bỏ vào túi cho yên tâm. Hoặc do lơ đãng, đến khi giám thị nhắc thì ngại ngần không dám đưa ra” - ông Thanh cho biết.

Tiến sĩ Thanh cho rằng để hạn chế tình trạng TS bị đình chỉ thi, ban chỉ đạo cụm thi đã yêu cầu giám thị vừa tăng cường nhắc nhở trước khi làm thủ tục vào phòng thi. Ngoài ra còn lưu ý giám thị quan sát TS nào túi quần, túi áo cộm cộm thì tiếp cận nhắc nhở riêng để TS tự giác bỏ điện thoại ngoài phòng thi.

PGS-TS Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính trị và công tác sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng: “Cái chính là các em không nhận thức rõ được mức độ tác hại của nó. Ngay trường thi chúng tôi, mỗi khu vực đều bố trí chỗ trông giữ điện thoại, tại sao các em khác gửi điện thoại bên ngoài nhưng có em thì cứ cầm vào?”.

Để nhận ngay ĐÁP ÁN ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT QG năm 2015, soạn tin:
DATN <MÔNTHI> <MÃĐỀ> gửi 8702
VD: Thí sinh thi môn Lịch sử soạn tin:
DATN SU gửi 8702
Xem chi tiết Bấm đây

Phải thực hiện theo quy chế

Chúng tôi rất thông cảm với những trường hợp vi phạm đáng tiếc vừa qua. Tuy nhiên, đó là dưới góc độ xã hội, còn theo quy chế thì rõ ràng TS đó đã vi phạm. Dù TS mang điện thoại vào phòng thi với những mục đích khác nhau nhưng việc các giám thị lập biên bản và đình chỉ thi đối với những TS là đã làm đúng theo quy chế. Quy chế thi đã được đưa ra thì tất cả TS đều phải thực hiện.

Ông NGUYỄN HUY BẰNG, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT

571 TS bị xử lý kỷ luật sau ba ngày thi, trong đó 510 TS bị đình chỉ thi. Đa phần TS bị đình chỉ thi là mắc lỗi mang điện thoại di động và tài liệu vào phòng thi.

Riêng ngày 3-7, báo cáo nhanh từ Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia cho biết có 188 TS vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật. Trong đó, khiển trách 14 TS, cảnh cáo bảy TS, đình chỉ 167 TS.

H.HÀ

Bị đình chỉ thi, 18 TS “quậy” đòi được thi tiếp. Sáng 3-7, tại điểm thi Trường THCS Bình Tân (quận Bình Tân, TP.HCM), 18 TS đã yêu cầu giám thị cho vào thi môn địa dù trước đó đã bị đình chỉ thi môn văn vì mang tài liệu. Giám thị giải thích theo quy chế các TS này không được dự thi ở các môn tiếp theo nhưng các TS vẫn yêu cầu cho vào phòng thi. Đại diện Ban Chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia cho biết đã phối hợp cơ quan chức năng xử lý vụ việc, đồng thời sẽ tăng cường an ninh tại các điểm thi. P.ĐIỀN

Bị tai nạn, nén đau đến thi. Tại cụm thi do Trường ĐH Tôn Đức Thắng chủ trì, sáng 3-7, một TS (ở quận Gò Vấp) được chị đưa đi thi thì bị tai nạn giao thông gây chấn thương chân nặng. TS này nén đau đến điểm thi lúc 9 giờ 30 sáng nhưng điểm thi quyết định đưa em đi cấp cứu, đành phải bỏ thi môn địa. ThS Trịnh Minh Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết hiện TS được đưa về ký túc xá của trường nghỉ ngơi để thi môn hóa buổi chiều. PĐ

Địa lý: Đề dễ, theo khuôn mẫu

Ông Đoàn Nhật Quang (giáo viên địa lý Trường THPT Marie Curie, TP.HCM) nhận định đề thi bám sát chương trình sách giáo khoa, chủ yếu là lớp 12. Nội dung đề phân bổ đều bốn nội dung của chương trình học gồm: Tự nhiên, dân cư, địa lý ngành và địa lý vùng. Đề thi rất dễ, không đòi học sinh học thuộc lòng nhiều. Những em trung bình, thậm chí yếu cũng có thể nắm chắc trong tay 5 điểm. Tuy đề dễ nhưng không có điểm nhấn, chưa có sự đổi mới mang tính đột phá, chỉ ra theo khuôn mẫu và an toàn. Tính phân loại của đề chưa cao, chưa kích thích tư duy và giáo dục ý thức cho các em. Ngay cả có chủ đề biển, đảo cũng vậy, nhiều người có thể cho là hay nhưng nó đã quá quen thuộc với các em và đã được các em chuẩn bị tốt. Vì thế, điểm của các em sẽ khá cao, 7-8 điểm sẽ rất nhiều.

Hóa học: “Khó nuốt”

Cô Hà Thị Kim Liên (giáo viên dạy hóa học Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM) cho rằng đề hóa năm nay rất “khó nuốt”, ngay cả với những em chuyên hóa. Trong đề có 30 câu đầu thuộc dạng tương đối dễ, dành cho những học sinh (HS) chỉ thi môn hóa để xét tốt nghiệp. Từ câu 31 trở đi sẽ tăng dần độ khó để phân loại HS, đòi hỏi HS động não nhiều hơn. Trong đó có 10 câu thuộc loại rất khó thuộc kiến thức lớp 12, yêu cầu HS phải nắm thật chắc môn này thì mới suy nghĩ ra cách làm.

Theo cô Liên, đề hóa khó hơn đề minh họa của Bộ GD&ĐT vừa rồi và khó hơn cả để thi ĐH những năm trước, nặng lý thuyết và công thức. Với đề này, HS trung bình làm được khoảng 4 điểm, mức điểm phổ biến nhất sẽ là 5-6 điểm. Các em phải giỏi, ôn tập sâu mới có thể đạt 8 điểm trở lên. 9 điểm trở lên sẽ rất hiếm.

“Với cách ra đề này dễ làm HS hoang mang. Những năm tới HS chọn thi môn hóa sẽ ngày càng ít” - cô Liên nói.

P.ANH ghi

Theo Huy Hà - Phong Điền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan