Tháng 7 cô hồn đã đến, ngày rằm cũng đã cận kề nhưng từ trước đó nhiều gia đình đã đi tìm và lựa chọn những đồ hàng mã để phục vụ cúng cho người quá cố.
Với quan niệm "trần sao âm vậy", từ lâu trong những ngày giỗ Tết, đặc biệt là tháng 7 âm lịch, hay còn gọi là tháng cô hồn, những người trên dương thế sẽ đốt nhiều vàng mã cho người đã khuất. Nếu như trước kia, vàng mã được đốt chỉ có tiền vàng, quần áo thì hiện nay, rất đồ mã mang thương hiệu nổi tiếng, đắt tiền cũng được hóa cho người ở thế giới bên kia.
Cũng chính vì lý do đó nên dù chưa tới tháng cô hồn, nhiều cơ sở sản xuất vàng mã và các đại lý kinh doanh mặt hàng này đã tranh thủ mọi thời gian để “kiếm ăn”. Tại làng nghề Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội) ngay từ cổng làng đi vào, dọc 2 bên đường là những đồ vàng mã từ thô sơ, đến hoàn thiện xếp thành hàng dài.
Làng Phúc Am những ngày này đồ mã bày la liệt từ đầu làng, cho đến các ngõ nhỏ.
Anh Hùng (Phúc Am, Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội) cho biết, vài năm trở lại đây đồ hàng mã được sản xuất theo thị hiếu người dùng, tức là trên trần có gì thì đốt cho cõi âm cái đó, vì thế ngoài mặt hàng truyền thống, nhiều cơ sở còn sản xuất nhà lầu, xe sang hay thời dịch thì có cả "vắc xin COVID-19"…
Theo thị hiếu khách hàng năm nay, nhiều gia đình không mua đại trà các mặt hàng đó mà họ đặt làm riêng, coi đó như những món hàng hiệu dành cho người thân đã mất. “Mặt hàng đặt riêng chắc chắn phải khác so với hàng đại trà, bình dân. Từ nan để làm kết cấu lên ngôi nhà, chiếc xe… hay giấy dán cũng phải dùng những loại đắt tiền. Khi hoàn thiện, so sánh hai mặt hàng khác nhau hoàn toàn về chất lượng, với những người đặt hàng hiệu họ cũng không tiếc tiền dù giá cao hơn gấp 10-20 lần”, anh Hùng cho biết.
Một số đồ vàng mã được thiết kế như hàng hiệu thật, được bán với giá đắt đỏ, thậm chí phải đặt trước mới có hàng đẹp.
Còn tại đại lý hàng mã Giang Huyền – một trong những đại lý bán buôn lớn nhất ở cả huyện Thường Tín cho biết, sức mua đồ hàng mã năm nay kém hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, các mặt hàng vẫn rất đa dạng, từ đồ dân dụng đến những tài sản đắt tiền, từ đồ bình dân đến đồ cao cấp đều có cả.
“Mọi năm thời điểm từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 âm lịch, chúng tôi làm việc không có thời gian nghỉ trưa, tăng cường nhân lực để làm. Còn năm nay, tháng cô hồn đã đến nhưng số người mua giảm rõ rệt”, anh Giang cho hay.
Anh Giang cho biết, năm nay số người mua vàng mã ít hơn so với mọi năm do ảnh hưởng của kinh tế thị trường.
Người dân đến trực tiếp mua không nhiều, đa số là các cửa hàng, đại lý đến mua về bán lẻ.
Theo chủ đại lý này, sở dĩ hàng mã ế ẩm là do kinh tế khó khăn, người dân mua sắm ít. Hơn nữa, do nhiều người lao động mất việc, họ về quê đi bán hàng rong nhiều và tranh thủ đạp xe đến tận các ngõ ngách để bán hàng mã, nên những đại lý, cửa hàng sức mua sẽ giảm.
Đối với các mặt hàng cao cấp, anh Giang cho biết cửa hàng anh cũng nhập đủ, ví dụ như các mặt hàng điện thoại đời mới nhất, hay thậm chí cả những độ đồ trang điểm với các thương hiệu nổi tiếng cũng khá hút người mua. “Với quan điểm "trần sao âm vậy", hơn nữa nhiều người có tư tưởng hiện đại, nghĩ rằng trên trần mình có gì dưới cõi âm cũng phải có cái đó, vì thế nếu những mặt hàng đó không có bán đại trà, họ sẵn sàng đặt hàng để có đồ đốt cho người đã khuất. Bên cạnh đó, không ít người vì kinh tế eo hẹp, họ quay về cúng đồ truyền thống với quan niệm “cốt ở lòng thành””, anh Giang cho hay.
Một số mặt hàng bán online có giá từ vài trăm, lên đến hàng triệu đồng. Ảnh: Chụp màn hình.
Không chỉ tại các làng nghề, chợ cóc, thị trường hàng mã trên mạng online cũng nhột nhịp không kém. Theo đó, những mặt hàng được săn đón nhiều nhất đó là hàng hiệu đắt tiền như ô tô, biệt thự hay điều hòa, trang sức… Cả người bán và người mua đều cho rằng, những mặt hàng như tiền vàng, quần áo thì chỉ cần ra đầu ngõ là mua được, còn những đồ cao cấp do nhập vào đắt tiền nên cửa hàng nhỏ không bán và đó là cơ hội để kinh doanh online, được biết mỗi mặt hàng này có giá dao động từ 100.00-500.000 đồng/sản phẩm. Thậm chí, một combo vàng mã đầy đủ để cúng rằm có giá từ 1.500.000-4.000.000 đồng.
Liên quan đến việc đốt vàng mã trong tháng cô hồn, Đại đức Thích Trí Thịnh – Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Phó ban trị sự GHPGVN tỉnh Hòa Bình cho rằng, theo giáo lý của đức phật, cũng như chỉ đạo của TW giáo hội phật giáo Việt Nam thì việc đốt vàng mã không có ý nghĩa với người đã khuất, mà đây chỉ là sự lãng phí tiền bạc.
Đại đức Thích Trí Thịnh cho rằng, thay vì bỏ tiền mua vàng mã, mọi người hãy dùng số tiền đó vào những việc ý nghĩa hơn.
Đại đức Trí Thịnh cho rằng, thời gian qua khi được tuyên truyền, tình trạng đốt vàng mã đã giảm ở các gia đình, dòng tộc nhưng vẫn còn một bộ phận đốt và đốt rất nhiều vì quan niệm “trần sao âm vậy” đã ăn sâu vào tiềm thức của họ.
“Theo giáo lý nhà phật thì đốt vàng mã là không đúng chính pháp, là lãng phí. Thay vì mua vàng mã đốt các gia đình hãy dùng tiền đó giúp đỡ người khó khăn, giúp đỡ học sinh nghèo vượt khó sẽ ý nghĩa hơn nhiều, vừa tốt đời, đẹp đạo lại tạo được công đức cho cả người sống và người đã khuất”, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Đại đức Trí Thịnh cũng cho rằng, khi cúng tổ tiên hay đi lễ Phật, mọi người luôn cầu mong cho vong linh được siêu thoát, nhưng vẫn đốt vàng mã là phi lý. Bởi khi vong linh đã được siêu thoát, đầu thai thì khi trần thế đốt vàng mã, họ sẽ không nhận được, vì thế mọi người hãy thay đổi nhận thức, dần dần từ bỏ thói quen gây lãng phí này.