Đội MBH giả bị phạt: Thế nào là giả?

Ngày 02/03/2013 21:54 PM (GMT+7)

Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành quy chuẩn về chất lượng mũ bảo hiểm từ năm 2008. Nhưng người sử dụng vẫn băn khoăn, mũ bảo hiểm như thế nào mới được coi là đảm bảo chất lượng?

Mới đây, một số thông tin cho rằng từ ngày 15/4 tới, hành vi đội mũ bảo hiểm giả có thể bị xử phạt như không đội mũ bảo hiểm. Đây được cho là một nội dung trong chiến dịch chấn chỉnh việc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với một số bộ ngành triển khai thời gian tới.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia về vấn đề này.

Xin ông cho biết, xuất phát từ đâu mà Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cùng các ban ngành triển khai chiến dịch này?


Xuất phát từ tình trạng người chết vì TNGT trong 2 tháng đầu năm tăng cao, chủ yếu đối với người điều khiển xe mô tô, gắn máy. Trong đó chủ yếu là do lỗi uống rượu bia, phóng nhanh, vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm... Đặc biệt, tại các vùng nông thôn, tình trạng thanh niên không đội mũ bảo hiểm diễn ra rất phổ biến. Ở thành thị, rất nhiều người đội mũ bảo hiểm giả hoặc mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn.

Đội MBH giả bị phạt: Thế nào là giả? - 1

"Dịp Tết vừa qua, những trường hợp chết vì không đội hoặc đội mũ kém chất lượng, giả mũ bảo hiểm chiếm khoảng 20-30%" - Ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều trường hợp tử vong là do không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ không đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, người dân nông thôn đang rất chủ quan, cho rằng đi đoạn đường ngắn, không có tai nạn nên không phải đội mũ. Tuy nhiên thực ra, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ đường nào.

Ủy ban ATGT Quốc gia đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Giao thông, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ ra một văn bản trình Chính phủ các biện pháp để khắc phục tình trạng này. Các cơ quan này thống nhất sẽ có một chiến dịch "đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng".

Chiến dịch này nhằm nâng cao nhận thức người dân tự bảo vệ mình. TNGT có thể tại bản thân nhưng cũng có thể do rủi ro khách quan mang lại. Tuy nhiên, nếu đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng, có thể giảm khả năng chấn thương sọ não, tử vong do tai nạn.

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện nay, cả nước, mũ bảo hiểm giả và kém chất lượng có nhiều và chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm? Và thực tế, tình trạng người chết vì đội mũ bảo hiểm giả hoặc kém chất lượng như thế nào?

Từ năm 2007 khi thực hiện quy định về đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông, ý thức chấp hành của người dân tương đối tốt và đã góp phần giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thời gian gần đây diễn ra tình trạng không đội mũ hoặc mũ không đảm bảo chất lượng.

Một số loại mũ bảo hiểm ban đầu đạt tiêu chuẩn. Nhưng qua thời gian sử dụng, chúng có thể không đạt chất lượng nữa. Loại này khó nhận biết. Còn mũ bảo hiểm giả, là loại dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường khi đi trên đường. Chúng tôi đánh giá, số lượng người đội mũ bảo hiểm giả hiện này chiếm khoảng 40 - 50%.

Hiện không có con số tổng hợp cả nước. Nhưng trong đợt thăm hỏi nạn nhân TNGT tại bệnh viện Việt Đức hôm mồng 4 Tết vừa qua, các y bác sỹ đánh giá, 60% trường hợp là do bia rượu. Còn trường hợp chết vì không đội mũ hoặc đội mũ kém chất lượng, giả mũ bảo hiểm chiếm khoảng 20-30%.

Chiến dịch này sẽ được triển khai như thế nào?

4 bộ đã ký thông tư liên tịch về vấn đề này. Chúng tôi cũng chưa xác định sẽ xử phạt đối với người đội mũ không đảm bảo chất lượng. Đây là việc khó và phức tạp. Nhưng việc xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm giả, vẫn có thể thực hiện được. Một số địa phương đã triển khai.

Đội MBH giả bị phạt: Thế nào là giả? - 2

Vừa qua, Thành phố Đà Nẵng đã triển khai chương trình kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm trên đường. Nếu mũ ai không đạt chất lượng được đổi mũ mới đúng tiêu chuẩn với giá 50 nghìn đồng/chiếc. (Ảnh: Báo Đà Nẵng)

Chiến dịch này sẽ vận động, nâng cao nhận thức cho người dân sử dụng mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng theo quy chuẩn đã được Bộ Khoa học Công nghệ ban hành năm 2008. Mua mũ có tem kiểm định, có nhãn mác của của cơ sở sản xuất.

Bộ Công thương tới đây sẽ triển khai chiến dịch tại tất cả các địa phương về quản lý sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm. Đặc biệt, sẽ phải chấm dứt tình trạng bán mũ bảo hiểm tại vỉa hè như lâu nay. Các cửa hàng kinh doanh mũ bảo hiểm sẽ phải đăng ký, được cấp phép kinh doanh loại mũ này theo quy chuẩn.

Bao giờ triển khai chiến dịch?


Dự định sẽ tổ chức một đợt truyền thông mạnh, rộng rãi từ 15/3 đến 15/4 năm nay bằng nhiều kênh thông tin báo chí, pano, áp phich... để cảnh báo người dân nhận thức được nguy cơ của việc đội mũ bảo hiểm giả. Sau đó, có thể phối hợp các lực lượng xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm giả hoặc kém chất lượng.

Theo quy chuẩn của Bộ KHCN, vậy mũ như thế nào mới được coi là đảm bảo chất lượng?

Quy chuẩn về hình thức, cấu tạo, khả năng chịu va đập, được các cơ quan kiểm định kiểm tra, chứng nhận sẽ được phép lưu hành.

Đó là quy định đối với nhà sản xuất. Nhưng khách hàng khó có thể nhận biết. Vậy phải làm thế nào?

Khi mua mũ, phải vào những cửa hàng có uy tín. Không thể mua loại mũ 30-40 nghìn ngoài đường, vỉa hè, hàng rong được. Loại đó chắc chắn là không đảm bảo chất lượng. Điều này cũng là trách nhiệm của người sử dụng. Khi mua mũ không mang tính chất đối phó, để tránh bị xử phạt.

Đôi khi, chúng ta mua đôi giày đi dưới chân phải chọn loại thật đẹp, thật xịn nhưng mũ đội trên đầu, bảo vệ bản thân lại mua những loại mũ mà biết chắc là hàng giả.

Mua mũ có đầy đủ tem nhãn đàng hoàng. Tất nhiên cũng có những trường hợp mũ bị làm giả tem, nhãn. Nhưng vấn đề này, lực lượng chức năng cũng sẽ phải tăng cường công tác quản lý.

Thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh đưa ra lý lẽ rằng: Tôi bán mũ này không phải cho người đi xe máy mà cho người đi bộ. Vậy cơ sở nào để cơ quan chức năng xử lý?

Theo tôi đó là ngụy biện. Bởi rõ ràng chúng ta không thấy người đi bộ và đi xe đạp nào đội loại mũ này cả. Loại mũ này chỉ bán cho những người mang tính chất đối phó với CSGT.

Nếu huy động lực lượng CSGT xử phạt hành vi đội mũ bảo hiểm giả, liệu tới đây, họ có thể thực hiện được?

Bộ Công an cũng như các bộ ngành sẽ triển khai và có những tính toán cụ thể. Trước mắt, chúng tôi muốn ngăn chặn các trường hợp giả mũ bảo hiểm. Sẽ phải làm triệt để từ khâu sản xuất, lưu thông, sử dụng. Chiến dịch này sẽ phải huy động rất nhiều cơ quan, ban ngành và cả bản thân những người tham gia giao thông.

Xin cảm ơn ông!

Vừa qua, các cơ quan quản lý thị trường Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở buôn bán mũ bảo hiểm trên địa bàn thanh phố. Lực lượng chức năng phát hiện các cửa hàng kinh doanh tại nhiều quận, huyện đều bày bán mũ bảo hiểm kém chất lượng giá rất "bèo" từ 30 - 40 nghìn đồng.

Dự thảo thông tư liên tịch do 4 bộ ký kết quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm có quy định người đội mũ bảo hiểm "rởm" sẽ bị xử phạt như hành vi “không đội MBH hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách”. Đó là hành vi, theo Nghị định 71, sẽ bị phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Nhiều người ủng hộ chủ trương chấn chỉnh lại việc chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn với việc sẽ xử phạt người đội mũ bảo hiểm giả và kém chất lượng. Bởi hiện nay mũ bảo hiểm được bán tràn lan trên thị trường khiến người dân rất khó phân biệt được mũ bảo hiểm thật và giả khi mua hàng.
"Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy" do Bộ Khoa học Công nghệ ban hành năm 2008 quy định về nhãn mác và thông tin ghi trên mũ như sau:

2.3.  Ghi nhãn
2.3.1.  Nội dung ghi nhãn mũ thực hiện theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hoá. 
2.3.2.  Nhãn phải  được ghi một cách rõ ràng, bền vững (không phai mờ) trên bề mặt trong hoặc ngoài mũ. 

2.3.3.  Nhãn của mũ sản xuất trong nước tối thiểu phải bao gồm các thông tin sau:
- Tên sản phẩm: Phải có cụm từ ″Mũ  bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy″;
- Tên và địa chỉ cơ sở sản xuất;
- Cỡ mũ;
- Tháng, năm sản xuất.

2.3.4. Nhãn phụ của mũ nhập khẩu tối thiểu phải bao gồm các thông tin sau:
- Tên sản phẩm: Phải có cụm từ ″Mũ  bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy″;
- Tên và địa của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối;
- Xuất xứ hàng hoá;
- Cỡ mũ;
- Tháng, năm sản xuất.

Cảnh Kiên
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan