Gặp người đàn ông hơn 30 năm 'cướp cơm' hà bá

Ngày 08/06/2014 10:06 AM (GMT+7)

Hơn nửa đời người sống lênh đênh trên sông nước, ông Ba Chúc không nhớ rõ mình đã cứu được bao nhiêu mạng người, vớt được bao nhiêu xác chết trôi sông. Ông chỉ biết rằng phải chiến đấu với thủy thần để giành lại sự sống cho những người sa cơ, gặp nạn.

Gặp người đàn ông hơn 30 năm cướp cơm hà bá - 1

Con thuyền, đoạn sông và cầu Bình Lợi đã gắn liền với cuộc đời ông Chúc

Công việc "trời ban"

Ông Nguyễn Văn Chúc được người dân nơi đây gọi với cái tên thân mật là Ba Chúc, năm nay đã gần 60 tuổi nhưng trông ông vẫn rất mạnh mẽ với làn da đen sạm của một người chài lưới ven sông. Ông được biết đến không phải vì nghề chài lưới mà ông vẫn mưu sinh hàng ngày nhưng chính là công việc thầm lặng mà ông đã làm suốt hơn 30 năm qua trên dòng sông Sài Gòn này.

Thủa nhỏ ông đã theo cha làm nghề chài lưới đến năm 20 tuổi ông kết hôn cùng với một người phụ nữ cùng quê, thạo nghề sông nước. Hai vợ chồng cùng nhau chung tay trong từng mẻ lưới, đồng lòng trên những chuyến đi, sau đó 5 cô con gái cũng lần lượt thay nhau chào đời.

Những người sống trên ghe ở cầu Bình Lợi, đoạn nối quận Bình Thạnh với Thủ Đức, nhắc đến tên ba Chúc không ai không biết đến. Người ta biết đến ông như khắc tinh của “thần chết”. Ông chiến đấu với thủy thần, cứu những người sa cơ gặp nạn, tìm đến cái chết. Ông cũng là người vớt hàng trăm xác chết trôi dạt trên sông, để thân nhân của họ có cơ hội nhận dạng, đưa về mai táng.

Đã từ lâu, cầu Bình Lợi (cũ) nổi tiếng với những rủi ro, là nơi nhiều người đã tìm đến để giải quyết chuyện bi sầu tình ái. Cũng chính nơi đây vợ chồng ông Ba Chúc đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh tượng đau lòng. Những mảnh đời có hoàn cảnh éo le, đáng thương trầm mình xuống dòng sông để kết thúc mọi bi kịch.

Chúng tôi tìm đến thăm ông vào một buổi sáng của những ngày đầu tháng năm. Chiếc ghe gỗ nhỏ là nơi sinh sống của hai vợ chồng ông bà cùng đứa cháu ngoại. Nhâm nhi tách trà trong tay, ông cười nói vui là sau này sẽ “truyền nghề” cứu người lại cho đứa cháu ngoại đang học tiểu học. Từ đây, ông kể cho chúng tôi những tháng ngày cứu người tự vẫn và vớt xác trôi sông. Mắt ông xa xăm nhớ lại trường hợp đau lòng khi vớt được xác người mẹ trói chặt đứa con 4 tuổi vào thân nổi bồng bềnh trên sông.

Đó là trường hợp của một người phụ nữ quê ở Buôn Mê Thuột, cha mẹ mất sớm. Chị vào Bình Dương làm công nhân rồi kết hôn, cuộc sống vợ chồng có nhiều mâu thuẫn. Giận chồng, chị dắt theo đứa con gái 4 tuổi đón xe ôm ra cầu Bình Lợi. Trói con gái vào bụng, hai mẹ con trầm mình xuống sông tự vẫn. “Tui không nhớ hết mình đã vớt được bao nhiêu mạng người, nhưng đây là trường hợp làm cho tôi rơi nước mắt”, ông Chúc cho hay.

Vào nữa đêm tháng 4, cả gia đình ông bà đang chìm vào giấc ngủ sau một ngày chài lưới mệt nhọc. Nghe thấy tiếng kêu cứu vọng lại từ giữa cây cầu sắt, bà Hinh vợ ông đoán chắc có người vừa nhảy sông tự vẫn. Bà lay ông dậy, vội cầm chiếc đèn pin nổ máy chèo ghe ra giữa dòng nước nổi bọt, ông lấy sợi dây thừng ở mũi ghe cột chặt một đầu vào tay mình rồi lao xuống nước. Bằng một vài động tác, ông đã đưa được cô gái vào bờ.

Gặp người đàn ông hơn 30 năm cướp cơm hà bá - 2

Hằng ngày hai ông, bà lênh đênh trên mặt nước kiếm cái mưu sinh

Ba Chúc lật chiếc ván dưới ghe hộc ghe, lấy cho chúng tôi xem một cuốn sổ đã úa vàng, mà ông gọi là nhật ký vớt xác, cứu người. Đã hơn ba chục năm nay, ông cũng không nhớ hết những việc mình đã làm, ghi vào sổ có lúc ông nhớ thì ghi còn lúc nhiều việc thì quên bẵng đi. Nghe chuyện ông vớt xác, cứu người mà chúng tôi hiểu thêm nhiều chuyện cay đắng về thế thái nhân tình.

Ông xem chuyện cứu người, vớt xác là một công việc trời ban. Ông bảo, không phải ai cũng có thể đến gần xác chết được đâu, nhiều người thấy ông vớt được những xác người gần như phân huỷ thì họ nôn oẹ, chạy không dám nhìn. Nhưng đối với Ba Chúc đây là công việc thấy mà không làm là có lỗi. Vì thế, mỗi xác chết trôi sông được ông vớt lên ông đều báo với chính quyền địa phương để nhận dạng, còn những xác nào phân huỷ không thể nhận dạng được thì chính tay ông khâm liệm lại.

Cuốn nhật ký của ba Chúc, lộn xộn những con số ghi ngang dọc. Năm 2013 ông cứu sống được 7 người và vớt được 9 xác chết. "từ đầu năm đến tôi mới chỉ vớt được 5 cái xác chưa cứu được một ai", ông với ánh mắt đượm buồn như đang trách mình.

Còn vợ ông, bà Hinh cho hay tối đến hai vợ chồng ông bà nằm ngủ mà nghe tiếng khóc trên cầu là phải bật dậy, không dám ngủ nữa, ngồi canh nếu như ai đó không may dại dột nhảy xuống để mà còn kịp người.

Mỗi lần cứu được ai đó, ông bà đều hỏi rõ nguyên nhân tại sao lại tìm đến cái chết, từ đó lại khuyên bảo, tư vấn rồi gọi người nhà đến rước về. Những trường hợp người ta quyết tâm tìm đến cái chết thì phải nhờ đến sự can thiệp của công an địa phương.

Cuộc sống chợ gạo, cá sông

Chuyện vợ chồng ông Ba Chúc cứu người trên sông không còn lạ. Dù là ngày hay đêm, mưa hay nắng hễ nghe nơi đâu có người rơi xuống sông hay xác người chết trôi là hai vợ chồng tức tốc đi ngay. 

Nghề chài lưới của ông bây giờ cũng không được như xưa nên thu nhập cũng không mấy ổn định, “mình cũng lớn tuổi rồi, ai kêu gì thì làm nấy thôi”, ông cho biết. 

Vợ chồng người đàn ông mang nghiệp vớt xác này đang lặn ngụp giữa muôn vàn khó khăn ở tuổi về chiều. Bà Hinh hằng ngày phải vật lộn với bệnh tiểu đường, loãng xương, viêm khớp… bà không thể đi làm được, nên mọi gánh đều dồn lên vai ông. 

Sông Sài Gòn bị ô nhiễm nghiêm trọng nên tôm cá cũng ít đi, làm nghề chài lưới thì phải đi theo con nước, khi nước lên là phải nổ máy theo, bất kể mưa nắng hay ngày đêm, bởi “không đi đúng con nước thì chài không có cá, mà không có cá thì không có tiền”, ông nói với vẻ đượm buồn.

Hành động nghĩa hiệp của ông Chúc được chính quyền địa phương đánh giá cao, một số tổ chức tặng ông chiếc ghe mới. Nên dự định lên bờ sinh sống của ông bà đành gác lại, tiếp tục bám víu sông để sống khoảng thời gian còn lại.

Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan