Cuối năm Âm lịch, hàng lậu là vấn đề “nóng” được các cấp ngành quan tâm. Vậy nhưng, ngay tại các ngõ phố, chợ tạm của 2 thành phố lớn nhất nước là Thủ đô Hà Nội và TP HCM, gia cầm không rõ nguồn gốc, không dấu kiểm dịch vẫn được mua bán, giết mổ tràn lan.
Hà Nội: Đảm bảo bằng… miệng
Tại Hà Nội, gần như ở ngõ phố nào có chợ cóc, chợ tạm thì đều xuất hiện gia cầm không kiểm dịch. Một trong những điểm tập kết nhiều gia cầm lậu là khu vực huyện Từ Liêm. Cổng vào của khu tập thể Học viện Tài chính, sáng nào cũng xuất hiện từ 5-7 lồng gà sống bày bán công khai với mức giá giao động từ 100.000- 110.000 đồng/kg. Hầu hết các tiểu thương kinh doanh gia cầm sống tại đây đều nói rằng đó là gà quê ở Bắc Giang, Hưng Yên hoặc Vĩnh Phúc mang đến. Cuối đường K1, huyện Từ Liêm, gần đây cũng hình thành một dãy chợ gia cầm lậu ngay bên cạnh điểm tập kết rác thải sinh hoạt. Cũng trên địa bàn huyện này, vỉa hè QL 32, cạnh chợ Cầu Diễn, tình trạng bán gia cầm không xuất xứ vẫn tồn tại. Chúng tôi hỏi một chủ hàng gà ở đây về giấy kiểm dịch, chị chủ hàng thản nhiên: “Gà quê, kiểm dịch làm gì hả em? Gà đảm bảo chất lượng, chị bán bao nhiêu năm tại đây, toàn bán cho khách quen. Em yên tâm mua đi, chị bán cho ai cũng muốn giữ lại làm khách quen”.
Thói quen dùng hàng tươi sống của người dân là một nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại của các điểm buôn bán gia cầm sống chưa qua kiểm dịch. Ảnh: Chí Cường
Lời giải thích “gà quê lấy đâu ra giấy kiểm dịch hay cần gì giấy kiểm dịch” dường như là câu trả lời chung của những người bán gà không rõ nguồn gốc ở cạnh chợ Cầu Diễn. Khu nhốt, mổ thịt ở đây cũng luôn trong điều kiện rất mất vệ sinh do thiếu nước sạch. Chậu nước dùng để rửa gà được tận dùng từ đầu cho đến lúc tan chợ.
Tại quận Cầu Giấy, cũng xuất hiện khá nhiều những lồng gà sống bán công khai không kiểm dịch, ví dụ như chợ tạm gần phố Trần Bình, ngay cạnh chợ Nghĩa Tân; chợ tạm gần đường bờ sông Quan Hoa cũng nhan nhản những lồng gà, vịt sống mang nhãn hiệu “quê”; chợ tạm gần phố Hoa Bằng cũng bày bán, giết thịt công khai gà, vịt sống.
Gia cầm không giấy kiểm dịch bán ngay ven quốc lộ 32, Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: K.A
TP HCM: 100 điểm giết mổ gia cầm trái phép
Chi cục Thú y TP HCM cho biết, hoạt động kinh doanh, vận chuyển và giết mổ gia cầm trái phép lại tái diễn khi nhu cầu sử dụng dịp giáp Tết gia tăng đột biến so với ngày thường. Hiện thành phố này có hơn 100 điểm kinh doanh, giết mổ trái phép gia cầm sống, trong đó quận 5, quận 8, quận 12, quận Gò Vấp, huyện Bình Chánh, Hóc Môn... là những nơi kinh doanh gia cầm trái phép nhiều và công khai. Trên một số tuyến đường như chợ Cầu (quận 12), Phạm Hùng (quận 8), Lê Văn Lương (quận 7), Nguyễn Văn Linh (quận 7), chợ tạm phố Đo Đạc (quận 2)... gia cầm sống các loại bày bán công khai trên vỉa hè. Số gia cầm này không bỏ trong lồng mà được cột chân từ 5-10 con cho khách hàng dễ chọn. Giá gà ta chưa qua kiểm dịch giao động từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, công giết mổ từ 5.000 - 10.000 đồng/con. Với mức giá rẻ hơn gia cầm đã qua kiểm dịch từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, gia cầm sống chưa qua kiểm dịch này vẫn được bán rất chạy, do người dân có tâm lý ham rẻ và muốn trực tiếp chọn mua. Khâu giết mổ cũng tương tự như Hà Nội, đều trong điều kiện vệ sinh rất kém do phần lớn nơi giết mổ ngay tại lề đường, nắp cống, không có nước sạch.
Đại diện, Chi cục Thú y Hà Nội thì cho rằng, không phải do lực lượng quản lý thị trường không kiểm tra, kiểm soát, song cứ quản chặt nơi này thì người bán hàng lại chạy qua nơi khác. Trong khi đó, chế tài xử phạt và quy định kiểm dịch về việc buôn bán gia cầm nhỏ lẻ còn lỏng lẻo. Theo Quyết định 47/2005 QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT thì gia cầm nuôi thương phẩm lớn hơn hoặc bằng 100 con và gia cầm để giết mổ lớn hơn hoặc bằng 50 con mới tiến hành các thủ tục để kiểm dịch. Vì thế, đối với những trường hợp buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch nhỏ lẻ rất khó xử “mạnh tay”. Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng thừa nhận rằng, không thể ngăn chặn triệt để tình trạng nhập lậu gia cầm vào nước ta, bởi lợi nhuận thu được từ kinh doanh này quá lớn. Đầu nậu vẫn tìm mọi cách đưa bằng được gà lậu vào lưu thông trong nước. |