Cái chết của đôi tình nhân trẻ chấn động một vùng, rồi không rõ nguồn cơn từ đâu, những chuyện liêu trai chí dị xuất hiện. Dân "đỏ đen" kéo về "cầu cơ, xin số", khiến chính quyền sở tại phải nhiều lần vào cuộc.
Chuyện tình buồn
Theo tìm hiểu, vụ án xảy ra cách đây hơn 40 năm trước. Hỏi về tiểu sử ngôi mộ đôi thì người dân bên dòng suối Le (thuộc địa phận ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) ai cũng biết. Nhờ một người dẫn đường, chúng tôi đã tới được ngôi mộ nằm sâu tít trong con đường đất, heo hút, tứ phía bạt ngàn những rẫy sắn cao hơn đầu người.
Con đường mòn, nhỏ đến mức chỉ vừa một chiếc xe máy chạy đi. Vẻ bề ngoài ngôi mộ được xây dựng khá khang trang, bao phủ bởi một màu xanh ngọc của gạch men. Kể với người viết, ông Tám Chung (79 tuổi) cho biết, ngôi mộ đôi là kết cục của một câu chuyện bi thảm, đau thương. Chuyện xảy ra vào năm 1977, đến giờ vẫn chưa hết ám ảnh với những người lớn tuổi ở An Thạnh.
Hồi ấy, vùng này là một vùng núi hoang vu, heo hút nên người ở rất thưa thớt. Giữa năm 1976, người dân thấy một đôi tình nhân trẻ người Sài Gòn, khăn gói thất thểu đi về hướng sông Le. Hai người họ rất đẹp đôi. Cô gái toát lên vẻ hiền lành, xinh đẹp, chàng trai cũng chẳng kém cạnh. Chàng trai hì hục đốn cây rừng, dựng căn nhà tranh vách đất làm chỗ che mưa che nắng. Cuộc sống đôi tình nhân dường như biệt lập với mọi người xung quanh. Thỉnh thoảng họ chỉ trò chuyện giao du với đám con nít chăn bò trong vùng.
Ngôi mộ đôi bí ẩn ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Theo lời chàng trai nói với mọi người rằng thửa đất này là của gia đình anh. Hai người là vợ chồng mới cưới trên Sài Gòn, cuộc sống nơi phố thị có nhiều khó khăn nên đưa nhau về đây lập nghiệp. Thế nhưng, hơn nửa năm sống ở đây người dân chưa thấy một lần nào người thân đến thăm họ. Sống trong bìa rừng cuộc sống muôn vàn khó khăn thiếu thốn nhưng họ lại thương yêu nhau hết mực. Trong căn nhà lá ẩm thấp luôn tràn ngập tiếng cười của đôi trẻ.
Một ngày đầu tháng 2/1977, trời mưa nặng hạt, quang cảnh xung quanh mái ấm đôi trẻ càng thêm tĩnh mịch. Chiều muộn, đàn bò ăn gần đó con nào con nấy đã no nê đang được các chủ nhân đánh về. Ngang qua căn nhà, một mùi hôi nồng nặc sộc thẳng vào mũi họ. Những người chăn bò nghi vấn, lò dò từng bước tiến lại gần ngôi nhà nhỏ đang đóng cửa kín cửa.
Họ cất tiếng gọi người phía trong nhà nhưng không nghe ai trả lời. Linh tính có chuyện chẳng lành, họ nhìn qua khe cửa sổ nhỏ. Ai nấy toàn thân lạnh toát, người run lẩy bẩy khi thấy cảnh tượng kinh hoàng cặp đôi cùng thắt cổ tự tử, đang treo lơ lửng giữa nhà. Người phụ nữ, mái tóc dài chấm gót xõa xuống che khuất cái bụng đang mang thai gần sinh.
Ông Tám Chung và ông Ba Tuyền kể lại sự việc
Ông Chung kể, vụ việc chấn động với vùng quê nghèo An Thạnh ngày ấy. Ông còn nhớ, xác của đôi trai gái ấy đang trong tình trạng phân hủy mạnh, mùi tử khí nồng nặc. "Đến nỗi, không ai dám lại đỡ đôi tình nhân xuống. Vừa lúc đó, ông Chín (người dân trong làng) cùng 5 người đi làm muối về. Thấy hai cái xác treo lửng lơ tội nghiệp, ông bảo người nhà chạy đi mua 10 lít rượu để ông và mọi người uống cho say mới dám bước vào ngôi nhà. Khi rượu đã ngấm, họ khó khăn đỡ hai thi thể xuống. Đôi tình nhân được quấn chiếu chung, chôn chung cùng mộ ngay phía sau nhà. Và lấy ngày 3/2/1977 hàng năm làm ngày giỗ chung", ông nhớ lại.
Theo lời ông Chung, sau ngày tang gia, mọi người mới biết cô gái mang bầu tên Trương Ngọc Nga, chàng trai là Nguyễn Trường Xuân. "Cô Nga sinh năm 1957, anh Xuân ít hơn 1 tuổi. Cả hai đều người Sài Gòn. Anh Xuân mới đi bộ đội về, gặp và yêu cô Nga. Tuy nhiên, chuyện tình của họ lại không được cha mẹ đồng ý. Nghe đâu cũng chỉ vì chuyện không môn đăng hộ đối. Cuối cùng họ trốn xuống mảnh đất này để được sống cùng nhau. Đến khi cô Nga có bầu, lần nữa họ về xin phép cha mẹ. Chẳng rõ sự tình ra sao, chỉ biết sự việc bây giờ thành ra như vậy", ông kể lại.
Xuất hiện nạn "cầu cơ, xin số"
Như lời ông Chung, cái chết của đôi tình nhân trẻ chấn động một vùng. Rồi không rõ nguồn cơn từ đâu, những chuyện liêu trai chí dị xuất hiện quang ngôi mộ đôi này. Lúc đầu những nén nhang đỏ cháy chỉ là sự thương cảm cho người xấu số. Thế rồi không biết từ bao giờ, dân "đỏ đen" từ các nơi thường kéo về đây dâng lễ, "cầu cơ, xin số".
Ngay giữa ban ngày cũng có người đến cầu lộc
Theo lời ông Chung, sự việc bắt nguồn từ một thông tin về một người đàn ông trúng độc đắc, mà đến giờ vẫn chưa được xác thực. Đó là cách đây mấy năm có một người đàn ông đi làm đường ngang qua đây. Sẵn tiện có tờ vé số trong người ông dâng lên trên ngôi mộ rồi cầu được trúng vé số. Ai ngờ lời cầu đó đã giúp ông trúng số độc đắc. "Từ đó tin đồn lan xa càng làm cho ngôi mộ đôi trở nên tấp nập những người mê số má đến cầu khấn lễ cầu lộc may", ông Chung nhớ lại.
Cũng từ đó, dân đánh số đề ngày đêm tấp nập lui tới. Khu mộ đôi thành một địa điểm an ninh phức tạp, mà như lời của ông Ba Tuyền (ấp đội trưởng An Thạnh), lượng lượng dân phòng ấp, cùng công an xã nhiều lần tuần tra xử lý các đối tượng hành nghề mê tín dị đoan thì tình hình ở khu mộ đôi mới giảm nhiệt.
"Hồi đó, ngày nào cũng có hàng chục người đến xin số. Nhất vào các ngày các ngày mồng 1, ngày Rằm hàng tháng họ kéo đến đông. Thời gian xin thường vào sáng sớm hoặc buổi đêm. Tôi có nghe nói có nhiều người nhờ cầu ở đây trúng số đề, trúng sổ số nhưng không biết cụ thể là ai. Cầu được thì họ sùng bái, cầu trật thì họ phá phách, đập phá hết bình hoa, bình hương ở ngôi mộ. Nhìn thấy cảnh ấy lại thêm phần xót xa cho đôi trai gái. Mà người đến "cầu cơ" là dân ở đâu, chứ người dân địa phương chúng tôi tuyệt đối không có", ông Ba Tuyền cho biết.