Những năm gần đây, nghề lái xe công nghệ (LXCN) đã trở thành một nghề chính của hàng ngàn lao động. Họ hy vọng có được thu nhập cao từ công việc ít áp lực, chủ động thời gian làm việc nhưng sau đó không ít người vỡ mộng hoặc chấp nhận đánh đổi rất nhiều thứ.
“Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề này”.
Làm nghề xe ôm công nghệ được hơn 2 năm, đều đặn 6 giờ sáng, anh Dũng dắt xe ra khỏi khi 2 đứa con còn ngái ngủ. Kết thúc ngày làm việc, anh về nhà vào lúc 10 giờ đêm, khi con đã ngủ say, chỉ còn lại tiếng lạch cạch của vợ đang chuẩn bị nấu xôi lạc hoặc xôi gấc chuẩn bị cho bữa sáng hôm sau.
Anh cho biết, khác với nghề xe ôm truyền thống phải ra đường tìm khách, khách muốn đi xe phải lân la đi tìm xe, xe ôm công nghệ chỉ cần bật ứng dụng lên là hệ thống sẽ điều hướng nhận khách gần nhất, khách muốn đi đâu cũng chỉ cần ngồi nhà và có người đón ngay sau 1 cái “chạm”. Tiện lợi và nhanh chóng nên số lượng khách sử dụng xe ôm công nghệ ngày càng nhiều, thu nhập tài xế cũng cải thiện đáng kể.
Với hành trang đi làm là chiếc túi đựng áo mưa và chai nước treo lủng lẳng, chiếc mũ gài bên yếm xe và nắm xôi lạc ruốc được vợ chuẩn bị sẵn, anh Dũng cứ thong dong trên đường cùng khách cả ngày. Lúc thì chở khách, lúc lại chở hàng, khi thì đi xe không “lượn lờ” chờ ứng dụng “nổ cuốc”.
“Làm nghề này đông khách nên ham, nhiều khi bụng réo ầm ầm vì đói nhưng có khách lại cố chạy để kiếm tiền, vì mình không làm người khác làm mất. Đói đâu thì ăn nấy, khi thì bún, khi thì cơm, thi thoảng đổi bữa, tôi cứ chuẩn bị nắm xôi ăn cho chắc dạ. Lúc nào vắng khách đứng chỗ nào đó ăn, khách “nổ” thì gói lại, chở khách xong mang ra ăn tiếp. Chai nước sẵn trên xe, khát lúc nào uống lúc đó, vừa tiện vừa tiết kiệm”, anh Dũng cười xòa nói.
Không ít tài xế lái xe truyền thống chuyển sang chạy xe công nghệ khi lượng khách sụt giảm do Covid-19. (Ảnh minh họa).
Theo anh, hai vợ chồng học hết có lớp 9 rồi nghỉ, ra Hà Nội làm thuê ở nhà hàng chuyên lẩu gà rồi gặp nhau, lấy nhau và ở lại thành phố lập nghiệp. Chồng làm phụ bếp, vợ chạy bàn, bưng bê và rửa bát. Mỗi tháng, tổng thu nhập được từ 10-12 triệu đồng.
Cách đây 2 năm, anh chuyển sang làm xe ôm công nghệ khi được một số người bạn giới thiệu, vừa chủ động thời gian lại có thể kiếm được gấp đôi số lương phụ bếp.
“Xe của mình, xăng mình đổ, muốn làm thì làm, mệt quá thì nghỉ, hệ thống tự đẩy khách vào cho mình. Có những dịp lễ, tết hay cuối tuần, khách đi lại nhiều thì chạy không có giờ nghỉ, nhưng cũng có ngày chờ dài cổ không thấy “nổ” cuốc nào. Tuy nhiên, tổng thu nhập mỗi ngày cũng được từ 300-500.000 đồng. Thi thoảng đông khách, chịu khó chạy cũng được gần 1 triệu đồng nên ham lắm”, anh Dũng cho hay.
Tiền “rủng rỉnh” hơn đi làm phụ bếp nhưng theo anh Dũng, số tiền ấy là khoảng thời gian tài xế căng mắt nhìn đường, cả người mệt nhừ vì mỏi, chưa kể nguy hiểm và tai nạn rình rập bất kỳ lúc nào nhưng để chọn lại, anh vẫn chọn nghề này bởi chủ động được công việc và thời gian.
Tài xế truyền thống chuyển sang công nghệ: Được và mất?
Anh Lương Trung Kiên (quê Phú Thọ) cho hay, trước khi làm LXCN, anh đã từng là tài xế cho 1 hãng taxi truyền thống theo phương thức thương quyền, tức là xe của mình nhưng đóng tiền hàng tháng để sử dụng tổng đài của hãng, gắn mào taxi và đồng phục.
“Mỗi ngày chạy từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều hoặc từ 5 giờ chiều đến 4 giờ sáng hôm sau được khoảng 1-1,5 triệu đồng, chưa trừ xăng xe hay ăn uống. Hôm nào làm ngày thì đêm nghỉ, làm đêm thì ngày ngủ bù. Trung bình thu nhập hàng tháng sau khi trừ các khoản còn được từ 20-25 triệu đồng”, anh Kiên nói.
Chạy xe cho hãng nên anh Kiên làm bao nhiêu được hưởng bấy nhiêu, chỉ phải đóng từ 4-4,5 triệu đồng/tháng cho công ty, dù làm việc hay không.
Theo anh Kiên, số tiền đóng cho công ty bao gồm phí quản lý chung khoảng 2-2,5 triệu đồng, tiền Bảo hiểm xã hội khoảng 1,5 triệu đồng; quỹ công đoàn và chi phí marketing khoảng 500.000 đồng.
Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên Đán 2020, khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, số lượng khách di chuyển rất ít, có ngày anh Kiên mang về chỉ được 70.000 đồng. Không có khách, chi phí sinh hoạt ở Hà Nội đắt đỏ nên anh Kiên đưa vợ con về quê từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 8 để tránh dịch.
Thời gian ở quê, dù không chạy cuốc xe nào nhưng anh Kiên vẫn phải đóng mỗi tháng 4,5 triệu đồng cho hãng. Hơn 5 tháng để xe không nhưng anh vẫn phải nộp về công ty hơn 20 triệu đồng.
Vì không biết tình hình dịch bệnh khi nào mới được khống chế, cộng với số tiền phải đóng hàng tháng cho doanh nghiệp vận tải quá nhiều nên anh Kiên xin rút ra khỏi hãng vào tháng 9/2020. Đến tháng 10/2020, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, anh Kiên nộp đơn xin chạy taxi công nghệ.
“Tôi nghĩ đơn giản là lượng khách sử dụng taxi công nghệ rất lớn, hơn nữa, nếu dịch bệnh có phức tạp, không chạy cũng không phải đóng tiền hàng tháng cho công ty”, anh Kiên phân tích.
Tự trang bị phương tiện làm việc, thù lao của các tài xế công nghệ chỉ dựa vào những cuốc xe họ chạy được bất kể ngày đêm.
Tuy nhiên, khi tham gia taxi công nghệ, anh Kiên mới “vỡ lẽ” vì chịu chiết khấu quá cao. “Nếu mỗi ngày tôi chạy được 1 triệu đồng thì chỉ được nhận về 717.000 đồng, 1 tháng nếu làm được 30 triệu đồng thì bị trừ “nghiến” đi gần 8,5 triệu đồng. Từ ngày 5/12/2020 lại tăng tỷ lệ chiết khấu thêm 5%, tức là mình làm 30 triệu thì phải chia đi gần 10 triệu đồng. Chưa kể mọi quyền lợi như BHXH và công đoàn đều không có”, anh Kiên nói.
Như vậy, tự trang bị phương tiện làm việc, thù lao của các tài xế công nghệ chỉ dựa vào những cuốc xe họ chạy được bất kể ngày đêm mà không có trợ cấp hay lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội hay tiền làm thêm giờ. Do đó, để có thu nhập cao, tài xế phải làm việc cật lực hàng ngày.
Mua xe trả góp chạy xe công nghệ: Con đường không trải đầy hoa hồng
Vừa lấy khăn lau dọn chiếc xe Huyndai i10 mới mua trả góp cuối năm 2019, anh Nguyễn Mạnh Thắng – một tài xế taxi công nghệ trú lại Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, mấy hôm nay vắng khách, anh bật ứng dụng hơn 1 giờ vẫn chưa “nổ” cuốc nào. Tiền không làm ra nên xe bẩn cũng tận dụng thời gian rảnh để tự vệ sinh xe cho tiết kiệm.
Tích cóp mấy năm đi làm nhân viên siêu thị và vay mượn thêm được 230 triệu đồng, trước Tết, anh Thắng quyết định mua trả góp chiếc xe này với giá 450 triệu đồng nhưng dịch bệnh khiến số tiền anh thu về không đủ trang trải.
Không ít người coi lái xe công nghệ là 1 nghề, vay tiền trả góp để mua xe dẫn đến nhiều hệ lụy, phải bán xe trả nợ.
Vợ mới sinh nên anh Thắng trở thành lao động chính trong nhà. Mỗi tháng, anh Thắng phải lo hơn 4 triệu tiền trả góp, 3 triệu tiền nhà trọ cùng điện nước, thêm chi phí ăn uống, xăng xe, sữa bỉm cho con.
Những tưởng mua xe rồi chạy taxi công nghệ, mỗi ngày sẽ kiếm được ít nhất 1 triệu đồng nhưng khi bắt tay vào làm, mỗi ngày đi làm chỉ được từ 500-600.000 đồng, trừ xăng xe và chiết khấu thì còn lại không được là bao. Khó khăn chồng chất nhưng vừa qua, công ty thông báo tăng tỷ lệ chiết khấu thêm 5% khiến anh đứng ngồi không yên.
“Khách đi 1 chuyến xe 10,2km với giá cước 131.000 đồng nhưng khi hoàn thành tôi bị trừ đi 44.300 đồng phí và thuế, chỉ còn mang về được 86.600 đồng”, anh Thắng nói.
Vắng khách, chiết khấu ngày một tăng, anh Thắng dự định bán chiếc xe mà mình coi là “cần câu cơm” đi để khỏi áp lực nợ nần nhưng vừa khó bán lại phải chịu lỗ hơn 100 triệu so với lúc mới mua. “Coi như một năm đi làm không công, lại còn ôm thêm nợ”, anh Thắng thở dài.
Thu nhập cao, thời gian làm việc tự do là điều ai cũng hy vọng khi bắt đầu công việc làm lái xe công nghệ. Tuy nhiên, không có nghề nào trải đầy hoa hồng và TXCN cũng không ngoại lệ.
Bám lấy nghề để kiếm sống hay lựa chọn một ngành nghề khác phù hợp hơn với bản thân là lựa chọn của chính bản thân người tài xế. Nhưng xét cho cùng, tài xế công nghệ hay ngành nghề nào đi chăng nữa thì tạo ra giá trị bằng chính sức lao động của mình đều đáng được trân trọng.