Tính mạng của hàng trăm học sinh tại tỉnh Đắk Lắk đang đánh cược trên những chiếc xe cũ, không được cấp phép đưa đón đi học hàng ngày trong tình cảnh luôn bị nhồi nhét, phóng bạt mạng trên đường.
Chui qua cửa sổ xe để kịp giờ vào lớp
Đầu giờ sáng 10/12, có mặt tại trường THCS Hòa Phú (QL14, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột), PV Báo Giao thông chứng kiến xe khách BKS 47V-1623 cũ kỹ, “nội thất” rách bươm, kính trước xe dán dòng chữ “Xe đưa đón học sinh” đang “đổ” học sinh xuống cổng trường. Đây là loại xe 35 chỗ ngồi, nhưng lượng học sinh trên xe phải gần gấp đôi. Được biết, chiếc xe này đều đặn ngày bốn lượt chở hàng trăm em học sinh của hai trường THCS Hòa Phú và THPT Trần Phú (TP Buôn Ma Thuột) đến trường, về nhà.
Có mặt cùng PV Báo Giao thông tại Trường Tiểu học Ea Hiao (thôn 3, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk), ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng, thành viên Ban ATGT huyện Ea H’leo giật mình thốt lên: “Hàng trăm em học sinh nhồi nhét trên xe, nguy hiểm quá!”.
Xe Thành Thảo chỉ có 35 ghế nhưng chở số lượng gấp đôi
"Hiện trên địa bàn huyện Ea H’leo, có từ 10 - 12 xe (loại từ 35 - 45 ghế) được sử dụng để đưa đón học sinh, chủ yếu tập trung tại các xã Ea Wy, Cư Mốt, Ea Hiao... Trong đó, chỉ có hai xe có phù hiệu hợp đồng đưa đón học sinh, còn lại đều hoạt động “chui”. Ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó trưởng phòngKinh tế - hạ tầng huyện Ea H’leo |
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, riêng trên địa bàn xã Ea Hiao có tất cả 5 xe, thuộc các nhà xe Thành Thảo (BKS 47V-1663; 47B-013.00), Chính Thủy (47B-016.51), Hoàng Oanh (47B-014.97), Anh Phụng (47B-007.27)... đưa đón học sinh trên địa bàn đến các điểm trường như: Tiểu học Ea Hiao, THCS Lê Lợi, THPT Trường Chinh (xã Ea Sol)... Theo đại diện phòng Kinh tế - hạ tầng Ea H’leo cho biết, cả 5 xe này đều hoạt động “chui”, không được cấp phéphoạt động kinh doanh vận tải.
Mỗi ngày, đội xe đưa đón học sinh này chạy khắp các đường liên thôn, liên xã để gom học sinh, dừng đỗ tùy tiện khắp nơi. Các xe 35-45 ghế nhưng lúc nào cũng chở 70 - 80 học sinh kín mít. Như xe BKS 47V-1663 (nhà xe Thành Thảo) chỉ có 35 chỗ nhưng số học sinh lên tới 70 - 80 người, 2 - 3 em học sinh ngồi một ghế, vắt vẻo lên cabin, đứng chen nhau trên sàn xe..., mặc cho xe phóng bạt mạng, uốn lượn qua các đèo dốc để cho kịp giờ vào lớp.
Em N.V.B (trường THPT Trường Chinh) cho biết: “Đi xe Chính Thủy hết 250 - 300 nghìn đồng/tháng, tùy vào quãng đường từ nhà đến trường. Đến giờ đi học, cứ thấy xe tới là em leo đi thôi, có ghế thì ngồi chung với nhau, không có thì đứng. Mỗi lần xuống xe, các bạn chen lấn nhau, nhiều bạn sợ trễ giờ nên chui qua cửa sổ nhảy xuống. Xe đưa đón học sinh nào cũng vậy, các bạn em đi xe Thành Thảo, Hoàng Oanh... đều chen chúc cả”.
Một học sinh xuống xe bằng cách chui qua cửa sổ
Trách nhiệm cơ quan quản lý ở đâu?
Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, hầu hết các xe hoạt động “chui”, đều chở vượt số người quy định, không đăng ký kinh doanh. “Vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện tiến hành xử phạt những xe đưa đón học sinh vi phạm. Qua đó, đã lập biên bản xử phạt được 8 xe vi phạm, với các lỗi không có phù hiệu, không có hợp đồng vận chuyển”, ông Thịnh cho biết thêm.
Ông Lê Đình Minh, Phó trưởng Phòng Vận tải (Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Xe đưa đón học sinh, có kinh doanh thì phải vào HTX hoặc công ty vận tải để hoạt động và được Sở GTVT cấp phép. Sau đó, phòng vận tải căn cứ vào hồ sơ của HTX cấp phù hiệu hợp đồng để xe hoạt động. Còn việc xe hoạt động sai phép, hoạt động “chui” vi phạm thì ra đường có lực lượng TTGT, công an xử lý”.
Trong khi đó, ông Trần Thủ, Chánh Thanh tra (Sở GTVT Đắk Lắk) cho hay, Thanh tra vừa thực hiện xong kế hoạch xử lý xe “dù”, bến “cóc”, sắp tới đi xử lý tải trọng. “Còn xe đưa đón học sinh không phép, chúng tôi sẽ sớm có kế hoạch kiểm tra, xử lý”, ông Thủ thông tin.