Thông tin được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đưa ra tại Lễ phát động “Chung tay xóa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” diễn ra đúng ngày Quốc tế loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11).
Theo bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, theo thống kê của Vụ Gia đình, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận tại Việt Nam ngày càng tăng và ngày càng nghiêm trọng.
Theo đó, tính riêng năm 2015, cả nước có 31 phụ nữ và 7 trẻ em bị người thân giết hại. 6 tháng đầu năm 2016 có hơn 20 phụ nữ và trẻ em thiệt mạng do bạo lực gia đình.
Chỉ tính ở Ngôi nhà Bình yên, Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam (nơi nhận bảo trợ cho những phụ nữ và trẻ em bị bạo hành), trong tổng số hơn 600 phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, có đến 75% người bị người thân tra tấn dã man, rất nhiều người bị sang chấn tâm lý nghiêm trọng, nhiều người tự tử vài lần nhưng may mắn được cứu; nhiều người bị cụt tay, chân, tổn thương đầu, cột sống...
Rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị người thân tra tấn dã man (ảnh: Báo Giao thông)
“Nỗi đau của bạo lực để lại dai dẳng, bế tắc, đẩy nhiều con trẻ vào tệ nạn xã hội”, bà Hoàng Thị Ái Nhiên chia sẻ.
Theo bà Nhiên, sở dĩ còn bạo lực gia đình vì giữa luật pháp và thực thi còn khoảng cách; quan niệm về bạo lực gia đình chưa sự thay đổi, còn đổ lỗi cho nạn nhân, chính quyền, còn thờ ơ…
“Tôi nhận thấy để tiến tới một gia đình không có bạo lực đối với phụ nữ vẫn còn là một chặng đường dài. Bạo lực không thể coi là chuyện nội bộ cùa từng gia đình mà phải được coi là vấn đề của xã hội trong đó đề cao vai trò của nam giới.
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) bày tỏ: “Số phụ nữ bị bạo lực nhiều lên vì họ sợ hãi không dám lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị quấy rối nhiều hơn nữa”.
Thông thường trong các trường hợp bị bạo lực, người phụ nữ không dám nói hoặc không dám tìm kiếm sự hỗ trợ pháp lý. Họ phải cố giữ hình ảnh "gia đình hạnh phúc" trong mắt mọi người, và phải hy sinh quyền và nhân phẩm của chính bản thân mình.
“Giữ hình ảnh “gia đình hạnh phúc” để làm gì? Điều này không phải là hạnh phúc thật sự của người phụ nữ và chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ này”, bà Shoko Ishikawa nói.
“Như vậy, phụ nữ và trẻ em gái không được an toàn tại nhà, nơi công cộng và cả nơi làm việc”, đại diện UN Women cho hay.
Theo bà Shoko Ishikawa, để giảm số vụ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo hành cần có dịch vụ cần thiết cho các nạn nhân bị bạo lực. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để nạn nhân bị bạo lực không cảm thấy xấu hổ hoặc phải chịu áp lực mà phải giữ im lặng hoặc không dám nói ra.