Mắc căn bệnh ung thư từ khi 20 tháng tuổi, có lúc tính mạng của cháu ngàn cân treo sợi tóc. Mười người thì chín người cho rằng cháu không thể sống nổi. Ngay cả ông nội của cháu bé cũng nghĩ như thế.
Trong niềm vui của ngày lễ thiếu nhi, bé Đinh Thị Hồng Nhung trú tại B6-P1 Văn Miếu, Thành phố Nam Định được ông bé đưa lên Bệnh viện K Hà Nội chơi và cũng như tạo một kỷ niệm khó nhớ trong lòng bé.
Từ ngày phát hiện bị bệnh ung thư túi noãn hoàng nguyên phát, trung thất khối u rất lớn đã di căn sang phổi, cháu Nhung đã rất khó thở. Đưa cháu lên Hà Nội ông nội bé chỉ hi vọng rằng còn nước con tát.
Ông nội của bé Nhung kể, bố mẹ của Nhung bị câm điếc bẩm sinh do ảnh hưởng của chất độc da cam. Từ khi sinh ra đến nay, bé Nhung do mình tay ông nội săn sóc. Bé hợp với ông nội, cái gì cũng đòi ông. So với các cháu, Nhung luôn được ông ưu ái vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt.
Vậy mà đến khi bé được 20 tháng tuổi, bé sốt liên miên, khó thở. Đưa đến bệnh viện khám lúc đầu bác sĩ nghi viêm phổi nhưng bệnh không thuyên giảm. Bé được giới thiệu lên tuyến trung ương. Tại đây, bé được chẩn đoán ung thư. Nghe đến hai từ ung thư, ông nội cháu bé sững sờ. Đứa trẻ bé thế này bị ung thư lại còn di căn thì sống sao nổi. Có lúc, ông nghĩ thôi thì đưa cháu lên Hà Nội, nếu cháu không qua khỏi thì cũng chết trên tay bác sĩ.
Hình ảnh dễ thương của bé Nhung.
Một mình ông nội bé đưa Nhung lên Hà Nội với hi vọng cuối cùng. Lúc đầu, bác sĩ điều trị cho bé Nhung là một bác sĩ khác, lại chuyển công tác. Bé Nhung còn chưa biết ai sẽ nhận điều trị vì trường hợp của bé ngàn cân treo sợi tóc. Trong lúc ông cháu chưa biết thế nào, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương đã nhận là bác sĩ điều trị cho cháu bé.
Nhưng ông nội của bé nghĩ cháu yếu quá, ai cũng nghĩ không qua được nên đã đưa cháu về quê. Về nhà, hai ông cháu làm bạn với nhau. Thấy bé khó thở nhiều hơn, không ăn được, yếu ớt, ông lại bế cháu lên bệnh viện điều trị với niềm hy vọng mong manh. Trải qua những tháng ngày gian khổ, hai ông cháu không có tiền nhưng lần này ông vẫn quyết tâm chữa bệnh cho cháu.
Nhớ lại lúc ấy, ông nội Nhung bảo: "Khổ lắm, bố mẹ cháu bé câm điếc bẩm sinh, cháu không theo bà nên mọi chăm sóc chỉ có ông. Trẻ nhỏ ốm đau ở viện được bố mẹ chăm sóc, còn cháu Nhung chỉ có hai ông cháu. Lúc nào tôi cũng ôm cháu vào lòng thật chặt để bù đắp thiệt thòi cho cháu.
Tôi ngủ ngoài sân, ngủ hành lang như bao ông bố bà mẹ khác, tất cả vì cháu gái. Lương hưu không đủ hai ông cháu trang trải ở viện. Cái khó bó chặt cái khôn, có lúc tôi nghĩ thôi thì mặc kệ ra sao thì ra nhưng phải chữa cho cháu nó đến cùng. Điều mong mỏi ấy dần thành hiện thực. Cháu ngày càng khỏe hơn, da dẻ hồng hào. Gần 1 năm gắn bó với bệnh viện, cháu Nhung đã khỏi bệnh và đến nay bé đã hết học hết lớp 4.
Ngày ra viện, ông nội của Nhung đã chuẩn bị quà đến cảm ơn các bác sĩ, ban lãnh đạo bệnh viện để bày tỏ lòng biết ơn đối với các bác sĩ của khoa Nhi nhưng không ai nhận quà của ông cháu Nhung. Bác sĩ Hiển lúc ấy là phó giám đốc Bệnh viện K còn bảo ông cháu về quê cứ khỏe mạnh là bác sĩ mừng, khi nào lên khám lại gặp nhau bắt tay cười nói là mọi người đều vui. Một năm điều trị ung thư cho cháu tốn kém nhưng chẳng có nghĩa lý gì với ông cả.
Đến nay, bé Nhung khỏe mạnh đi học cùng bạn bè. Nhìn Nhung khỏe mạnh, đáng yêu không ai tin rằng cô bé này đã từng suýt mất mạng vì căn bệnh ung thư. Bé Nhung điều trị bệnh từ nhỏ nhưng khoa Nhi của Bệnh viện K trung ương lại quá quen thuộc với bé.
Hiện tại, Nhung học hết lớp 4 và là học sinh giỏi của trường. Ngoài học văn hóa, ông nội bé còn cho bé Nhung tham gia câu lạc bộ múa đao để nâng cao sức khỏe. Nhung còn tham gia rất nhiều hội thi của tỉnh.
Cô bé nhỉ nhảnh lúc nào cũng bám chặt lấy ông. Nhung nói "Con yêu ông con nhất, tối con chỉ thích ôm ông ngủ". Nhìn đứa cháu gái lúc nào cũng tươi vui, ông nội của bé Nhung cười "Giờ nghĩ lại lúc cháu nó ngàn cân treo sợi tóc tôi vẫn thấy sợ. Thật may cho cháu nó khỏe mạnh như các bạn để đến trường".