Gia đình nghèo ấy đã chạm tay đến ước mơ khi vận may chợt đến nhờ vé số. Thế nhưng họ không thể ngờ, khoản bạc tỷ bỗng nhiên “rơi xuống đầu” kia lại trở thành điềm báo một tai họa.
Theo lời ông, sau bận trúng vé số tiền tỉ, cả gia đình có ngồi họp lại và lên kế hoạch chia tiền rồi còn tính kế sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng trong nhà. Tuy nhiên, mọi rắc rối cũng bắt đầu xuất phát từ đây. Bảy người con của ông, khi nhắc đến chuyện tiền thì “mắt cứ sáng rực như đèn pha ô tô”, đứa nào cũng đòi phải được phần hơn.
Ngồi trước mặt cha mẹ, có đứa còn ngồi kể chi li việc cho ba mượn mấy chục ngàn đi đám giỗ; đứa thì kể lể chuyện mua giúp má mấy con cá, mớ rau; đứa thì chen ngang lớn giọng bảo cho ba vay mấy trăm ngàn, rồi tiền triệu… Cứ thế, các con ông ngồi thao thao bất tuyệt, lớn tiếng trình bày tuốt tuồn tuột “công trạng” ra nhằm được ba má ưu ái chia thêm tiền. Cũng từ đây, đồng tiền “đè” luôn tình cảm của mấy người con ông.
Nghe đến đó, ông L. bực quá gắt giọng bảo: “Tiền ba má chia đều, đứa nào cũng như nhau hết trơn. Giờ ba tính thế này, trước hết để vợ chồng già dựng lại căn nhà che mưa tránh nắng, còn lại chút vốn phòng thân. Đứa nào không đồng ý thì cũng không được nhận tiền luôn”. Thấy ba làm căng, các con ông đành miễn cưỡng nhận tiền nhưng trong bụng vẫn ấm ức. Thậm chí, từ con gái tới con trai đều ngấm ngầm theo dõi xem ba má có lén lút cho đứa này, đứa kia hơn không.
Từ đó, tình cảm anh em ruột thịt cũng dần tan vỡ. Đáng trách hơn nữa, các con ông khi có tiền lại vung tay quá trán, mua sắm xe ga, đồ hiệu, vòng vàng trang sức đeo lủng lẳng khắp người thể hiện… mình giàu và chẳng còn chí thú làm ăn. Nhìn thấy cảnh đó, người cha càng đau lòng. Ông không thể tin nổi, chính mấy tờ vé số mình vô tình may mắn trúng thưởng lại là tác nhân làm hại con cái, dẫn đến bi kịch gia đình.
Ông càng buồn hơn nữa, bởi lúc cất được căn nhà khang trang, sắm được chiếc xe máy đàng hoàng và ít vật dụng như tủ lạnh, tivi màn hình phẳng, bếp ga thì số tiền còn lại cũng chẳng dư được bao nhiêu. Nhưng cứ dăm bữa nửa tháng, mấy người con của ông lại tìm đến tỉ tê, nài nỉ xin ông thêm chút tiền mua sữa, tiền đóng học phí, tiền đổ xăng… Lúc ông kêu hết tiền, mấy người con lại quay sang lườm nguýt, xỉa xói.
Riêng người con trai út ở cùng vợ chồng ông, trước kia được xem là “ngoan nhất nhà” thì nay có tiền vào bỗng dưng thay đổi tâm tính. Hàng ngày, cậu con trai này trở thành khách quen của mấy quán nhậu, mấy điểm đánh bida độ, mát-xa, bài bạc và chiều nào cũng mua vài lốc vé số chờ vận may. Ăn chơi bạt mạng, đến khi hết tiền, túng quá, cậu lấy luôn sổ đỏ của ba đi cầm cố, rồi xe máy, tivi cũng lần lượt “đội nón ra đi”. Ấm ức, cay đắng nhưng ông đành cắn răng cùng vợ… đi ở ké người quen. “Coi như số tui không có phúc nên mới ra nông nỗi này. Đó cũng là bài học để mọi người đúc rút kinh nghiệm khi “giàu đột xuất””, ông nói.
Giờ cuộc sống của vợ chồng ông cũng đang rơi vào bi kịch với cảnh túng thiếu triền miên. Con cái ông khi thấy ba mẹ hết tiền cũng chẳng màng ngó thăm, chỉ mạnh ai người đó lo phận. Tuy không nói ra, nhưng hàng xóm ai cũng bảo, các con ông sau giai đoạn “lên đời” thì đã quay trở về kiếp nghèo vì thói vung tiền.
Mua chịu vé số chờ vận may Bà K., một người từng bán vé số cho ông L. kể với người viết rằng: “Lúc trúng vé số, ông L. cũng biết điều dữ lắm. Sau này nghe nói con cái tranh giành nhiều quá khiến ông mới sinh ra vậy. Mấy hôm trước, ông còn đến quầy vé số của tui mua chịu vài tờ, thấy thương tình nên tui cũng để. Mua thì vậy thôi, chứ trúng thêm lần nữa chắc khó quá. Trời đã thương mà không biết giữ thì chắc gì đã còn có cơ duyên”. |