Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố yêu cầu xử phạt người dân không hợp tác phòng dịch sốt xuất huyết.
Theo Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 40.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 51 tỉnh, thành phố và đã có 25 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, đến hết tháng 9/2-15 ghi nhận 2.700 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, điều kiện thời tiết các tháng cuối năm mưa nhiều, độ ẩm cao thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Gia đình nào không hợp tác trong công tác phòng dịch sốt xuất huyết sẽ bị xử phạt hành chính
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, qua theo dõi 20 năm nay, ông thấy đỉnh dịch sốt xuất huyết thường rơi vào tháng 9, 10, 11. Tuy vậy, khó khăn trong phòng dịch hiện nay là người dân còn chủ quan, lơ là. Người dân thấy mình chưa mắc sốt xuất huyết nên nghĩ dịch còn ở đâu đó, cán bộ y tế khó tiếp cận để phổ biến biện pháp chống dịch và phun thuốc phòng dịch gặp khó khăn.
Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố đã đi kiểm tra công tác phòng dịch sốt xuất huyết tại quận Hoàng Mai.
Tại đây, ông Sửu yêu cầu, nếu gia đình nào không hợp tác trong công tác phòng dịch sốt xuất huyết phải xử phạt hành chính nhằm hạn chế ca mắc mới, ngăn chặn và khống chế dịch.
Trước đó, tại TP.HCM cũng có quyết định phạt nặng nếu người dân thờ ơ phòng chống dịch sốt xuất huyết.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho hay, đối với những gia đình đã được vận động, nhắc nhở, cam kết tham gia phòng chống dịch sốt xuất huyết nhưng không thực hiện, chính quyền địa phương cương quyết xử phạt và thông báo rộng rãi đến các hộ dân. Trên thực tế, một số hộ dân đã bị phạt vì không hợp tác, thờ ơ với việc phòng dịch, có người đàn ông bị phạt 1,5 triệu đồng.
Để phòng dịch hiệu quả, Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân nên loại trừ các ổ chứa bọ gậy sốt xuất huyết như: Lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, đậy kín nắp các bể đựng nước sinh hoạt, thường xuyên thay rửa nước trong các bình bông (lọ hoa)… ; Hợp tác với cán bộ y tế phun hóa chất, loại trừ ổ dịch sốt xuất huyết; Người dân cũng nên chủ động đến các cơ sở y tế sớm ngay khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên để được khám, điều trị sớm nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong.
Tại Nghệ An, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu tháng 8 đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 người mặc bệnh trong đó đa số là trẻ em ở 3 huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu và Hưng Nguyên (Nghệ An).
Các cháu nhỏ được tham khám và điều trị bệnh tại bệnh viện huyện Hưng Nguyên.
Theo thông tin mới nhất, hiện nay Sở Y tế Nghệ An đã thành lập đoàn để về các điểm mới của 2 ổ dịch sốt xuất huyết ở huyện Hưng Nguyên và Diễn Châu. Hiện tại, 2 ô dịch xuất huyết này có tới 49 người bị mắc bệnh trong khi người dân ở các địa phương vẫn thờ ơ với dịch bệnh.
Ông Nguyễn Nhật Cảm- Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội khẳng định, biện pháp quan trọng là phun thuốc muỗi chống dịch, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Cũng theo ông Cảm, thuốc phun hoàn toàn được miễn phí. Trước khi phun thuốc, Trung tâm y tế phường, xã sẽ có thông báo trên loa và thông báo cho tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng thôn để phổ biến lịch cho người dân. Mùi thuốc có thể hắc, tuy nhiên không độc, người dân có thể tạm đi ra khỏi địa điểm phun thuốc 5-10 phút cho đỡ mùi hắc và sau đó quay lại sinh hoạt như bình thường. Khi cán bộ y tế tiến hành phun muỗi, các hộ gia đình nên phủ, đậy kín các vật dụng gia đình, đồ ăn, quần áo. |