Trong vòng một tuần qua, Hà Nội ghi nhận 284 ca mắc sốt xuất huyết, toàn thành phố hiện vẫn còn 39 ổ dịch đang hoạt động.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 27/9 đến ngày 3/10), toàn thành phố ghi nhận 284 ca mắc sốt xuất huyết, 0 ca tử vong, tăng 5 trường hợp so với tuần trước (279 trường hợp, 0 tử vong).
284 ca mắc phân bố rải rác ở 29 quận, huyện, thị xã. Một số đơn vị ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Đan Phượng (35); Thanh Xuân (30); Hà Đông (25); Chương Mỹ (18); Bắc Từ Liêm (17); Thạch Thất (15); Hoàng Mai (13); Đống Đa (12); Phú Xuyên, Quốc Oai (10).
Trong tuần thành phố ghi nhận 23 ổ dịch tại 13 quận, huyện: Chương Mỹ, Hoàn Kiếm, Thạch Thất mỗi nơi 3 ổ dịch; Ba Đình, Đống Đa, Gia Lâm, Hà Đông mỗi nơi 2 ổ dịch; Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Oai, Thanh Xuân đều ghi nhận 1 ổ dịch.
Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay ghi nhận tất cả 3.814 trường hợp mắc, 0 tử vong, giảm 78,7% so với cùng kỳ 2023 (17.947). Từ đầu năm 2024 đến nay cũng ghi nhận tổng cộng 206 ổ dịch, hiện còn 39 ổ dịch đang hoạt động.
Sau mưa lũ, sốt xuất huyết có nguy cơ gia tăng số ca mắc. Ảnh minh họa.
Trong tuần qua, ngành y tế Hà Nội tiếp tục theo dõi chặt chẽ và cập nhật tình hình dịch bệnh để kịp thời có các biện pháp phòng, chống. CDC Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các hoạt động giám sát, điều tra, xử lý dịch tại khu vực có ca bệnh, ổ dịch. Nhận định tình hình dịch, số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới do đang ở giai đoạn cao điểm dịch sốt xuất huyết hàng năm.
Trao đổi với PV, TS Nguyễn Văn Dũng - Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, cho biết miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng mới trải qua cơn bão số 3, nhiều nơi xuất hiện tình trạng lũ lụt nên bệnh sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát sau bão lũ là rất lớn. Đây là thời điểm các ổ bọ gậy và muỗi phát sinh mạnh. Khi đó, khả năng tiếp xúc giữa người dân và các nguồn lây này lớn hơn, dẫn đến nguy cơ xảy ra dịch cao hơn.
Ngoài ra, sự chủ quan của người dân cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Sau mưa bão và ngập lụt, mọi người thường quan tâm đến việc khắc phục hậu quả hơn là kiểm tra các ổ muỗi hay dụng cụ chứa nước trong gia đình, từ đó tạo điều kiện cho muỗi phát triển và gây bệnh.
Để phòng bệnh, TS Dũng cho rằng, trước hết người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh bằng cách chống ổ muỗi và bọ gậy. Theo đó, hãy vệ sinh nơi ở, ổ chứa nước mưa, loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước để không tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng.
Mọi người nên chủ động phòng tránh muỗi đốt và tiêu diệt dụng cụ chứa nước để tránh muỗi đẻ trứng. Ảnh minh họa.
Tại gia đình, mọi người nên chủ động ngủ màn để phòng muỗi đốt cả ban ngày và ban đêm. Mỗi gia đình nên trang bị bình xịt côn trùng, dung dịch khử khuẩn để để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Với trẻ nhỏ chưa thể chủ động phòng tránh muỗi đốt, bố mẹ có thể dùng tã trẻ em xua muỗi, khăn lau xua muỗi hoặc các loại kem bôi chống muỗi được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành cũng giúp phòng tránh muỗi hiệu quả.
Các gia đình không nên tự ý phun thuốc muỗi, mà chỉ phun khi có ổ dịch lưu hành và có sự giám sát của nhân viên y tế. Bởi việc pha thuốc đúng tỉ lệ, phun đúng quy cách cũng rất quan trọng để tránh tình trạng muỗi bị kháng thuốc hoặc gây hại cho người. Khi bị sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.