Học sinh bị cận 6 diop trở lên, nếu không có biện pháp bảo vệ mắt khoa học thì rất rất có thể bị bong võng mạc và dẫn đến bị mù mắt.
Cận thị hiện đang là căn bệnh có tỷ lệ gia tăng rất nhanh theo từng năm. Điều đáng nói, căn bệnh này tập trung chủ yếu ở lứa tuổi học đường. Chia sẻ với phóng viên Ths. BS Lỗ Văn Tùng, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Vệ sinh và Sức khỏe trường học (Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường – Bộ Y tế) cho biết, tỷ lệ cận thị ở khối học sinh THCS (cấp II) hiện nay tăng gấp 10 lần so với trước.
Theo đó, tỷ lệ cận thị đã tăng gấp 10 lần nếu so sánh nhóm học sinh THCS những năm 1960 so với hiện nay. Điều đáng nói là số học sinh nội thành có nguy cơ cận thị cao hơn gấp 3,11 lần so với học sinh vùng ngoại thành.
Tỷ lệ học sinh cận thị tăng gấp 10 lần so với trước đây.
BS Tùng cho biết, cận thị là một loại tật khúc xạ của mắt khiến cho mắt không nhìn xa được, nếu muốn nhìn rõ vật thì phải đeo kính phân kỳ (kính lõm) hoặc để vật gần mắt hơn. “Hiện nay, cận thị học đường không những đang có xu hướng tăng lên ở các khu vực thành phố, thị xã mà còn bắt đầu xuất hiện ở các lớp học đầu cấp và ở các vùng nông thôn”, BS Tùng nhận định.
Theo BS Tùng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cận thị học đường ngày càng gia tăng trong thời gian qua là do yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Theo đó, đối với các trẻ có bố mẹ mắc bệnh cận thị thì nguy cơ trẻ mắc bệnh cận thị cao hơn so với các trẻ khác.
Ngoài ra, yếu tố môi trường như môi trường sống và môi trường trường học có ảnh hưởng rất lớn dẫn đến tình trạng cận thị học đường gia tăng. “Môi trường sống chật hẹp, nhất là ở thành phố làm cho tầm nhìn của học sinh bị giới hạn, thiếu không gian cho trẻ em vui chơi, vận động ở ngoài trời cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị cận thị.
Cuối cùng là môi trường trường học, trong đó vấn đề chiếu sáng ở các lớp học ảnh hưởng rất lớn đến sự điều tiết của mắt. Bởi, nếu mắt phải làm việc trong môi trường thiếu hoặc không đủ ánh sáng trong một thời gian dài sẽ làm cho mắt phải điều tiết liên tục, điều này dẫn đến trục trước và trục sau của mắt bị kéo dài ra hơn bình thường, do đó ảnh của vật sẽ hiện lên trước võng mạc làm cho sức nhìn của mắt giảm, nhìn không rõ”, BS Tùng phân tích.
Ngoài ánh sáng lớp học thì bàn ghế, sách vở, chế độ học tập và thói quen hành vi không đúng qui cách như: thời gian nhìn gần kéo dài, tư thế học bài không đúng, thiếu ngủ, ít vận động …cũng là những yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng cận thị học đường ngày càng gia tăng.
Cận thị học đường gia tăng do rất nhiều nguyên nhân.
“Khi học sinh bị cận thị sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với việc học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày. Theo đó, nếu trẻ bị cận thị, sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập do chất lượng học tập bị giảm vì các động tác trong quá trình học như: viết, đọc và làm bài bị chậm hơn so với các bạn có đôi mắt bình thường.
Trong sinh hoạt hàng ngày và lựa chọn việc làm, nghề nghiệp chắc chắn sẽ chậm chạp và khó khăn do mắt nhìn kém, không linh hoạt. Một số ngành nghề đòi hỏi độ chính xác cao thì người cận thị không thể làm tốt được và cũng không được tuyển chọn mặc dù họ rất yêu thích và tâm huyết với lĩnh vực đó”, BS Tùng phân tích.
Theo Ths. Tùng, khi đã mắc bệnh cận thị nếu không có biện pháp đề phòng và không đeo kính đúng số thì bệnh sẽ ngày một nặng thêm, ở những người bị cận thị nặng (6 đi ốp) trở lên rất có thể bị bong võng mạc và dẫn đến bị mù.
“Bởi vậy, khi thấy học sinh hoặc con em mình thường hay nheo mắt, chói mắt, dụi mắt hoặc chảy nước mắt thì thầy cô giáo, phụ huynh hãy đưa trẻ đi khám chuyên khoa, bởi đây là những biểu hiện của tật cận thị ở trẻ.
Ngoài những triệu chứng trên thì khi trẻ có các biểu hiện như: hay nhức đầu, luôn có xu thế nhìn gần, chép nhầm bài (do không nhìn rõ chữ trên bảng) hoặc kém hiệu quả trong các hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ hình, tập đọc…phụ huynh cũng cần phải đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được các bác sĩ khám và tư vấn”, BS Tùng khuyến cáo.