Khi chung cư thiết lập "vùng xanh" phòng chống COVID-19: Những thay đổi khác biệt
Người dân sinh sống ở "vùng xanh" ngoài việc chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ còn phải tuân thủ quy định về phòng, chống dịch do chính khu dân cư lập nên.
Hiện nhiều khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đã thiết lập “vùng xanh” – khu vực không có dịch COVID-19 nhằm kiểm soát ra vào trước mỗi tòa nhà, bảo vệ cư dân một cách an toàn nhất. Theo đó, người dân ngoài việc chấp hành Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, còn phải tuân thủ đúng quy định về phòng, chống dịch do chính khu dân cư lập nên.
Ghi nhận tại chung cư tòa Park 7, Times City (Mai Động, Hoàng Mai), ngay sau khi nhận được công văn thành lập tổ tự quản an toàn nhằm phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền, chốt “vùng xanh” trước cổng - cửa tòa nhà đã được dựng lên.
Ngay sau khi nhận được công văn thành lập tổ tự quản an toàn nhằm phòng chống dịch COVID-19 của chính quyền, chốt “vùng xanh” trước cửa tòa nhà Park 7 đã được dựng lên.
Được biết, các chốt do thành viên của tổ tự quản thay phiên trực tại các khu vực tự quản để quản lý “vùng xanh” theo mô hình “3 lớp” (tức là nhận diện trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và “4 tại chỗ” (tức chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ trong mọi cấp độ, tình huống của dịch bệnh, kể cả mức cao nhất”. Ngoài ra, tổ tự quản sẽ tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh; thực hiện quản lý tòa nhà 24/24/7, không cho người lạ vào khu vực, kiểm tra và ngăn chặn những người ra đường không có lý do chính đáng;…
Kiểm soát người ra - vào nghiêm ngặt: người lạ, khách ra vào đều phải khai báo y tế
Chị Linh (SN 1985) - một cư dân sinh sống tại tòa Park 7 cho biết: “Tại chốt, nội quy phòng chống dịch được đề ra và người dân được tuyên truyền tuân thủ nghiêm ngặt. Cụ thể, tất cả người lạ, khách ra vào đều phải khai báo y tế, thực hiện thông điệp 5K. Cư dân đi ra ngoài buộc phải ghi chép đầy đủ thông tin: họ tên, ngày giờ, số điện thoại, lý do...
Cư dân đi ra ngoài phải ghi chép đầy đủ thông tin: họ tên, ngày giờ, số điện thoại, lý do...
Ship hàng - Nhận hàng: Không tiếp xúc, chỉ để hàng và nhận hàng tại bàn cố định
Về vấn đề nhận hàng từ các shipper, tòa nhà chia thành: nội khu và ngoại khu. Đối với giao hàng nội khu (tức shipper trong nhà), hàng hóa chỉ được giao đến bàn trực chốt. Sau đó cư dân sẽ xuống lấy hàng và trả tiền thông qua hình thức chuyển khoản, hạn chế đưa tiền mặt. Còn shipper từ bên ngoài không được phép vào trong, vì thế cư dân sẽ ra tận cuối khu lấy nhưng vẫn đảm bảo giãn cách theo đúng quy định".
Shipper ở ngoài phải tập kết hàng ở một điểm. Sau đó cư dân sẽ xuống tận nơi nhận hàng.
Cư dân chỉ được nhận hàng hóa nội khu tại bàn trực chốt.
Chị Quỳnh Anh (SN 1989) – cư dân sống tại một chung cư nằm trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm) cho hay, từ ngày 9/8, nơi đây đã bắt đầu thiết lập “vùng xanh” để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bùng phát. Theo đó các tòa lập chốt tại lối lên xuống sảnh. Việc giao nhận hàng của cư dân với shipper, hãng vận chuyển đều phải thực hiện nhận/trả tại chốt. Các xe đưa đón người không được vào khu vực phía trong tòa nhà.
Trường hợp cư dân muốn ra khỏi "vùng xanh" cần xuất trình giấy tờ tùy thân và giấy tờ cho phép ra khỏi nhà do cơ quan, tổ chức cấp. Hơn nữa, cơ quan tổ chức này phải được phép hoạt động theo Chỉ thị số 17 của UBND thành phố Hà Nội.
Việc giao nhận hàng của cư dân với shipper, hãng vận chuyển đều phải thực hiện nhận/trả tại chốt.
“Cư dân chúng tôi đã thực hiện đúng quy định theo Chỉ thị 16 cũng như tòa nhà, song vẫn có hiện tượng người giao hàng là chính cư dân hoặc khu xung quanh đi từ hầm - sảnh lên căn hộ các tầng rồi treo ở cửa. Ban quản lý tòa nhà đánh giá đó là việc rất nguy hiểm vì không chủ động kiểm soát được người ra vào thang máy, gây khó cho đội trực chốt. Vì thế, họ đã đề nghị những ai nhận hàng nội khu xuống sảnh tầng 1. Ở đó, họ bố trí một bàn giao khu ngoài sảnh. Tôi thấy việc làm đó hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như này”, chị Quỳnh Anh nói.
Chị Quỳnh Anh cho biết thêm, trường hợp các căn hộ thuộc diện đặc biệt như ốm đau, bệnh tật.... không thể xuống sảnh lấy đồ, đội trực chốt có thể hỗ trợ tận nơi. Điều này thể hiện phần nào cái tình của ban quản lý tòa nhà với các cư dân.
Mua nhu yếu phẩm: Không ồ ạt vào tận quầy, giữ khoảng cách, khuyến khích thanh toán online
Cũng theo chị Linh, việc mua bán thực phẩm thiết yếu đã có sự thay đổi. Nếu trước kia siêu thị và cửa hàng bán rau củ, quả được phép bán trực tiếp thì sau khi thiết lập “vùng xanh” đã không còn, chỉ bán online. Tại các hiệu thuốc, mọi người muốn mua phải xếp hàng và đứng cách nhau 2m, sau đó từng người từng người vào một. Thậm chí hiệu thuốc cho nhân viên đi từng nhà, treo trước cửa một túi khẩu trang của trẻ em, người lớn.
Nếu trước kia, cư dân được thoải mái vào trong thì giờ phải đứng ngoài chờ lấy đồ.
Vệ sinh khử khuẩn được thực hiện triệt để
"Ngoài ra, công tác vệ sinh khử khuẩn được thực hiện một cách triệt để. Tại hành lang cũng như trong thang máy các tầng trong tòa nhà đều bố trí sẵn bình xịt khử khuẩn. Cư dân tự giác xịt khuẩn khi ra ngoài, lên xuống lấy đồ. Tôi thấy hầu hết mọi người đều đồng lòng, vui vẻ, tự nguyện thực hiện nội quy, thậm chí còn nhắc nhở lẫn nhau nhằm bảo vệ “vùng xanh” của mình”, chị Linh bày tỏ.
Tại một hiệu thuốc trong khu, người dân xếp hàng và đứng cách xa nhau 2m nhằm đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Lều dân phòng được lập ngay giữa khu để tổ trực chốt giám sát cư dân.
Tin liên quan
Bà là con gái của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, là vợ của Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị vua đã sáng lập Thiền phái Trúc Lâm. Vốn là...
Tin bài cùng chủ đề Tin tức Hà Nội
TP Hà Nội bắn pháo hoa 5 điểm (6 trận địa) tại các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và huyện Đông Anh từ 0h đến 0h15 ngày 1/1/2025.