33 mẫu khoai tây, cà rốt, tỏi Trung Quốc … vừa được kiểm tra tại Đức Trọng và Đà Lạt (Lâm Đồng) đều có kết quả an toàn với người tiêu dùng.
Đây là kết quả kiểm tra các loại khoai tây, cà rốt, tỏi Trung Quốc mà Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng vừa công bố chiều nay (26/6).
Có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng ngưỡng an toàn
Cụ thể, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho hay, có 10 mẫu khoai tây bao gồm cả nguồn gốc từ Đà Lạt và Trung Quốc không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
15 mẫu khoai tây nguồn gốc từ Đà Lạt và Trung Quốc có phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng nằm trong giới hạn an toàn cho phép với người tiêu dùng.
Ngoài ra, có 8 mẫu cà rốt Trung Quốc, hành tây Trung Quốc, tỏi Trung Quốc không phát hiện hoặc có phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng nằm trong giới hạn cho phép an toàn với người tiêu dùng.
Đây là kết quả của đợt tăng cường kiểm tra, làm rõ dư lượng các chất bảo vệ thực vật trên một số nông sản nhập từ Trung Quốc có mặt ở Đà Lạt sau vụ việc sáng 15/6, đội Kiểm tra liên ngành do Phòng kinh tế UBND TP Đà Lạt, Lâm Đồng đã bắt và tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc có dư lượng chất chlorpyrifos (chất diệt mối) cao gấp 16 lần mức cho phép của Bộ Y tế.
26 tấn khoai tây bị tiêu hủy nằm trong lô hàng 82 tấn của bà Nguyễn Thị Nguyệt, 44 tuổi, ngụ tại tổ Thái An, P.12, TP Đà Lạt nhập về thông qua Công ty TNHH MTV thương mại và xuất nhập khẩu Vân Linh (Lào Cai) bị nghi là được đưa lên Đà Lạt để làm giả khoai tây Đà Lạt.
Khoai tây Trung Quốc được nhập về và gia công thành khoai tây Đà Lạt
Xây dựng thương hiệu khoai tây chính gốc Đà Lạt
Sau vụ việc trên, Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng cho hay, hiện Sở này đang đẩy mạnh xây dựng thương hiệu khoai tây Đà Lạt chính gốc.
Việc này nhằm loại bỏ việc “lập lờ” nguồn gốc giữa khoai tây Đà Lạt và khoai tây Trung Quốc trong suốt thời gian qua.
Trong những năm trở lại đây, khoai tây và cà rốt là hai mặt hàng được nhập nhiều nhất từ Trung Quốc trong các nhóm hàng rau, củ, quả tươi.
Tại Trung Quốc, mùa khoai tây kéo dài đến hết tháng 4 hàng năm, trong khi, tại Việt Nam, khoai tây chỉ được trồng vào vụ Đông. Việc phân biệt khoai tây Đà Lạt và khoai tây Trung Quốc không khó như người tiêu dùng nghĩ lâu nay.
Còn đối với khoai tây Đà Lạt, Sở NN&PTNT Lâm Đồng, hiện ngoài vùng nông sản nổi tiếng là Đà Lạt, cộng thêm các huyện lân cận khác như Đơn Dương, Đức Trọng có khoảng 1.800 héc ta trồng khoai tây. Sản lượng hàng năm khoảng 28.000 tấn.
Do đó, lượng khoai tây Đà Lạt ít, không đủ cung cấp cho thị trường cả nước, và chỉ có từ tháng 12 đến hết tháng 5 chứ không thể có quanh năm. Hiện nay, diện tích khoai tây trên lại có xu hướng giảm vì bị cạnh tranh bởi khoai tây Trung Quốc giá rẻ.
Mục tiêu của tỉnh này là phát triển nguồn nguyên liệu khoai tây lên 2.200ha, sản lượng khoảng 36.600 tấn vào năm 2015 để tăng cường nguồn cung cấp khoai tây thương hiệu Đà Lạt cho cả nước.