Khi mới sinh ra, cậu bé Tráng A Páo, ở bản Hua Tạt, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) đã khác những đứa trẻ khác vì có một chỏm tóc dài như đuôi dế ở sau gáy. Lớn lên, hễ cắt tóc là cậu bé Páo lại ốm lăn ốm lóc.
Đỉnh điểm là năm 15 tuổi, sau một lần đi cắt tóc về, Tráng A Páo bị ốm, nằm liệt giường chờ chết. Từ đó đến nay đã hơn 70 năm, Tráng A Páo không dám cắt tóc thêm một lần nào nữa.
Kỳ nhân Tráng A Páo với mái tóc dài gần 3m sau gần 70 năm không cắt tóc. Ảnh: B.T
Cứ cắt tóc là ốm thập tử nhất sinh
Bản Hua Tạt nằm gọn lỏn sau những ngọn núi trùng trùng điệp điệp và những con đèo quanh co, uốn lượn của tuyến đường Quốc lộ 6. Chúng tôi dừng chân trước một tốp thanh niên mới lớn, hỏi đường về nhà ông Tráng A Páo. Một cậu bé hỏi: “Lão Páo giỏi nhất Hua Tạt à? Lão Páo có bộ tóc dài nhất Hua Tạt phải không? Nhà lão kia kìa. Các anh cứ đi qua mấy ngôi nhà nữa là đến thôi”.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến trước một căn nhà gỗ còn vương mùi sơn, rộng rãi, thoáng mát. Lão Tráng A Páo đầu búi chiếc khăn trắng, bên trong có một vạt tóc đuôi sam lệch sang phía bên phải và được quấn thành nhiều vòng xung quanh đầu mời chúng tôi vào nhà. Mặc dù đã 88 tuổi nhưng ông rất nhanh nhẹn, giọng nói tiếng Kinh lơ lớ như một thứ “đặc sản” của bất kỳ người Mông nào.
Khi được hỏi tại sao lại có búi tóc dài như vậy trên đầu, ông tâm sự: “Chẳng hiểu sao trong gia đình lại có tôi và một người anh nữa, khi sinh ra đã có một chòm tóc nhỏ ở sau gáy mọc dài hơn bình thường. Người anh khi cắt đi thì không sao, nhưng ông cứ mỗi lần cắt lại ốm những trận đến thập tử, nhất sinh. Đến bây giờ, khi đã muốn về với con giun, con dế, tôi vẫn kinh sợ chuyện… đi cắt cái tóc lắm”.
Nhẹ nhàng tháo chiếc khăn trắng trên đầu xuống, hiện ra một phần là tóc ngắn đã ngả màu bạc trắng và một dải tóc rối bết vào nhau, có chiều dài mà ông đã đo lên tới gần 3m. Chòm tóc này được ông tết theo hình đuôi sam có màu nâu như hạt cà phê. Khi trực tiếp chạm vào thì có cảm giác như tóc được kết dính bằng một chất keo nào đó. Nhưng theo lão Tráng A Páo thì ông không hề dùng chất kết dính gì cả. Vừa mân mê mớ tóc đã gắn bó hơn 70 năm, lão Páo kể: Khi còn nhỏ, lúc đó khoảng 14, 15 tuổi gì đó, sau một lần cắt tóc về nhà thì ông bị ốm liệt giường.
Lo lắng ông không thể qua khỏi, mọi người trong nhà ông phải mời các thầy mo giỏi khắp nơi về “cúng con ma” nhưng tất cả đều lắc đầu. Không còn cách nào khác, mọi người chờ… ông chết. Nhưng kỳ lạ, sau một thời gian thì ông dần hết ốm và… ngồi dậy đi lại, ăn uống bình thường. “Cũng từ đó, mình thấy cơ thể có điều gì rất khác thường. Và cứ mỗi lần đi cắt tóc về là mình lại lăn ra ốm. Ốm nhiều quá đâm sợ nên từ đó mình không cắt nữa”, lão Páo kể câu chuyện kỳ lạ của cuộc đời mình.
Không “bắt” được vợ vì gái bản sợ
Thời gian trôi đi, mái tóc ngày một dày và dài hơn khiến ông gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt. Ông bảo, ban đầu tóc nặng, lại nghiêng hẳn sang một bên khiến đầu ông đau như búa bổ. Mấy lần khó chịu quá, định làm liều cắt phăng nó đi, nhưng nghĩ đến mấy trận ốm đã trải qua, ông lại từ bỏ ý định đó. Rồi cái đau đầu cũng hết, tóc dài khó gội đầu dần ông cũng quên luôn cả gội đầu, lâu dần mái tóc bết lại như người ta cuộn dây thừng vậy. Đến nay mái tóc đã dài đến 3m. Những ngày tóc mới dài được 30, 40cm, vì ông gặp khó khăn trong gội đầu nên ngứa như có một tổ kiến đang bò trên đầu “nhưng tôi cứ để vậy mãi rồi cũng quen”.
Việc Tráng A Páo để tóc dài, nhiều người dân trong bản không biết thì trêu chọc rồi bảo ông “bị con ma ám”. Những lời dị nghị càng lớn thì Tráng A Páo càng tủi thân, thậm chí lúc có ý định đi tìm vợ thì con gái trong bản cũng chạy hết, không dám lại gần cho ông “bắt vợ”. Nhưng có điều ông nhận thấy, từ khi mình để mái tóc dài thì đầu óc mình thông minh và sáng dạ hơn trước. Ông là người đầu tiên của bản Hua Tạt được học chữ.
Ông kể, từ hồi kháng chiến chống Pháp đã được học chữ và tiếng Việt thông qua các anh bộ đội mỗi lần hành quân qua đây. Lâu dần, vốn từ mà ông tích lũy cũng nhiều lên, thấy dân bản ai cũng mù chữ, ông đã nghĩ ra cách “khai sáng” cho mọi người trong bản. Nói là làm, khi ông xin Ủy ban Hành chính Khu tự trị Thái - Mèo mở lớp để dạy chữ Tiếng Việt cho bà con trong bản thì nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ.
“Cái khó là vận động bà con dân bản đi học. Ban đầu bà con dân bản từ chối hết vì họ bảo đời sống còn khó khăn, phải lo kiếm cái ăn thôi chứ đi học cái chữ chẳng được gì cả. Để có kết quả, mình phải đi vận động, khuyên bảo nhiều ngày, nhiều tháng rồi cuối cùng dân bản cũng nghe mà đi học lấy cái chữ. Có chữ rồi thì bà con dân bản cũng có thêm phần hiểu biết, những tập tục xấu trong đời sống văn hóa được thay đổi. Tập quán du canh du cư được xóa bỏ”, lão Páo, vị Trưởng bản năm xưa nhớ lại.
Không chỉ tham gia vào công tác giáo dục và chính quyền ở địa phương, ông Páo cũng tích cực tham gia vào công tác phục vụ kháng chiến trong suốt thời kỳ còn chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến. “Giờ già và yếu đi rồi. Thế hệ cháu, chắt tôi đều được học hành ở những trường lớp khang trang. Nhưng nếu ai đó có nhu cầu đến học thì mình vẫn sẵn sàng dạy miễn phí thôi”, lão Páo nở nụ cười hiền hậu.
Là người biết nhiều chữ nhất và lại là “thầy giáo” nên ông Páo được bà con bầu làm trưởng bản. Từ việc vận động bà con nên sống ổn định ở một nơi, ông còn cất công đi khắp nơi học cách trồng ngô, trồng lúa nước rồi về bản dạy lại cho bà con dân bản. Đến giờ, bà con vẫn coi lão Páo là vị già làng có uy tín nhất bản.
Dẫn chúng tôi ra đầu nhà, ông chậm rãi chỉ những ngôi nhà cao tầng, giới thiệu là của ai, làm nghề gì, giàu có ra sao. Vị cựu Trưởng bản ngày nào cảm thấy tự hào thay khi mà càng ngày, đời sống của bà con dân bản ngày càng được cải thiện. Nhất là từ lúc biết đọc, biết viết cái chữ thì học được nhiều điều hay, bổ ích chứ không như trước, chỉ tối ngày say xỉn với rượu và thuốc phiện.
Vị già làng của bản Hua Tạt bộc bạch: “Bao nhiêu năm đi dạy chữ, dạy bà con dân bản cách trồng ngô, trồng lúa, giờ nhìn thấy cảnh nhà nhà, người người trong bản được vui vầy, hạnh phúc, ấm no cảm thấy vui cái bụng vô cùng. Chỉ tiếc là ngày trước mình không sớm nhận ra được cái hại của thuốc phiện để bỏ sớm hơn. Nếu làm được điều như mình nghĩ bây giờ, thì sẽ giúp được bà con dân bản nhiều hơn”.
Tráng A Páo kể, trước đây để học được tiếng Kinh đã phải cố gắng rèn luyện ít nhất 8 tháng mới có thể dạy tiếng Kinh cho đồng bào ở vùng đất này. Khi ông đã thành thạo tiếng Kinh thì được Ủy ban Hành chính Khu tự trị Thái - Mèo lúc đó cấp giấy chứng nhận là giáo viên và được phép mở lớp dạy chữ cho đồng bào. Từ người lớn đến trẻ con, ai cũng đến lớp để học lấy cái chữ do thầy giáo Páo dạy. Nhờ đó, bản Hua Tạt có rất nhiều người biết chữ” |