Hình ảnh đủ các loại rác quấn chặt vào cành cây, ngọn cây rừng phòng hộ ven biển trải dài dọc bờ biển xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hoá) khiến nhiều người xem không khỏi ám ảnh.
Theo phản ánh của người dân xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hoá) vài năm gần đây, mỗi lần thủy triều lên rác từ khắp các nơi đổ về vùng biển Đa Lộc đến khi thuỷ triều rút đi thì rác mắc kẹt lại ở cánh rừng phòng hộ.
Thuỷ triều rút đi nhưng rác ở lại cánh rừng.
Rác thải bủa vây rừng phòng hộ Sú, Vẹt ven biển.
Đủ các loại rác như túi ni lon, chăn, vải vóc… đủ màu sắc quấn chặt vào cành cây, ngọn cây Sú, Vẹt ven biển trải dài hơn 5km dọc bờ biển xã Đa Lộc khiến nhiều người dân phải gọi đây là rừng cây “rác”.
Ngoài ra, xác động vật chết cũng trôi về bờ đê khiến khu vực này luôn trong tình trạng hôi thối, ruồi nhặng sinh sôi tiềm ẩn nhiều mối nguy hại.
"Rác đổ về rừng phòng hộ không chỉ gây ô nhiễm môi trường, mất cảnh quan mà còn làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của chúng tôi. Đặc biệt là đe doạ đến an toàn của người dân khi bão lũ đổ về", ông Nguyễn Văn Bình người dân xã Đa Lộc nói.
Rác thải đa phần là túi ni lông quấn chặt vào các cây rừng khiến cây còi cọc, chết dần.
Chiếc chăn bông cũng quấn chặt vào thân cây.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Đỉnh, Chủ tịch UBND xã Đa Lộc cho biết toàn xã có hơn 400ha rừng phòng hộ ven biển 2 năm tuổi. Tuy nhiên có khoảng 100ha hiện đang bị rác đe dọa làm gãy cành, gãy gập thân cây khiến cây chậm phát triển, còi cọc và chết dần.
Hơn 5km chiều dài rừng phòng hộ ven biển rác mắc chặt lên ngọn cây, cành cây.
“Lượng rác này không ảnh hưởng nhiều đến rừng cây lớn nhưng ảnh hưởng lớn đến cây mới trồng. Trước tình trạng này, xã đã thành lập Ban chỉ đạo với các tổ môi trường xanh phối hợp với đoàn xã Đa Lộc và đoàn trường THCS mỗi tuần đi dọn rác một lần nhưng chỉ xử lý được phần rác dọc bờ biển và rác trên đê kè.
Còn phần rác trên cây Sú, Vẹt rất nan giải và khó xử lý bởi vì không phải nó bám một lần mà ngày nào cũng vậy mỗi khi thủy triều lên thì nước chảy vào bờ thì lượng rác theo nguồn nước vào bờ khi nước xuống thì rác dính lại trên cây”, ông Đỉnh thông tin.
Nhiều em nhỏ vẫn chọn rừng ngập mặn đầy rác làm điểm vui chơi
Ông Đỉnh cho rằng, để xử lý được tình trạng này thì cần có sự chung tay của cộng đồng, bởi rác không phải ở địa phương mà từ thượng nguồn các nhánh sông, biển chảy về, trôi vào trong bờ.
Trước đây cũng từng có rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã về địa phương tham gia trồng rừng, nghiên cứu sinh. Có những tổ chức ở lại nhiều ngày tìm hiểu quy luật nước lên xuống và cách xử lý rác làm sao nhưng vẫn chưa tìm ra giải pháp.
Rác thải tràn ngập trên bờ đê ven biển....
... và cả ở cánh rừng.