Nằm sát vách nhau nhưng hàng trăm năm nay, 2 ngôi làng Thượng Lỗi và Tức Mắc (TP Nam Định) không có chuyện trai gái yêu đương hay kết hôn với nhau.
Đình làng Thượng Lỗi thờ thành hoàng làng Lý Triều Công.
Chuyện làng trong lòng thành phố
Tình cờ trong một lần nói chuyện với người bạn quê Nam Định, chúng tôi được nghe kể về câu chuyện 2 ngôi làng sát vách ở TP Nam Định nhưng hàng trăm nay nay, trai gái 2 làng không có chuyện nảy sinh tình cảm yêu đương hay kết hôn với nhau, đó là làng Tức Mặc và làng Thượng Lỗi. Câu chuyện cuốn hút, khơi gợi trí tò mò của chúng tôi.
Cuối tháng 7, trời miền Bắc nắng như đổ lửa, PV tìm về thành phố Nam Định. Phố thị đông đúc, nhộn nhịp xe cộ qua lại. Các con đường, tuyến phố sầm uất, bày bán đủ các loại mặt hàng.
Cả làng Thượng Lỗi và Tức Mặc nay thuộc phường Lộc Vượng (TP Nam Định). Tuy nằm trong lòng thành phố nhưng 2 ngôi làng vẫn giữ được những nét truyền thống của hồn quê Bắc Bộ xưa kia.
Lý Triều Công có công đánh giặc, đem lại sự bình yên cho làng Thượng Lỗi.
Con đường phân cách giữa hai làng Thượng Lỗi và Tức Mặc giờ trở thành một khu phố buôn bán sầm uất. Tuy nhiên đi vào những con ngõ, những lối xóm người ta sẽ thấy ngay bản sắc của thôn làng xưa với rất nhiều đình chùa, mái nhà trầm mặc, người dân sống gần gũi, giản dị...
Dừng chân vào một quán nước ven đường cạnh đình làng Thượng Lỗi, chúng tôi hỏi dò về câu chuyện trai gái 2 ngôi làng trăm năm không lấy nhau. Người phụ nữ đứng tuổi (chủ quán nước) thoáng nhìn chúng tôi rồi nói: “Chuyện này là có thật một trăm phần trăm và đã tồn tại hàng trăm năm nay rồi.
Tôi năm nay đã hơn 60 tuổi, ngay từ nhỏ đã được ông bà, cha mẹ nói chuyện về việc không được yêu đương hay kết hôn với trai làng Tức Mặc. Cái này các chú đi vào đình hỏi những cụ cao niên sẽ rõ hơn”.
Đình làng Tức Mặc thờ thành hoàng làng Vương Thị Thục Côn công chúa.
Bức tường vô hình ngăn cản trai gái yêu đương
Hôm chúng tôi đến, thủ từ đình làng Thượng Lỗi đi vắng. Theo lời chỉ dẫn của chủ quán nước, chúng tôi sang đình làng Tức Mặc để tìm hiểu câu chuyện.
Đình làng Tức Mặc rất to và đẹp, nằm ngay ngã 3 mặt tiền rộng lớn của đường Tức Mặc và đường Lộc Vượng (phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Ông Trần Khắc Kê (SN 1934) – thủ từ đình Tức Mặc nói với chúng tôi, chuyện trai gái 2 làng Tức Mắc và Thượng Lỗi không lấy nhau đã trở thành một tục lệ từ hàng trăm năm nay.
Ông Trần Khắc Kê – thủ từ đình Tức Mặc.
Ngồi cùng với ông Kê là Bí thư thôn Tức Mặc Trần Văn Hiếu. Khi chúng tôi đặt câu hỏi, trong xã hội hiện đại, phong tục này có thể trở thành rào cản với các đôi trai gái hay không? Ông Hiếu nói: “Với chúng tôi, đó là nét văn hóa từ thời cha ông để lại và dân làng chúng tôi vẫn sẽ gìn giữ nó. Chúng tôi không tuyền truyền hay xúi giục những đôi trai gái không được yêu nhau, lấy nhau mà những đứa bé ngay từ khi lớn lên đã biết đến về phong tục này nên họ ý thức được trong chuyện tình cảm”.
Quả thực, từ khi còn nhỏ tuổi cho đến lúc lớn lên, dường như có một bức tường vô hình ngăn cản trai gái 2 làng Tức Mặc - Thượng Lỗi đến với nhau. Bức tường đó có từ truyền thuyết để lại, từ những lời kể của cha mẹ, người làng, đến mức vẫn học hành với nhau, vẫn chơi với nhau nhưng trai gái 2 làng chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện mai này sẽ lấy nhau. Phong tục ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân 2 làng.
Ông Trần Văn Hiếu - Bí thư thôn Tức Mặc kể về điển tích khiến trai gái 2 làng không lấy nhau.
Ông Kê kể rằng, ngày nay, khi được nhập vào thành phố Nam Định, đời sống của người dân có nhiều biến chuyển. Đã có những đám cưới giữa trai gái 2 làng với nhau diễn ra, thế nhưng một trong 2 người không phải là người làng chính gốc. Còn với dân gốc 2 làng, dứt khoát không có chuyện yêu đương hay lấy nhau.
Chính cháu (con nhà chị gái) ông Kê ngày trước cũng đem lòng yêu và đòi lấy một cô gái ở làng Thượng Lỗi. Cả gia đình nhất quyết không đồng ý. Mãi sau, khi tìm hiểu ngọn ngành, gia đình cô gái đó không phải người làng Thượng Lỗi gốc mà là dân ở nơi khác đến định cư, lúc đó gia đình mới đồng ý.
Bao đời nay, người dân ở 2 làng vẫn lưu truyền rằng, nếu ai đi ngược lại phong tục này sẽ phải gánh chịu những bất hạnh hôn nhân. Rất nhiều câu chuyện được đồn đại, thậm chí là thêu dệt lên để răn đe con cháu về hậu quả của những đôi trai gái 2 làng vi phạm tục lệ truyền kiếp. Thế nhưng, chẳng có ai xác tín được độ tin cậy của những câu chuyện ấy, chỉ biết dân làng Thượng Lỗi và Tức Mặc bao đời nay không xảy ra chuyện trai gái yêu đương hay kết hôn.